Giảng viên tâm lý khen nữ sinh 'nhập vai nhân vật Cám'

19/10/2012 06:00
(GDVN) - Bài văn lạ của một em nữ sinh với đề bài “Hãy nhập vai nhân vật Cám, kể lại chuyện cổ tích Tấm Cám" đã gây xôn xao dư luận và thu hút nhiều ý kiến trái chiều. Giaoduc.net.vn đã có một cuộc phỏng vấn ngắn với Thạc sĩ Nguyễn Văn Lượt, Giảng viên Khoa Tâm lý học, Đại học KHXH&NV Hà Nội.
Ths. Nguyễn Văn Lượt, Giảng viên khoa Tâm lý học - Đại học KHXH & NV Hà Nội
Ths. Nguyễn Văn Lượt, Giảng viên khoa Tâm lý học - Đại học KHXH & NV Hà Nội

- Dưới góc độ của một nhà tâm lý học và một nhà giáo dục, anh đánh giá ra sao về bài văn kể lại chuyện Tấm Cám của em học sinh? Hay hay dở?

Trước tiên, chúng ta phải xem lại đề bài. Đề bài cô giáo cho là "nhập vai nhân vật Cám để kể lại câu chuyện Tấm Cám". Tôi nghĩ với đề như vậy thì sự "đóng vai" của em nữ sinh này là rất xuất sắc. Nó cho thấy em đó đã có sự tìm hiểu câu chuyện một cách kỹ càng và "vai" em đóng còn có phần sáng tạo khi có thêm những tình tiết mới được đưa từ ngoài cuộc sống vào câu chuyện.

- Anh có quan điểm như thế nào về điểm số 3,25 và lời phê của cô giáo: "Nhân vật Cám của em đáng sợ quá"?

Theo tôi ở đây là có sự không thống nhất hoặc không hiểu nhau giữa người ra đề và học sinh. Có thể mong đợi của giáo viên là qua việc nhập vai Cám yêu cầu học sinh có những nhận xét về việc làm của Cám, để từ đó tự thấy “ghê sợ” về việc làm của mình, biết yêu thương và chia sẻ với Tấm. Nhưng điều này không được thể hiện ở đề bài nên học sinh có thể chỉ hiểu đơn giản là đóng thật đạt vai Cám để kể lại câu chuyện này thôi. Do đó mà điểm số và nhận xét của giáo viên đã đi theo một hướng khác.

- Cách cô bé nhập vai Cám có phải là một biểu hiện của thái độ lạnh lùng, vô cảm của giới trẻ hiện nay? Giọng văn của cô bé có tiết lộ về tính cách của cô ngoài đời thực là một cô bé chanh chua, ghê gớm không? Liệu một nữ sinh "hiền như đất" có thể dễ dàng hóa thân vào vai phản diện như vậy?

Như tôi đã nói từ trước, việc hóa thân thành Cám của em nữ sinh là đạt. Song giọng văn đó có phải là biểu hiện của thái độ lạnh lùng, vô cảm của giới trẻ không thì cũng khó nói. Việc xem xét giới trẻ có vô cảm, lạnh lùng hay không thì phải căn cứ vào hành động của họ, chứ ở đây một học sinh chỉ đơn thuần làm lại cái việc là “diễn” tất cả những gì mà em đó đã được thấy thì sao gọi là vô cảm được? Không nên chụp mũ như vậy.

- Theo anh xu hướng bênh vực của đám đông dành cho bài văn trên là đúng - tích cực hay tiêu cực?

Xu hướng bênh vực cho bài văn trên nếu xem xét ở góc độ vai trò của một học sinh khi làm một bài tập là đúng, nhưng nếu xét ở góc độ định hướng giáo dục thì lại không ổn. Nhưng sự không ổn này không phải là lỗi của người học mà có một phần khuyết điểm của chúng ta, khi không chỉ rõ yêu cầu các em phải làm gì khi ra đề bài!

- Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!