Xung đột, chiến tranh ở Biển Đông sẽ tác động to lớn tới nước Nga

04/03/2015 08:25
Hồng Thủy
(GDVN) - Tập đoàn Gazprom của Nga đã gặp sự cố khi thăm dò trong vùng biển Việt Nam (khi Trung Quốc nhảy vào tuyên bố "chủ quyền").
Học giả Nga Anton Tsvetov.
Học giả Nga Anton Tsvetov.

Ngày 3/3 học giả Anton Tsvetov từ Hội đồng Quan hệ quốc tế của Nga tại Moscow bình luận trên tờ Russia Beyond the Headlines, với cuộc đối đầu Nga - phương Tây xung quanh khủng hoảng Ukraine và các lệnh trừng phạt liên tiếp, Moscow đang xoay về phía Đông và theo đuổi một chính sách mở rộng quan hệ thương mại với châu Á. Tuy nhiên các tranh chấp lãnh thổ trong khu vực đe dọa đến hợp tác kinh tế, và Nga đang tìm kiếm sự thống nhất lớn hơn cũng như mục đích của ASEAN.

Mặc dù nhiều người phàn nàn về sự mơ hồ của các chính sách về châu Á hiện đang hình thành của Nga, việc ASEAN sẽ là một trong những ưu tiên của Moscow là điều khá rõ ràng. Để cụ thể hơn, Nga sẽ có nhiều khả năng tìm kiếm lợi ích của mình trong một khối ASEAN mạnh mẽ và độc lập, một tổ chức hiện đang bị đe dọa sự toàn vẹn bởi tranh chấp chủ quyền, hàng hải trên Biển Đông.

Theo Anton Tsvetov, chỉ có hai điều Nga muốn ở Đông Á, hòa bình và phát triển. Hơn nữa Nga sẽ phải đặt quan hệ hợp tác với các cường quốc châu Á đang tăng trưởng nếu muốn thành công, thực hiện bước nhảy vọt trong chiến lược phát triển Siberia và vùng Viễn Đông. Hai khu vực này hầu như khó có thể tăng trưởng nếu thiếu một kết nối vững chắc với thị trường châu Á.

Tuy nhiên không có điều gì tốt đẹp xảy ra nếu Đông Á rơi vào một cuộc chiến tranh khu vực. Gác lại các điểm nóng khác như Senkaku hay bán đảo Triều Tiên, chỉ riêng căng thẳng ở Biển Đông cũng đã có thể tác động to lớn đến Nga. Đầu tiên, dù cho chỉ là một cuộc đụng độ nhỏ trên vùng biển này cũng có thể dẫn tới gián đoạn nghiêm trọng tuyến đường hàng hải thương mại huyết mạch.

Hơn một nửa lượng dầu xuất khẩu của thế giới đi qua Biển Đông, cung cấp nguồn lực cần thiết cho sản xuất ở Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan. Nếu chuỗi cung ứng toàn cầu bị phá vỡ vào thời điểm này, các nền kinh tế châu Âu cũng như Nga có thể bị một cú sốc. Thứ hai, các dự án kinh tế của Nga có thể bị tổn hại (trong thực tế đã bị tổn hại) bởi những tranh chấp ở Biển Đông.

Khi các doanh nghiệp Nga cố gắng để vào thị trường năng lượng Đông Nam Á, một phần quan trọng của nó là khai thác dầu và khí đốt ngoài khơi trở nên khá nguy hiểm vì tranh chấp pháp lý giữa các nước trong khu vực (thực tế là Trung Quốc nhảy vào tranh chấp, ngăn cản - PV). Tập đoàn Gazprom của Nga đã gặp sự cố khi thăm dò trong vùng biển Việt Nam (khi Trung Quốc nhảy vào tuyên bố "chủ quyền"), và các trường hợp tương tự cũng xảy ra với doanh nghiệp Ấn Độ, có nghĩa là vấn đề mang tính hệ thống.

Cuối cùng và có lẽ là quan trọng nhất, các tranh chấp giữa 6 bên khác nhau đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) đã đặt tính toàn vẹn của ASEAN trước nguy cơ. Một vết nứt trong tổ chức đa phương trung tâm của khu vực có thể có hậu quả nghiêm trọng với an ninh khu vực, thậm chí là một cuộc xung đột vũ trang lớn.

Hãy trung thực, Anton Tsvetov bình luận, không có sự đoàn kết giữa ASEAN trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ. Về cơ bản khối chia thành nhóm có yêu sách, và nhóm không có yêu sách như Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Lào, Indonesia và Singapore không mong muốn tham gia một cuộc đối đầu với Trung Quốc. Không nước nào trong số họ muốn làm mất lòng Bắc Kinh khi một thỏa thuận tuyệt vời cho thương mại và đầu tư phụ thuộc vào thái độ của họ với Trung Quốc.

Nếu không có khả năng củng cố, về cơ bản ASEAN sẽ vẫn chỉ là một diễn đàn để thảo luận, mà không phải là một sự thay thế cho các quyền lực chính trị tuyệt đối rất có thể sẽ diễn ra trong khu vực những năm tới. Các nước Đông Nam Á cần phải có một sự thay thế lựa chọn giữa lòng trung thành với Trung Quốc hay Hoa Kỳ bằng cách đặt niềm tin vào ASEAN. Và đó cũng chính xác là những gì Nga đang cần. Nếu có một ASEAN vững mạnh, khu vực Đông Á sẽ trở nên độc lập hơn từ những ảnh hưởng chi phối của Washington hay Bắc Kinh.

Hồng Thủy