Yonhap: Có bằng chứng Triều Tiên phóng tên lửa đạn đạo

23/12/2012 20:20
Nguyễn Hường (nguồn Yonhap)
(GDVN) - Dưới chiêu bài phóng vệ tinh thu thập dữ liệu thời tiết, Bắc Triều Tiên đã tiến hành một vụ thử nghiệm tên lửa đạn đạo - Yonhap dẫn nguồn tin từ Bộ Quốc phòng ngày 23/12 đưa tin cho biết.
Kết luận trên được đưa ra sau khi các chuyên gia tiến hành phân tích mảnh vỡ của tên lửa do Triều Tiên phóng hôm 12/12 được trục vớt từ biển Hoàng Hải.
Xác tên lửa Triều Tiên được trục vớt trên biển Hoàng Hải.
Xác tên lửa Triều Tiên được trục vớt trên biển Hoàng Hải.

Bộ phận dài 7,6m, đường kính 2,4m, nặng 3,2 tấn trên được tách ra từ giai đoạn 1 trong 3 giai đoạn phóng tên lửa Unha-3 của Triều Tiên - các chuyên gia Hàn Quốc cho biết. Các mảnh vỡ tách ra từ giai đoạn phóng thứ 2 được cho đã rơi xuống vùng biển gần Philippines.
Khi kiểm tra mảnh vỡ tách ra trong giai đoạn 1 được tin là bình chứa nhiên liệu và buồng đốt, các chuyên gia Hàn Quốc cho biết họ đã tìm thấy bên trong nó chứa chất ô xy hóa được tạo ra do axit nitric đỏ - nhiên liệu thường dùng để đẩy tên lửa trong giai đoạn đầu - cháy hết để lại.
Các chất ô xy hóa này có thể lưu trữ chất hóa học có độc tính cao nên nó hiếm khi được sử dụng bởi các quốc gia có công nghệ vũ trụ tiên tiến - nhóm nghiên cứu của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nói.

Tàu khu trục Hàn Quốc trục vớt xác tên lửa Bắc Triều Tiên trên biển Hoàng Hải
Tàu khu trục Hàn Quốc trục vớt xác tên lửa Bắc Triều Tiên trên biển Hoàng Hải

Chất này từng được sử dụng trong phát triển tên lửa ở Liên Xô một thời gian dài và có thể được lưu trữ ở nhiệt độ bình thường. Nó được chứa trong một thùng chứa riêng biệt và đốt cháy cùng với nhiên liệu lúc khởi động tên lửa.
Tên lửa của Bắc Triều Tiên được phát triển trên nền công nghệ chế tạo tên lửa đạn đạo Skud và Nodong. Vỏ của thùng chứa được làm bằng hợp kim magiê-nhôm giống tên lửa AIMg6. 
Kết quả kiểm tra cho thấy Unha-3 có thể mang đầu đạn nặng tới 600 kg, tầm xa 10.000 km. Nếu tính toán của các chuyên gia Hàn Quốc là đúng thì nó có thể chạm tới được Bờ Tây nước Mỹ. Tuy nhiên, nó có thể chạm tới bất kỳ mục tiêu nào trên thế giới hay không thì chưa thể khẳng định - nguồn tin cho biết.
Triều Tiên phóng một tên lửa Unha-3 mang vệ tinh Quang Minh Tinh 3 vào quỹ đạo hôm 12/12. Theo các chuyên gia Mỹ tiết lộ trước đó thì dường như vệ tinh này không phát ra tín hiệu nào hoặc quá yếu.
Nguyễn Hường (nguồn Yonhap)