Viện Lowy: Cần phải ngăn chặn Trung Quốc leo thang bành trướng ở Biển Đông

30/04/2016 08:30
Đông Bình
(GDVN) - Hành động bất hợp pháp của Trung Quốc ở Biển Đông rất “chuyên nghiệp”, cộng đồng quốc tế cần phải buộc Trung Quốc phải trả giá nhiều hơn...

Đa Chiều ngày 29/4 cho hay, Viện Nghiên cứu Chính sách quốc tế Lowy (Lowy Institute for International Policy) Australia cùng ngày công bố báo cáo cho rằng, các hành động triển khai ở khu vực Trung Quốc nhảy vào tranh chấp thể hiện "tính chuyên nghiệp rất cao".

Tàu khu trục tên lửa Hải quân Mỹ tiếp cận Biển Đông vào tháng 3/2015. Nguồn ảnh: Reuters/Đa Chiều
Tàu khu trục tên lửa Hải quân Mỹ tiếp cận Biển Đông vào tháng 3/2015. Nguồn ảnh: Reuters/Đa Chiều

Các nước xung quanh Biển Đông cho rằng, hành động này của Trung Quốc muốn thách thức trật tự khu vực hiện nay. Dựa trên phán đoán chiến lược này, các nước đã đưa ra các phản ứng khác nhau.

Báo cáo cho rằng, mặc dù hành vi bồi đắp, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông bị Mỹ và Philippines phê phán mạnh mẽ, nhưng Bắc Kinh vẫn tìm cách mở rộng vai trò ảnh hưởng trên biển.

Các hành động đi lại (tự do) hiện nay của Mỹ chỉ có thể tạo hiệu quả làm chậm quân sự hóa Biển Đông, không thể ngăn chặn các hoạt động leo thang của Trung Quốc ở Biển Đông một cách căn bản.

Để đối phó với các thủ đoạn của Trung Quốc, các nước liên quan đã áp dụng các biện pháp nhằm gia tăng cái giá Trung Quốc sẽ phải trả cho các hành động leo thang bành trướng ở Biển Đông. Những biện pháp này bao gồm:

Tăng cường và mở rộng cơ chế lòng tin trên biển và trên không, nâng quy tắc Trung-Nhật và quy tắc ứng xử ở Biển Đông lên cùng cấp độ với nguyên tắc quan hệ Trung-Mỹ;

Các nước tự do đi lại ở trong phạm vi 12 hải lý của các thực thể do Trung Quốc chiếm đóng (bất hợp pháp) và yêu sách lãnh hải 12 hải lý, thậm chí là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý;

Để phản ứng đối với Trung Quốc, các nước xung quanh Biển Đông đang tăng cường xây dựng năng lực trên biển, bao gồm tàu chiến, máy bay chiến đấu, chia sẻ và chuyển nhượng công nghệ giám sát/theo dõi, để cho các nước như Philippines và Malaysia có thể gia nhập lực lượng tuần tra Biển Đông;

Vạch trần bộ mặt thật "hình tượng người bảo vệ hòa bình thế giới" của Trung Quốc (Trung Quốc thường nói họ là người kiên định bảo vệ hòa bình thế giới), bao gồm ủng hộ vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Tòa trọng tài thường trực Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông.

Trung Quốc không có chủ quyền ở Biển Đông, nhưng lại cất quân xâm lược trong một số thời điểm trước đây (các năm 1956, 1974, 1988...), sau đó nhảy vào tranh chấp, nay thực lực mạnh lên tiếp tục ra sức bành trướng.

Hiện nay, Trung Quốc đang điều chỉnh sách lược bành trướng, chuyển sang áp dụng biện pháp "đối kháng bị động" để củng cố trạng thái mới của khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ngày 28/4, tại Hội nghị Ngoại trưởng CICA, cho dù Trung Quốc không có chủ quyền đối với các đảo đá và vùng biển phu cận ở Biển Đông, nhưng, Chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình tiếp tục ngang nhiên nói rằng Trung Quốc sẽ "kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền lợi của mình ở Biển Đông".

Đông Bình