Võ lâm minh chủ

26/12/2015 10:00
Hồng Thủy
(GDVN) - Thế giới ngày nay, nhân loại tiến bộ có cần một "võ lâm minh chủ"? Câu trả lời là không.

Cường quốc tranh hùng

Tờ Sputnik News của Nga ngày 25/12 dẫn bài viết của 2 học giả Hoa Kỳ trong lĩnh vực an ninh quốc gia, Michelle Sheva Koettsi và Excel Hellman trên tờ The National Interest cho rằng, vận mệnh trật tự thế giới phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc chứ không phải vào Mỹ.

Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Today Online.
Tổng thống Nga Putin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Ảnh: Today Online.

Nga đang hoạt động có hiệu quả trên mấy hướng, cùng lúc tham gia giải quyết các tình huống khủng hoảng và phát triển quan hệ đối tác với Trung Quốc. Trong tương lai, việc tăng cường các mối quan hệ giữa Moscow với Bắc Kinh sẽ "gây nhiều vấn đề" cho Washington.

Nga đang thiết lập quan hệ quân sự, kinh tế và năng lượng chặt chẽ hơn với Trung Quốc, và sự hợp tác này phục vụ lợi ích của cả hai nước. Moscow đang tiếp cận các thị trường năng lượng mới và mở rộng khu vực ảnh hưởng chính trị của mình, và Trung Quốc cuối cùng có thể chống lại Hoa Kỳ, nước đang cố gắng ngăn chặn việc tạo ra một trật tự thế giới mới, Sputnik News dẫn lời 2 học giả Mỹ bình luận.

Tuy nhiên đầu năm nay, ngày 1/8 Tân Hoa Xã đưa tin, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã chủ trì phiên học tập tập thể của Bộ chính trị đảng Cộng sản Trung Quốc về bảo vệ trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ 2. Ông Bình nói:

"Chúng ta phải thể hiện quyết tâm vững chắc của mình bảo vệ thành quả của Chiến tranh Thế giới thứ II, chiến thắng của công lý và công bằng trong trật tự quốc tế. Người Trung Quốc sẽ tôn trọng lịch sử, không bao giờ quên quá khứ và mong muốn những giá trị hòa bình. Chúng ta nên bác bỏ những lập luận cố gắng xuyên tạc, phủ nhận hay thanh minh lịch sử của cuộc xâm lược bằng sự thật vững chắc".

Ông Tập Cận Bình chỉ thị cho các cơ quan đơn vị phải sưu tầm, thu thập tài liệu các loại về cuộc chiến tranh chống Nhật trên toàn Trung Quốc cũng như toàn cầu. Ông và các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhiều lần ám chỉ Nhật Bản đang cố "thay đổi trật tự quốc tế sau Chiến tranh".

Nói như vậy, dường như ông Tập Cận Bình và các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang ra sức, nỗ lực "bảo vệ trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới II", đương nhiên là theo cách hiểu của Trung Quốc. Nhưng với những gì Sputnik News trích dẫn từ 2 học giả phương Tây thì có lẽ không phải như vậy.

South China Morning Post ngày 26/12 thống kê, trong năm 2015 Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã xuất ngoại công du 14 nước, nhiều nhât kể từ khi ông Mao Trạch Đông tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa năm 1949. Tính từ khi nhậm chức, đến nay ông Tập Cận Bình đã đặt chân đến 30 quốc gia trên thế giới.

Willy Lam, một chuyên gia về chính sách đối ngoại Trung Quốc từ Hồng Kông bình luận: "Khi tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang chậm lại, ông Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Trung Quốc phải cho mọi người Trung Quốc thấy rằng nước này đang đóng một vai trò lớn hơn ở bên ngoài".

"Tôi không thấy một cuộc chiến vật lý nào giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ trong tương lai gần, nhưng sự cạnh tranh giữa hai nước chắc chắn sẽ phát triển hơn và khốc liệt hơn", Willy Lam bình luận.

Thế giới không cần một "võ lâm minh chủ"

Bản tin trên Spunik News cho người viết cảm giác, dường như câu chuyện "võ lâm Trung Nguyên tranh bá" trong các bộ truyện chưởng của Kim Dung lại đang tái diễn trên vũ đài chính trị quốc tế. Để tranh giành cái gọi là ngôi vị "võ lâm minh chủ" hay bí kíp võ công tuyệt thế gì đó mà các phe phái nổi lên chém giết, gây thù chuốc oán liên miên không dứt. Người ta thấy các phe phái chẳng làm ăn gì, suốt ngày chỉ lo "báo thù", "tranh đoạt.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Irish Times.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Irish Times.

Xu thế tranh giành ảnh hưởng của các siêu cường trong đời sống chính trị quốc tế hiện nay cũng có điểm tương tự khi Sputnik News làm nổi bật mệnh đề: vận mệnh trật tự thế giới phụ thuộc vào Nga và Trung Quốc chứ không phải vào Mỹ. Vấn đề là thế giới ngày nay, nhân loại tiến bộ có cần một "võ lâm minh chủ"? Câu trả lời là không.

Cái mà nhân loại cần là một xã hội biết thượng tôn pháp luật, mà cụ thể là Hiến chương Liên Hợp Quốc, văn bản pháp lý có ý nghĩa và giá trị hết sức quan trọng, kết thúc thời kỳ man rợ cá lớn nuốt cá bé. Bất luận lớn hay nhỏ, mạnh hay yếu, dưới mái nhà chung của Liên Hợp Quốc, mọi quốc gia đều bình đẳng, ít nhất là về mặt nguyên tắc.

Thế giới đơn cực, lưỡng cực đã không còn và hình thành nên thế giới đa cực. Tiếng nói của các nước mới nổi cũng như các nước đang phát triển, các diễn đàn khu vực và quốc tế ngày càng trở nên quan trọng. Cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố, chống biến đổi khí hậu, chống tội phạm công nghệ cao xuyên quốc gia...là những thách thức đặt ra cho toàn nhân loại và đòi hỏi sự chung sức của các quốc gia, không một nước nào dù mạnh đến đâu có thể tự mình giải quyết được.

Tuy nhiên, với cách hành xử của các cường quốc trên các điểm nóng toàn cầu như Ukraine, Trung Đông, Bắc Phi hay Biển Đông vừa qua có thể thấy, thượng tôn pháp luật vẫn còn là mục tiêu và khát vọng mà nhân loại phải tiếp tục đấu tranh để giành lấy. Trong khi cạnh tranh giữa các siêu cường để giành ngôi vị "minh chủ võ lâm" lại ngày càng khốc liệt. 

Người ta kêu gọi bảo vệ "trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới II" khi thấy nước đối thủ trong chiến tranh đang vươn lên mạnh mẽ, nhưng lại lúc ngấm ngầm, lúc công khai thúc đẩy một sự thay đổi trật tự quốc tế hiện nay dưới mỹ từ "trỗi dậy hòa bình", thậm chí còn đòi "chia đôi Thái Bình Dương" với siêu cường được xem là số 1.

Nhưng trong thế giới hiện nay không phải cứ muốn xưng hùng, xưng bá là được, dù cây gậy và củ cà rốt lúc nào cũng sẵn trong tay. Sự nổi lên của các cường quốc mới và xu thế hội nhập toàn cầu diễn ra mạnh mẽ khiến các quốc gia ngày càng gắn chặt, lệ thuộc vào nhau hơn.

Vai trò, vị thế của các định chế quốc tế đặc biệt là Liên Hợp Quốc ngày càng quan trọng. Nó đòi hỏi sự đổi mới, cải tổ của tự thân định chế Liên Hợp Quốc mới có thể đảm bảo được mục tiêu ban đầu khi thành lập tổ chức này được thực hiện.

Hồng Thủy