Venezuela từ nghịch lý đến phi lý

29/04/2016 14:13
Ngọc Việt
(GDVN) - Tập trung đầu tư hoàn toàn vào khai thác thuỷ điện là một trong những nghịch lý trong chính sách của chính phủ Venezuela.

The Guardian ngày 27/4 đưa tin, Tổng thống Venezuela Nicolás Maduro hôm Thứ Ba công bố rằng, chính phủ phải cắt giảm giờ làm việc của các công chức Venezuela. Họ sẽ chỉ làm việc vào Thứ Hai và Thứ Ba, ít nhất hai tuần/tháng.

Đây được xem là biện pháp tiếp theo của chính phủ Venezuela trong việc vật lộn với một cuộc khủng hoảng thiếu điện trầm trọng do nạn hạn hán nghiêm trọng tại quốc gia này.

Dư luận không khỏi giật mình về sự kiện này vì Venezuela là một trong những quốc gia sản xuất và xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Đã có thời gian giá nhiên liệu ở nước này còn “rẻ như nước lã”.

Ngồi trên "túi dầu thế giới" nhưng người dân Venezuela phải thắp sáng bằng đèn sáp – một sự nghịch lý khó tin. Ảnh: EPA.
Ngồi trên "túi dầu thế giới" nhưng người dân Venezuela phải thắp sáng bằng đèn sáp – một sự nghịch lý khó tin. Ảnh: EPA.

Dầu, khí là loại nhiên liệu có thể sản xuất ra điện năng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất. Vì vậy người dân Venezuela được ví như ngồi trên nguồn năng lượng dư thừa, nhưng lại thiếu năng lượng phục vụ cho công việc và cuộc sống là một nghịch lý khó tin.

Dư luận còn ngạc nhiên hơn về "giải pháp" của chính phủ Maduro, giảm giờ làm việc của công chức để tiết kiệm điện.

Theo The Guardian: “Người lao động không đi làm và được hưởng lương nên sử dụng thời gian được nghỉ để đi mua thực phẩm và hàng hóa khác. Một số thì ở nhà bật máy lạnh và xem tivi.

Vì vậy những nhà phê bình cho rằng giảm giờ làm việc của công chức tại công sở không phải là một biện pháp tiết kiệm năng lượng hiệu quả”.

Hồi đầu tháng này, chính phủ Venezuela đã thông báo công nhân phải nghỉ làm việc ngày Thứ Sáu hàng tuần và mỗi ngày cắt điện bốn giờ trên toàn quốc. Nay với việc giảm giờ làm của công chức nhà nước, chứng tỏ tình hình tại đất nước của những hoa hậu đã rất nghiêm trọng.

Venezuela đứng đầu danh sách các quốc gia dễ bị tổn thương nhất khi giá dầu xuống thấp khiến cho đời sống người dân khốn khó. Nay thêm việc cắt điện, giảm giờ làm càng khiến cho xã hội bất ổn hơn.

Nghịch lý: Có dầu thô dồi dào không dùng, đi phát triển thủy điện

Dù với bất cứ nguyên nhân gì, lý do nào thì hiện tượng thiếu điện trầm trọng tại Venezuela vẫn được xem là hậu quả của tư duy và cách làm trái khoáy.

Venezuela từ nghịch lý đến phi lý ảnh 2

Cờ tàn Syria: Obama nhẹ nhàng "nẫng" thành quả chiến dịch không kích của Nga

(GDVN) - Việc Mỹ chỉ điều động 250 quân tới Syria trong giai đoạn này là một nước đi đầy khôn ngoan của Obama.

Người ta khó có thể hình dung ra việc người dân Venezuela, một đất nước giàu nguồn dự trữ dầu mỏ bậc nhất thế giới, chính là nguồn nhiên liệu sản sinh ra năng lượng lại bị thiếu điện bởi hạn hán.

Chính phủ Venezuela đã từng phải ngưng sản xuất dầu thô vì giá cả quá thấp, vậy mà không có nhiên liệu cho việc sản xuất điện.

Người viết cho rằng, việc tập trung đầu tư hoàn toàn vào khai thác thuỷ điện là một trong những nghịch lý trong chính sách của chính phủ Venezuela.

Phải chăng họ sợ ô nhiễm môi trường nên không đầu tư vào nhiệt điện? Họ cho rằng chi phí sản xuất nhiệt điện lớn hơn chi phí sản xuất thuỷ điện nên không phát triển nhiệt điện?

Lý do đó có thể có một phần hợp lý, nhưng không đủ để có thể bao biện cho sự trái khoáy trong chiến lược phát triển và đảm bảo an ninh năng lượng của quốc gia này.

Không khó để nhận diện bản chất của vấn đề trong quan điểm của chính phủ Venezuela khi xây dựng chính sách phát triển điện năng. Với đất nước nằm trong vùng khi hậu nhiệt đới, nóng ẩm mưa nhiều, chắc chắn chính phủ Venezuela nhìn nhận rằng nước gần như là nguồn tài nguyên vô tận.

Điều đó cũng hết sức bình thường như bao quốc gia khác vậy. Còn trữ lượng dầu thô là con số hữu hạn, dù là ước đoán hay dự đoán.

Tuy nhiên, đây lại chính là nguyên nhân của sự bất hợp lý. Bởi lẽ từ con số hữu hạn người ta có thể xây dựng kế hoạch chính xác, còn từ sự vô hạn không thể ước định thì không thể xây dựng kế hoạch cụ thể được.

Nhưng chính phủ Venezuela đã xây dựng kế hoạch phát triển điện năng cũng như chiến lược an ninh năng lượng dựa trên cơ sở không thể ước định được ấy. Và điều đó khiến cho kế hoạch phát triển đất nước Venezuela cứ dập dờn theo những cơn mưa.

“Tổng thống Maduro cho biết mực nước tại đập thuỷ điện lớn nhất của quốc gia này đã giảm xuống gần mức hoạt động tối thiểu của nó – mực nước chết.

Venezuela từ nghịch lý đến phi lý ảnh 3

Ổn định giả tạo và hậu quả khôn lường

(GDVN) - Sự giả tạo trong ổn định chính trị là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất làm suy yếu chế độ Saddam Hussein và Muammar Gaddafi.

Đây là hậu quả của đợt hạn hán nghiêm trọng tại Venezuela trong thời gian qua. Song các chuyên gia cho rằng việc sai lầm trong quy hoạch của chính phủ mới là nguyên nhân của vấn đề”, theo The Guardian.

Venezuela đã không phát huy thế mạnh của mình là dầu thô để xây dựng kế hoạch hài hoà, hợp lý giữa nhiệt điện và thuỷ điện. Do đó mới khiến cho người dân và đất nước này đang phải gánh chịu hậu quả của sự lãng phí, tạo nghịch lý ấy – ngồi trên nguồn điện mà không có điện sử dụng.

Bây giờ chính phủ Venezuela không thể khắc phục được tình trạng này, bởi nguồn vốn cho việc xây dựng những nhà máy nhiệt điện là nằm ngoài khả năng của ngân sách nước này.

Nghịch lý nước - dầu từ lâu đã khiến cho chính phủ Venezuela lao đao.

“Tình trạng mất điện đã là một vấn đề kinh niên tại Venezuela. Người tiền nhiệm của Maduro, cố Tổng thống Hugo Chávez đã từng hứa sẽ giải quyết vấn đề này trong năm 2010, nhưng tình hình vẫn không được cải thiện”, theo The Guardian.

Điều này khiến cho tình hình tại Venezuela ngày càng trở nên tồi tệ và chính phủ nước này ngày càng mất niềm tin ở nhân dân Venezuela.

Phi lý: Phải nghỉ việc để tiết kiệm điện nhưng ở nhà lại được sử dụng điện

Việc thiếu điện trầm trọng khiến cho chính phủ Venezuela phải sử dụng biện pháp chữa cháy là cắt điện trên khắp đất nước. Giải pháp vạn bất đắc dĩ ngừng cung cấp điện phải hết sức sáng suốt, tính toán phải hết sức hợp lý để làm sao giảm mức thiệt đến mức tối thiểu cho nền kinh tế đất nước cũng như cuộc sống của người dân.

Đồng thời giải pháp này cũng phải đảm bảo ảnh hưởng ít nhất đến công ăn việc làm của người dân và doanh nghiệp Venezuela mới thể hiện sự sáng suốt của chủ trương và hợp lý của kế hoạch.

Tuy nhiên, chính phủ Venezuela đã làm ngược lại đến mức phi lý. Công chức phải nghỉ việc mà vẫn phải trả lương đã là một thiệt hại rất lớn cho kinh tế đất nước. Nhưng vấn đề lại phi lý ở chỗ, nơi làm việc bị cắt điện, nhưng ở nhà nghỉ ngơi thì lại có điện.

Nghĩa là chính phủ Venezuela ưu tiên điện dành cho sinh hoạt của người dân hơn là dành cho việc làm của họ. Đây là sự phi lý hết sức và không thể tin nổi trong một đất nước quá khó khăn như Venezuela.

Phải thấy rằng, ưu tiên dùng điện cho công việc của tất cả các bộ phận lao động trong thời gian làm việc là một sự hợp lý, vì nó vừa không lãng phí tiền bạc cho thời gian lao động nghỉ, vừa tạo ra của cải vật chất cho xã hội, vừa đảm bảo thu nhập cho người lao động.

Con người hoạt động thì xã hội phát triển. Còn việc khó khăn trong điều kiện sinh hoạt hàng ngày – thiếu điện thì có thể làm người dân thất vọng, nhưng không gây bất ổn xã hội nếu không phi lý và nghịch lý.

Một quốc gia giàu có, một xã hội sung túc mà không vận động, còn người không lao động, làm việc cũng sẽ có nguy cơ bất ổn xã hội bởi cái nguyên lý “nhàn cư vi bất thiện”.

Trong khi Venezuela lại là một quốc gia có nền kinh tế đang trên bờ vực của sự phá sản, cuộc sống của người dân thì quá khó khăn, đến cả nhu yếu phẩm cần thiết cũng thiếu thốn, xã hội thì mẫu thuẫn, xung đột. Điều đó khiến cho chính sách của chính phủ Tổng thống Maduro sẽ đưa chính quyền đến chỗ nguy hiểm.

Xung đột, chia rẽ trong xã hội Venezuela sẽ không thể giảm nếu chính phủ không chấm dứt sự phi lý trong chính sách của mình. Ảnh: AP.
Xung đột, chia rẽ trong xã hội Venezuela sẽ không thể giảm nếu chính phủ không chấm dứt sự phi lý trong chính sách của mình. Ảnh: AP.

Có thể chính phủ Venezuela cho rằng, ưu tiên tiện cho sinh hoạt là thể hiện sự quan tâm, thậm chí hy sinh của chính phủ cho cuộc sống của người dân.

Có thể nhận định rằng, thang nhu cầu của con người được những nhà xã hội học xây dựng hết sức hợp lý và khoa học. Con người phải được thoả mãn nhu cầu về vật chất rồi mới tới thoả mãn nhu cầu về tinh thần.

Và để thoả mãn nhu cầu về vật chất thì làm việc và tạo thu nhập là cách thức duy nhất.

Tuy nhiên, chính phủ Venezuela lại đảo ngược việc thoả mãn thang nhu cầu của con người – “đói vật chất, nhưng no tinh thần” khi người lao động được cho nghỉ ở nhà bật máy lạnh và xem tivi.

Đây chính là cách chính phủ Venezuela làm nghèo đất nước nhanh nhất và qua đó khiến chính quyền suy yếu nhanh nhất. Phe đối lập đang tìm cách lật đổ chính quyền của Tổng thống Maduro.

“Hội đồng bầu cử đã đồng ý cung cấp cho các nhà lãnh đạo đối lập một tài liệu cho phép họ bắt đầu quá trình tìm kiếm một cuộc trưng cầu để loại bỏ Maduro”, theo The Guardian.

Song người viết cho rằng, phe đối lập chỉ cần ủng hộ triệt để chính sách phi lý của chính phủ Maduro vì đó là cách tốt nhất, khả thi nhất để họ đạt nục đích này mà chẳng cần tốn công tốn sức.

Tóm lại, từ nghịch lý – xây dựng kế hoạch dựa trên những ước đoán vô định, từ phi lý – xây dựng chính sách dựa trên việc đảo ngược thang nhu cầu của con người, chính phủ của Tổng thống Maduro đã khiến cho người dân đất nước Venezuela phải gánh chịu những hậu quả nghiêm trọng, đó là cuộc sống khó khăn và thiếu thốn.

Có thể xem đây là nguyên nhân chính khiến cho xã hội Venezuela mâu thuẫn, chia rẽ, chứ không hẳn do mâu thuẫn lợi ích giữa các đảng phái chính trị.

Những gì Venezuela đang phải đối mặt do thiếu hụt nghiêm trọng điện năng rõ ràng là một lời cảnh tỉnh cho việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chính sách của các quốc gia trên thế giới là phải dựa trên điều kiện tự nhiên vốn có của đất nước.

Chính quyền phải nhận ra những thế mạnh, điểm yếu mà thiên nhiên mang lại cho đất nước mình để khai thác, phục vụ cho lợi ích quốc gia, dân tộc mình. Thiên nhiên vốn là thực tế khách quan nên luôn tồn tại hợp lý. Vì vậy chỉ có ý muốn chủ quan của người là nghịch lý và phi lý mà thôi.

Bởi thế nếu Venezuela thực sự muốn thoát khỏi tình trạng bế tắc hiện nay thì chính quyền phải hạn chế tối đa ý muốn chủ quan nghịch lý, phi lý trong việc tác động và khai thác điều kiện tự nhiên, vì điều đó chỉ làm hại cho người dân, đất nước này mà thôi.

Ngọc Việt