Về lập luận của bà Phó Oánh liên quan đến Biển Đông

05/03/2017 07:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Lập luận trên của bà Oánh có thể tạm thời lấn át những ai "yếu bóng vía", nhưng không che đậy được sự thật.

The Australian ngày 5/3 đưa tin, người phát ngôn kỳ họp Quốc hội Trung Quốc năm nay, bà Phó Oánh tuyên bố, mặc dù ngân sách quốc phòng Trung Quốc chỉ tăng khoảng 7% trong năm 2017, nhưng vẫn đủ để Bắc Kinh ngăn chặn "thế lực bên ngoài" can thiệp vào các tranh chấp lãnh thổ.

Chi tiêu quân sự của Trung Quốc năm 2017 sẽ tương đương với khoảng 1,3% tổng giá trị GDP của quốc gia này.

Bà Oánh không cung cấp thêm chi tiết về khoản ngân sách quốc phòng cho năm nay, tuy nhiên sự gia tăng này vẫn định hình Trung Quốc là nước rót tiền cho quân sự lớn thứ 2 thế giới, sau Mỹ.

Bà Phó Oánh bác bỏ mối quan ngại của các nước trong khu vực về việc gia tăng sức mạnh quân sự  và hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông bằng cách nói: 

Những cuộc xung đột quân sự hay chiến tranh xảy ra trên thế giới mấy chục năm qua không phải do Trung Quốc gây ra. Bắc Kinh mong muốn giải quyết hòa bình các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực bằng đàm phán tay đôi, trực tiếp với từng nước.

Bà Phó Oánh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, người phát ngôn kỳ họp Quốc hội thường niên, khai mạc ngày hôm nay 5/3. Ảnh: SCMP.
Bà Phó Oánh, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trung Quốc, người phát ngôn kỳ họp Quốc hội thường niên, khai mạc ngày hôm nay 5/3. Ảnh: SCMP.

"Đồng thời, chúng tôi cần có khả năng để bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích khác của mình. Đặc biệt, chúng tôi cần phải chống lại các lực lượng bên ngoài can thiệp vào những tranh chấp.

Tình hình sẽ phát triển như thế nào trong tương lai, điều đó phụ thuộc vào ý định của Mỹ. Hành động của Mỹ ở Biển Đông có thể được xem như phong vũ biểu", bà Oánh nói. [1]

Cùng tường thuật về cuộc họp báo do bà Phó Oánh chủ trì hôm qua 4/3, South China Morning Post, Hồng Kông cho biết, bà Oánh tuyên bố Bắc Kinh đã sẵn sàng đối phó với bất cứ thách thức nào Tổng thống Donald Trump có thể gây ra trong quan hệ Trung - Mỹ.

Bà Oánh bác bỏ những lo ngại về sự leo hang của Bắc Kinh trong các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông, bao gồm cả việc đặt hệ thống phòng thủ tên lửa (bất hợp pháp) ra đảo nhân tạo ở Biển Đông, đe dọa tự do hàng hải và hàng không với lập luận như đã nêu.

Về quan hệ Trung - Mỹ, South China Morning Post dẫn lời bà Oánh cho biết:

"Những thay đổi chính sách của Mỹ sẽ có tác động toàn cầu, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quan hệ với Trung Quốc. Chúng tôi hy vọng sẽ nhìn thấy những tác động tích cực. Nhưng Trung Quốc sẽ vẫn bình tĩnh đối phó với những thách thức có thể". [2]

Cá nhân người viết cho rằng, bà Phó Oánh là một nhà ngoại giao thông minh và hoạt khẩu, có quan điểm cứng rắn trong vấn đề Biển Đông. Tất nhiên lập luận trên của bà Oánh có thể tạm thời lấn át những ai "yếu bóng vía", nhưng không che đậy được sự thật.

Sự thật ở đây là, kể từ sau cuộc tấn công xâm lược, đánh chiếm trái phép đảo Gạc Ma và 5 cấu trúc khác trong quần đảo Trường Sa, Khánh Hòa, Việt Nam gây ra cuộc thảm sát đẫm máu ngày 14/3/1988 đến nay, gần 30 năm Trung Quốc phát triển nhờ môi trường hòa bình, kiếm rất nhiều tiền nhờ sản xuất, buôn bán hàng giá rẻ (và độc hại) cung cấp cho toàn cầu.

Trong gần 30 năm ấy, tuy đúng là Trung Quốc chưa tham gia vào cuộc chiến tranh, xung đột nào, nhưng vũ khí Trung Quốc vẫn xuất hiện tại các điểm nóng ở Bắc Phi, Trung Đông.

Quan trọng hơn, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ không sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Càng không thể dùng lập luận này để ngụy biện, che đậy cho việc quân sự hóa Biển Đông 3, 4 năm trở lại đây.

Về lập luận của bà Phó Oánh liên quan đến Biển Đông ảnh 2

Máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau

(GDVN) - Nếu không có “hệ miễn dịch” cực mạnh chống lại những đại dịch “Hán hóa” thì dân tộc Việt Nam đã không còn tồn tại và phát triển rực rỡ đến ngày hôm nay.

Không một quốc gia nào trong khu vực ngây thơ tin rằng, hệ thống tên lửa HQ-9 bố trí bất hợp pháp ở Hoàng Sa hay hơn 500 tên lửa mới tập kết ở Hải Nam và chuẩn bị kéo ra đảo nhân tạo ở Trường Sa với tầm bắn 400 km sẽ không nhằm vào mình.

Không một đất nước nào có tàu thuyền qua lại Biển Đông, Trường Sa với khối lượng tổng kim ngạch thương mại hàng năm lên đến 5 ngàn tỉ USD có thể yên tâm với một thứ "tự do hàng hải, hàng không do Trung Quốc bảo kê, với súng ống, tên lửa lăm lăm bên cạnh".

Mọi lời lẽ ngụy biện cho việc bồi đắp đảo nhân tạo và biến 7 cấu trúc Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp ở Trường Sa thành những pháo đài quân sự kiên cố và nguy hiểm không thể thuyết phục được dư luận.

Lịch sử đã cho thấy âm mưu độc chiếm Biển Đông xuyên suốt qua các thế hệ lãnh đạo Trung Quốc cận, hiện đại.

Cứ lúc nào các bên liên quan suy yếu, nội bộ chia rẽ phức tạp hay có chiến tranh, cứ lúc nào bối cảnh chính trị quốc tế - khu vực có thể giúp Bắc Kinh đục nước béo cò ở Biển Đông, là họ ra tay.

Tham vọng độc chiếm Biển Đông bắt đầu từ sự kiện năm 1909, Đô đốc Lý Chuẩn, Quảng Đông đổ bộ bất hợp pháp lên đảo Phú Lâm, Hoàng Sa rồi phải rút ngay vì gặp kháng cự của quân Pháp đang đại diện Nhà nước Việt Nam thực thi chủ quyền tại quần đảo này.

Sự bắt đầu và phát triển của tham vọng độc chiếm Biển Đông mà các nhà cầm quyền Trung Quốc theo đuổi đã được một số học giả Trung Quốc tiến bộ chỉ ra. Điển hình tại Trung Quốc có Giáo sư Lý Lệnh Hoa, ở hải ngoại có Giáo sư Trương Bác Thụ mà chúng tôi đã đưa tin.

Tranh chấp chủ quyền quần đảo Hoàng Sa bắt đầu từ đây, mặc dù từ năm 1909 trở về trước, Hoàng Sa đã được nhà nước Việt Nam qua các thế hệ xac lập chủ quyền cùng với Trường Sa từ khi còn là đất vô chủ, một cách hòa bình, liên tục và hợp pháp từ thế kỷ 17.

Cũng từ thời điểm 1909 trở về sau, âm mưu thôn tính Biển Đông cứ lớn dần, từ Hoàng Sa tới Trường Sa, từ 2 quần đảo tới đường lưỡi bò ôm trọn Biển Đông.

Năm 1946 lợi dụng tranh tối tranh sáng lúc Chiến tranh Thế giới II vừa kết thúc và Pháp bắt đầu đẩy mạnh Chiến tranh Đông Dương, Trung Quốc (Tưởng Giới Thạch) chiếm đảo Phú Lâm - Hoàng Sa và đảo Ba Bình - Trường Sa tháng Giêng 1947.

Năm 1950 Tưởng Giới Thạch thua Mao Trạch Đông và phải chạy ra Đài Loan, lực lượng chiếm đóng Phú Lâm và Ba Bình rút khỏi 2 đảo này.

Chiến tranh vẫn tiếp tục ở Việt Nam, thì ngày 21/2/1956 chính quyền Mao Trạch Đông cho quân bí mật chiếm đóng đảo Phú Lâm. Cũng năm này, quân Tưởng Giới Thạch tái chiếm đảo Ba Bình.

Năm 1974, lợi dụng cuộc chiến tranh thống nhất đất nước ở Việt Nam đang bước vào thời kỳ nước rút, Trung Quốc cất quân xâm lược nốt nửa phía tây quần đảo Hoàng Sa. 

Năm 1988, khi Liên Xô đã suy yếu và đứng bên bờ sụp đổ, Việt Nam thì vẫn đang bị phương Tây bao vây, cấm vận sau chiến tranh, trong đất liền vừa phải trải qua 2 cuộc chiến chống xâm lược biên giới Tây Nam và phía Bắc, khó khăn chồng chất, Trung Quốc cất quân xâm lược Gạc Ma và 5 cấu trúc khác ở Trường Sa năm 1988.

Năm 2013, đánh giá khả năng can thiệp của Mỹ vào Biển Đông rất hạn chế sau sự kiện Nga "sáp nhập" Crimea và đặc biệt là vụ "làm thử, ăn thật" Scarborough tháng 4/2012, Trung Quốc bắt tay vào quân sự hóa Biển Đông.

Về lập luận của bà Phó Oánh liên quan đến Biển Đông ảnh 3

Giàn khoan 981 là kế nghi binh, đảo hóa Gạc Ma mới uy hiếp ta thực sự?

(GDVN) - Trung Quốc có lẽ không nhiều tiền nuôi giàn khoan 981 và "hạm đội" hơn 100 tàu hộ tống mãi được, chỉ e khi họ rút rồi thì đã có 1 hay 2 đảo nổi đã đắp xong.

Để che dấu ý đồ này, năm 2014 họ gây ra sự cố giàn khoan 981 đẩy căng thẳng Trung - Việt lên cao trào.

Đến lúc căng thẳng hạ nhiệt và họ rút giàn khoan trước sự đấu tranh không khoan nhượng của Việt Nam với sự ủng hộ của dư luận tiến bộ, cũng là lúc các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng bất hợp pháp ở Trường Sa đã thành hình.

Giờ đây đúng như Tổng thống Donald Trump nhận xét, Trung Quốc đã tạo ra sự đã rồi và chính quyền Obama đã bỏ lỡ thời cơ can thiệp từ khi âm mưu còn trong trứng nước.

Nhưng sự đã rồi ấy không có nghĩa là nước Mỹ dưới thời Donald Trump sẽ khoanh tay chấp nhận để Biển Đông biến thành ao nhà của Trung Quốc. Vị Tổng thống doanh nhân ấy đã nói là làm với những chiến thuật khác hoàn toàn người tiền nhiệm.

Vì vậy người viết lược lại mấy mốc thời gian cũng như sự kiện chính để thấy rõ, những lập luận dù lợi khẩu đến đâu các nhà ngoại giao Trung Quốc cũng không che nổi sự thật:

Thứ nhất, âm mưu thôn tính Biển Đông bắt đầu từ chính quyền cấp tỉnh ở Quảng Đông thời kỳ hậu phong kiến với sự kiện Lý Chuẩn đổ bộ lên đảo Phú Lâm năm 1909 đã không ngừng bành trướng lên cấp quốc gia, dù chính quyền Trung Quốc có thay đổi từ lực lượng này sang lực lượng khác.

Thứ hai, để chiếm lãnh thổ nước khác và các vùng biển quốc tế, Trung Quốc sẵn sàng "giấu mình chờ thời" hàng chục năm, vài chục năm. Suốt thời gian đó, họ vẫn âm thầm dùng nhiều thủ đoạn từ chính trị, kinh tế, ngoại giao và quân sự khi cần để đạt được mục đích.

Thứ ba, khi thấy các bên liên quan suy yếu, nội bộ có vấn đề, hay khả năng can thiệp của các cường quốc khác (Mỹ - Xô trước đây, Mỹ và đồng minh hiện nay) yếu đi, là thời cơ để Trung Quốc ra tay "một mẻ tóm sạch".

Khi Trung Quốc còn nghèo đã phải cảnh giác, nay họ có dư súng đạn và tiền của, lại càng phải cảnh giác.

Cho dù họ có ra sức tuyên truyền, Mỹ là mọi nguyên nhân căng thẳng, xung đột ở Biển Đông, thì ai là kẻ gây sự vẫn không thể nhầm lẫn.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://www.theaustralian.com.au/news/world/china-eases-off-on-military-spending/news-story/2f356dbb1cc6d8079fb721f05f200948

[2]http://www.scmp.com/news/china/diplomacy-defence/article/2076092/future-south-china-sea-disputes-depends-washington-says

Hồng Thủy