Vì sao Mỹ từ chối tiếp Thủ tướng Nga Medvedev?

15/10/2015 07:13
Nguyễn Hường
(GDVN) - Mỹ đã từ chối tiếp đón một phái đoàn Nga do Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn đầu đến thăm Washington để thảo luận về các vấn đề phối hợp hoạt động chống khủng bố.

RIA Novosti ngày 14/10 dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho biết, Mỹ đã từ chối đề xuất tiếp đón một phái đoàn Nga do Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn đầu đến thăm Washington để thảo luận về các vấn đề phối hợp hoạt động chống khủng bố ở Syria.

Ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề gửi đề xuất tới Washington về việc sử một phái đoàn do Thủ tướng Medvedev dẫn đầu để thảo luận về vấn đề hợp tác chống khủng bố.

Mỹ đã từ chối tiếp đón một phái đoàn Nga do Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn đầu đến thăm Washington để thảo luận về các vấn đề phối hợp hoạt động chống khủng bố ở Syria. Ảnh NBC News.
Mỹ đã từ chối tiếp đón một phái đoàn Nga do Thủ tướng Dmitry Medvedev dẫn đầu đến thăm Washington để thảo luận về các vấn đề phối hợp hoạt động chống khủng bố ở Syria. Ảnh NBC News.

Mặc dù Mỹ gần đây đã bày tỏ sự ủng hộ về việc Nga tham gia không kích chống khủng bố IS ở Syria, tuy nhiên, cả hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vai trò của Tổng thống Bashar al-Assad trong chiến dịch này. 

Nga cho rằng không thể chống IS nếu không giúp đỡ chính quyền Tổng thống Assad củng cố quyền lực. Trong khi đó, Washington lại cho rằng không thể có hòa bình cho Syria nếu Assad không ra đi. 

Washington không tán thành việc Moscow ủng hộ và hỗ trợ chính phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Ở góc độ nào đó, Mỹ cho rằng đó là biểu hiện của sự yếu đuối hơn là sức mạnh. Theo Washington, lý do thúc đẩy Nga đơn phương mở chiến dịch không kích tại Syria là vì Assad không thể tiếp tục trụ vững và cần sự giúp đỡ.

Bình luận về động thái trên của Washington, tờ Lập luận và Sự kiện dẫn lời Georgy Fyodorov - Chủ tịch Trung tâm Khoa học Xã hội và Chính trị Aspect, một thành viên của Phòng Công chúng Liên bang Nga, cho rằng việc Mỹ từ chối tiếp đón phái đoàn cấp cao của Nga là bằng chứng trực tiếp về những sai lầm nghiêm trọng trong chính sách của Washington đối với Moscow.

Trong những năm gần đây, Mỹ đã gia tăng áp lực đối với Nga trên mọi lĩnh vực như: quân sự, ngoại giao, chính trị, kinh tế. Mục đích của những nỗ lực này, theo ông Fyodorov, là làm giảm vai trò của Moscow trong nền chính trị quốc tế.

Ngoài ra theo ông, IS có thể cũng là một sản phẩm của Mỹ giống như Taliban hay al-Qaeda. Do đó, Mỹ từ chối hợp tác tích cực với Nga để che giấu các bí mật của mình.

Nguyên do cuối cùng khiến Mỹ từ chối tiếp đón đoàn đại biểu của Nga là Washington chưa sẵn sàng hợp tác với Moscow trong vấn đề này là lo ngại có thể làm mất lòng các đồng minh ở Trung Đông, gồm cả phe đối lập Syria và các nước Ả Rập. 

Thảo luận về lý do Điện Kremlin chủ động cử phái đoàn cấp cao tới Washington, tờ Tầm nhìn của Nga cho rằng để chống IS một cách hiệu quả, Moscow không thể bỏ qua sự hỗ trợ của Mỹ và các đồng minh của nước này trong khu vực.

Đã hai tuần kể từ khi Tổng thống Putin đưa ra đề nghị thành lập một liên minh quốc tế chống IS tại New York, nhưng Mỹ vẫn khước từ. Trong khi đó, chiến dịch không kích IS của Nga ở Syria đã bước sang một giai đoạn mới với một quy mô rộng lớn hơn đòi hỏi phải có sự phối hợp của các láng giềng Syria cũng như các đồng minh của Mỹ trong khu vực và của chính nước Mỹ. 

Tờ Tầm nhìn của Nga cho rằng việc Mỹ từ chối tham gia vào kế hoạch chống IS của Nga và giảm các hoạt động không kích của mình tại quốc gia này hai tuần qua là nhằm để Moscow đuối sức và thất bại tại Syria. 

Tuy nhiên, ông Putin đã vận dụng khéo léo chiến thuật judo yêu thích của mình trong mặt trận địa chính trị tại Trung Đông giúp Nga đã vươn lên dẫn trước Mỹ trong trận đấu ở Syria, vạch rõ sai lầm chiến lược của Mỹ ở Trung Đông, thúc đẩy sự bất mãn với chính sách của Washington trong khu vực. 

Việc Mỹ khước từ đề nghị hợp tác của Moscow, theo truyền thông Nga, là một sai lầm. Thực tế cho thấy, vai trò và ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông đang ngày càng giảm đi, sự chỉ trích tăng lên. Còn vị thế của Nga và chính phủ Assad ngày càng được củng cố.  Khước từ đề nghị tham gia cùng Nga, Mỹ đã vô tình đánh mất cơ hội lấy lại ảnh hưởng của mình trong khu vực./.

Nguyễn Hường