Các nhà nghiên cứu Mỹ tự tin tuyên bố sẽ ‘chấm dứt' đại dịch AIDS

15/06/2011 04:14
Kể từ ba mươi năm sau khi AIDS lan tràn, chưa bao giờ hy vọng chinh phục căn bệnh lớn hơn lúc này...

Kể từ ba mươi năm sau khi AIDS lan tràn, chưa bao giờ hy vọng chinh phục căn bệnh lớn hơn lúc này. Đó là phát biểu của Anthony Fauci, người đứng đầu Viện Quốc gia về dị ứng và bệnh truyền nhiễm (NIAID), cũng là một trong những người đứng đầu lĩnh vực phòng chống AIDS Hoa Kỳ.

Theo Fauci, hy vọng này ngày càng được thúc đẩy bởi những tiến bộ gần đây về vắc-xin và những bước đột phá mới trong điều trị và phòng chống AIDS. "Trong một năm rưỡi qua, chúng tôi đã đạt được một số tiến bộ quan trọng, về cơ bản chúng tôi đã có thể kiểm soát bệnh và rõ ràng là cuối cùng sẽ kết thúc được đại dịch AIDS".

Những phát hiện quan trọng trước đây bao gồm cắt bao quy đầu nam giới có thể giảm gần 65% nguy cơ lây nhiễm virus HIV, hiệu quả của thuốc diệt khuẩn âm đạo và phương pháp điều trị thuốc kháng virus có thể ngăn chặn lây HIV từ mẹ bị nhiễm sang con. Gần đây, hai thử nghiệm lâm sàng cũng đã cho thấy hiệu quả các loại thuốc kháng virus trong việc ngăn ngừa sự lây lan của căn bệnh không chữa được này.

Một nghiên cứu kéo dài từ năm 2007-2009 và được xuất bản vào cuối năm ngoái cho thấy bằng việc sử dụng loại thuốc đường uống, nhóm người đồng tính nam không nhiễm HIV có thể giảm 44% nguy cơ nhiễm bệnh. Tỷ lệ đó tiếp tục tăng trên 70% khi uống thuốc thường xuyên, Fauci cho biết thêm.

AIDS sẽ chấm dứt?
AIDS sẽ chấm dứt?

Tuần vừa rồi, một thử nghiệm lâm sàng ở các cặp vợ chồng khác giới trong đó một đã bị nhiễm, một người không tiếp tục được công bố cũng chỉ ra rằng gần như nguy cơ lây nhiễm bị loại bỏ khi ngưỡi bị nhiễm sử dụng đều đặn thuốc kháng virus. Theo Fauci, thử nghiệm này rất quan trọng bởi nó đã chứng tỏ rằng việc điều trị sớm không chỉ mang lại lợi ích cho người có HIV mà còn có tác dụng mạnh mẽ trong việc ngăn cản sự lây nhiễm sang bạn tình khỏe mạnh.

Các nhà nghiên cứu của NIAID đã và đang đi đầu trong cuộc chiến chống AIDS kể từ khi phát hiện ca nhiễm HIV đầu tiên vào tháng Sáu năm 1981. Đối với nỗ lực tìm kiếm vắc xin phòng HIV/AIDS, các nhà nghiên cứu đã có một số hy vọng trong một thử nghiệm lâm sàng thực hiện tại Thái Lan vào năm 2009 sau 20 năm thất bại. Dù cuộc thử nghiệm này chỉ đạt hiệu quả 31% nhưng ít nhất đó là một bằng chứng cho thấy các nhà nghiên cứu có thể làm tốt hơn. "Tôi không biết chúng ta sẽ có vắc xin trong năm nay, năm tới hay năm sau nữa, nhưng tôi chắc chắn công việc của chúng ta đang có những bước tiến bộ đáng kể", Fauci nói.

Hiện nay, ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, mới chỉ khoảng 30 đến 40% những người cần điều trị có khả năng tiếp cận với thuốc điều trị. Và mỗi năm vẫn có 2.7 triệu ca nhiễm mới. Đặc biệt kể từ khi nền kinh tế toàn cầu bị suy giảm thì khoản ngân sách cho nghiên cứu HIV/AIDS cũng bị cắt giảm trong khi các nhà khoa học cần 10-15 tỉ đô la trở lên mỗi năm so với con số 11 tỉ đô la dành cho nghiên cứu thời điểm này. Chính vì vậy, Fauci khuyến cáo, khi ngân sách hạn chế đang là một khó khăn trong nỗ lực chấm dứt HIV/AIDS thì tất cả các nước cần sử dụng toàn diện hơn nữa các phương pháp hiện có để góp phần kìm hãm sự phát triển của dịch bệnh.

Theo AFP/Tâm sự bạn trẻ