6 thói quen xấu làm hỏng răng của bé

01/08/2014 10:04
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Để giúp bé sở hữu một hàm răng chắc khỏe, ngoài việc tuân thủ những nguyên tắc chăm sóc răng miệng, các bậc cha mẹ cần lưu tâm đến những thói quen xấu của trẻ.

1. Đi ngủ với một loại đồ uống

Các bậc cha mẹ thường chiều lòng con trẻ và cho bé uống nước ngọt hay soda trước khi đi ngủ. Điều này thật sailầm. Theo kết quả điều tra đây chính là tác nhân khiến trẻ dễ bị sâu răng nhất.

Thói quen này sẽ khiến lượng đường có trong các loại đồ uống bám vào răng trong một khoảng thời gian dài, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn xâm nhập và gây hại hàm răng của trẻ.

2. Mút tay

Mút tay là một thói quen xấu nhưng lại rất hay gặp đối với các bé. Mút tay không chỉ là con đường giúp các loại vi khuẩn có thể xâm hại vào cơ thể trẻ dễ dàng nhất, nhanh nhất, mà còn là tác nhân làm hỏng răng của trẻ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Chính bởi vậy việc bị lệch lạc hàm răng hay răng mọc sai vị trí thường rất xảy ra ở những trẻ này. Thậm chí, đối với những trẻ này còn phải nhờ đến sự giúp đỡ của nha sĩ sử dụng kỹ thuật chỉnh hình để nắn sửa và điều chỉnh lại hàm răng.

3. Nuốt kem đánh răng

Tạo được cho trẻ thói quen đánh răng là việc làm rất cần thiết và quan trọng để bảo vệ hàm răng của trẻ. Tuy nhiên, đôi khi điều này lại đi ngược lại với lợi ích vốn có của nó. Bởi trẻ thường rất ưa thích vị ngọt và hương thơm của kem đánh răng nên sẽ không do dự nếu nuốt chúng. Trái lại, điều này lại hoàn toàn nguy hại đối với hàm răng và cả hệ tiêu hóa của bé.

Nuốt kem đánh răng với lượng lớn sẽ là tác nhân khiến trẻ mắc phải chứng bệnh Fluorosis (do việc dư thừa flour gây nên). Những chấm trắng hoặc nâu khác thường trên răng, chính là biểu hiện của chứng bệnh nói trên.

4. Đưa lưỡi ra trước và cắn môi dưới

Các tật này có thể làm trẻ bị vẩu răng trên và khớp cắn hở.

5. Thở bằng miệng

Nguyên nhân có thể là trẻ bị một trở ngại về đường mũi nên phải thở bằng đường miệng. Cách thở này sẽ làm khô niêm mạc miệng, lệch lạc răng và hàm, dễ gây sâu răng và nhiễm khuẩn đường hô hấp.

6. Chống cằm và mút môi trên

Thói quen này không gây xô lệch răng một cách đáng kể ngay tức thì nhưng nếu kéo dài, nó có thể gây vẩu hàm dưới.

Ngoài ra, các thói quen cắn móng tay, nghiến răng, cắn các vật cứng cũng rất có hại vì sẽ làm cho răng trẻ bị mòn, dễ rạn nứt, mẻ, lâu ngày có thể làm chết tủy răng và mỏi khớp thái dương. Nếu dùng các vật nhọn xỉa răng thường xuyên, kẽ răng sẽ bị hở, lợi dễ bị tổn thương do trầy xước.

Hồng Anh (Tổng hợp)