Washington hé lộ lý do cấp phó của Bạc Hy Lai tìm tới lãnh sự Mỹ

24/04/2012 14:31
Nguyễn Hường (theo Want China Times)
(GDVN) - Các quan chức Mỹ cuối cùng đã hé lộ thông tin về những gì đã xảy ra trong suốt thời gian cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân lưu trú tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô
Các quan chức Mỹ cuối cùng đã hé lộ thông tin về những gì đã xảy ra trong suốt thời gian cựu cảnh sát trưởng Trùng Khánh Vương Lập Quân lưu trú tại lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô hồi tháng 2/2012 trong đó cho biết, Washington không nghiêm túc xem xét việc cấp tị nạn chính trị cho ông Vương và nhấn mạnh rằng ông Vương đã tự nguyện nộp mình cho cảnh sát Trung Quốc.
Vương Lập Quân
Vương Lập Quân
Theo các thông tin rò rỉ được các phương tiện truyền thông đăng tải trước đó, sau các cuộc đối thoại không vui vẻ với Bạc Hy Lai về việc người vợ của Bạc là Cốc Khai Lai bị tình nghi có liên quan tới cái chết của một doanh nhân người Anh, Vương Lập Quân đã bị Bạc Hy Lai cách chức cảnh sát trưởng Trùng Khánh. Lo ngại cho sự an toàn của bản thân, ngày 6/2, Vương Lập Quân đã tới lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô để xin tị nạn ở lại đó trong khoảng 30 giờ trước khi được lực lượng cảnh sát Trung Quốc áp tải về Bắc Kinh.   Vương Lập Quân tới lãnh sự quán với mục đích gì vẫn đang được cảnh sát Trung Quốc điều tra làm rõ. Nhưng mới đây, tờ New York Times và Wall Street Journal dẫn nguồn tin từ giới chức Washingtin xác nhận, Vương Lập Quân đã tìm tới lãnh sự Mỹ xin tị nạn cùng với các tài liệu tố giác các sai phạm của Bạc Hy Lai và vợ (số tài liệu này sau đó đã được Vương mang theo khi rời khỏi lãnh sự Mỹ) và đề nghị được nói chuyện với các quan chức cấp cao của Washington ở cương vị là phó thị trưởng thành phố Trùng Khánh, vị trí lãnh đạo ông Vương vẫn đảm nhiệm tại thời điểm đó. Lãnh sự quán Mỹ đã thông báo cho Bộ Ngoại giao nước này về vụ việc để xin chỉ thị. Sự cố đã gây ra một cuộc tranh luận dữ dội ở cách đó hàng ngàn km, nhưng cuối cùng Washington quyết định từ chối vì lo ngại nó có thể gây ảnh hưởng lớn tới mối quan hệ với Bắc Kinh trong bối cảnh Tập Cận Bình chuẩn bị tới thăm Mỹ theo lời mời của Phó Tổng thống Joe Biden vào cuối năm nay. Có thông tin cho rằng, phó Tổng thống Mỹ Joe Biden chính là người có liên quan chính tới quyết định từ chối cấp tị nạn cho Vương Lập Quân.
Bạc Hy Lai (trước) và Vương Lập Quân
Bạc Hy Lai (trước) và Vương Lập Quân
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã nhiều lần lên tiếng nhấn mạnh việc Vương Lập Quân hoàn toàn không bị áp lực từ phía lãnh sự Mỹ lúc rời khỏi lãnh sự nước này khi ngày 8/2, phát ngôn viên Bộ Ngoai giao Victoria Nuland lên tiếng cho hay, ông Vương đã rời lãnh sự ở Thành Đô một cách hoàn toàn tự nguyện. Tổng thống Barack Obama cũng đã lên tiếng đính chính thông tin ngay sau khi Vương Lập Quân rời lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Các nguồn tin của hai tờ báo trên cũng cho biết, ông Obama không được thông báo về vụ việc vào thời điểm đó và không có vai trò trực tiếp trong đó. Một số khác thì cho rằng lý do đằng sau động thái trên của ông Obama là do ông không muốn liên quan tới vấn đề nhạy cảm với Bắc Kinh trong thời điểm này. Bên cạnh đó, ngày 18/4, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner cho biết, Mỹ đã không còn liên lạc với Vương Lập Quân kể từ ngày 7/2, sau khi ông rời khỏi lãnh sự quán. Bộ Ngoại giao Mỹ nói với tờ New York Times rằng, tị nạn chính trị là một vấn đề phức tạp và không dễ dàng được phê duyệt. Đối với Vương Lập Quân, điều đó càng khó khăn hơn bởi ông được coi là một cánh tay phải của Bạc Hy Lai và đồng thời là một cựu quan chức nổi tiếng của Trung Quốc, hình mẫu trong loạt phim hình sự hấp dẫn ở nước này sau hoạt động truy quét nhiều băng đảng tội phạm khét tiếng tại Trùng Khánh. "Có hai điều rất rõ ràng vào thời điểm ông ấy (Vương Lập Quân) bước vào (lãnh sự quán Mỹ): đó là một thỏa thuận rất lớn và đây là một nhân vật rất không tầm thường" - ông Kenneth G. Lieberthal, một cựu cố vấn về vấn đề Trung Quốc cho chính quyền Clinton nói với tờ New York Times.
Nguyễn Hường (theo Want China Times)