"Việt Nam là cửa ngõ lý tưởng cho Nga gia nhập thị trường ASEAN"

16/04/2015 14:23
Hồng Thủy
(GDVN) - Moscow sẽ tích cực tìm kiếm các cơ hội kinh tế bù đắp cho những mất mát ở châu Âu tại các thị trường mới.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội. Ảnh: Yahoo News.
Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hà Nội. Ảnh: Yahoo News.

Tờ Russia Beyond The Headline ngày 16/4 bình luận, Nga đang cạnh tranh với Trung Quốc và Hoa Kỳ tại thị trường ASEAN bởi các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Moscow hậu khủng hoảng Ukraine. Chuyến thăm Việt Nam, Thái Lan vừa qua của Thủ tướng Dmitry Medvedev nhấn mạnh ý định của Nga tranh lấy một phần thị trường ASEAN với Mỹ và Trung Quốc.

Nga đang hướng tới mục tiêu tăng gấp đôi kim ngạch thương mại song phương với Indonesia, Thái Lan lên 5 tỉ USD và 10 tỉ USD năm 2020, 10 tỉ USD với Việt Nam năm 2016.

"Việt Nam là một điểm lý tưởng để Nga gia nhập thị trường ASEAN năng động và hợp tác với các thành viên khác trong khối", Yaroslav Lisovolik, người đứng đầu bộ phận phân tích của Deutsche Bank bình luận. 

Tại ASEAN Mỹ đang cố gắng đưa hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào hoạt động, trong khi một khu vực tự do thương mại đa phương Trung Quốc - ASEAN cũng đang vận hành.

"Các doanh nghiệp Nga thường thua kém về khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp đến từ EU, Mỹ, Úc và Trung Quốc đã hoạt động tại Việt Nam và Thái Lan", Yury Zaitsev từ Viện Nghiên cứu kinh tế ứng dụng nhận xét.

Tuy nhiên theo Lisovolik, nước Nga vẫn có một vài lợi thế trong thương mại với ASEAN. Đầu tiên Nga có thể mở toàn bộ thị trường cho các đối tác. Thứ hai, hợp tác với Moscow trong lĩnh vực cung cấp nhiên liệu và năng lượng sẽ "thú vị" đối với nhiều quốc gia.

"Đối với chúng tôi, Việt Nam và Thái Lan là đa dạng hóa xuất nhập khẩu và rủi ro đầu tư", Zaitsev nhận định. Còn Lisovolik cho rằng ASEAN là thị trường phát triển nhanh và năng động nhất trên thế giới hiện nay.

Trong chủ đề liên quan, Dmitri Trenin, Giám đốc Moscow Center Carnegie nói với tờ DW của Đức hôm 15/4, Điện Kremlin đã nhận ra cơ hội của việc sử dụng tính năng động của châu Á như một nguồn lực bên ngoài cho nền kinh tế Nga mà trước đây chỉ tìm thấy ở phương Tây.

Nga không có mục tiêu chiến lược bao quát ở châu Á. Moscow ủng hộ một thế giới đa cực, từ chỗ Mỹ thống trị toàn cầu đến việc chia sẻ quyền lực cho các cường quốc đang lên, Trung Quốc nằm trong số đó.

Moscow sẽ tích cực tìm kiếm các cơ hội kinh tế bù đắp cho những mất mát ở châu Âu tại các thị trường mới từ Thổ Nhĩ Kỳ đến ASEAN, Hàn Quốc. Thay vì cạnh tranh với Trung Quốc, Nga sẽ tìm cách "tương thích" với Bắc Kinh. Tuy nhiên Nga sẽ không chấp nhận để người Trung Quốc lãnh đạo.

Hồng Thủy