Bệnh rối loạn sinh tủy là bệnh gì, phòng tránh như thế nào?

09/01/2015 10:31
Phạm Ngà
(GDVN) - Mặc dù rối loạn sinh tủy là căn bệnh nghiêm trọng, và có thể gây ra những rủi ro về sức khỏe, nhưng những người mắc phải căn bệnh này vẫn có hy vọng.

Rối loạn sinh tủy là gì?

Rối loạn sinh tủy (rối loạn tăng sinh tủy) là một nhóm các bệnh lý, thể hiện sự rối loạn đặc trưng bởi sự tăng sinh tế bào của 1 hay nhiều dòng tế bào trong máu ngoại vi, phân biệt với bệnh bạch cầu cấp tính.

Mặc dù rối loạn sinh tủy là căn bệnh nghiêm trọng, và có thể gây ra những rủi ro về sức khỏe, nhưng những người mắc phải căn bệnh này vẫn có hy vọng được điều trị và thường vẫn có thể duy trì sự sống thêm nhiều năm sau khi chẩn đoán.

Bệnh có đặc trưng: Rối loạn quá trình biệt hoá và tăng sinh của các dòng tế bào máu gây nên tình trạng sinh máu không hiệu lực.

Điều này đặc trưng bằng sự giảm 1, 2 hay 3 dòng tế bào trong máu ngoại vi kết hợp với những rối loạn hình thái và chức năng của 3 dòng hồng cầu, bạch cầu, mẫu tiểu cầu trong tuỷ xương.

Bệnh có xu hướng chuyển thành Leukemia cấp.

Ảnh: Health
Ảnh: Health

Các dạng rối loạn

Đa hồng cầu nguyên phát

Loại rối loạn này xảy ra khi tủy xương sản sinh ra quá nhiều tế bào máu, đặc biệt là các tế bào máu đỏ. Hơn 95% người bị đa hồng cầu nguyên phát mang đột biến JAK2V617F trong máu.

Tăng tiểu cầu thiết yếu

Xảy ra khi cơ thể sản xuất quá nhiều tế bào tiểu cầu, làm máu bị đóng cục. Cục máu đông có thể làm nghẽn mạch máu dẫn đến cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Chứng xơ cứng tủy

Xảy ra khi tủy xương sản sinh ra quá nhiều collagen hoặc mô xơ trong tủy xương. Điều này làm giảm khả năng sản xuất các tế bào máu của tủy.

Bệnh bạch cầu mãn tính dòng tủy (CML)

Ung thư tủy xương sản sinh bạch cầu hạt bất thường, một loại tế bào máu trắng, trong tủy xương.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh rối loạn sinh tủy

Nhiều người mắc rối loạn sinh tủy thường không phát hiện biểu hiện rõ ràng khi đi khám trong giai đoạn đầu tiên.

Triệu chứng thường gặp nhất ở người bệnh là lá lách to lên, thường gây đau bụng và cảm giác no sau khi ăn.

Một số triệu chứng rối loạn cụ thể:

  • Thường gặp ở người trên 50 tuổi, nam > nữ.
  •  Thiếu máu là triệu chứng sớm nhất và thường gặp nhất. Thiếu máu thường từ từ, dai dẳng không rõ nguyên nhân.
  • Hội chứng xuất huyết ( dưới da, niêm mạc, nội tạng) 
  •  Hội chứng nhiễm trùng(hô hấp, tiêu hoá, sinh dục- tiết niệu..)
  • Có thể gặp gan to và/ hoặc lách to.
  • Thâm nhiễm ngoài da thường gặp ở bệnh nhân có tăng bạch cầu monocyte.

Các triệu chứng trên có thể xuất hiện đơn độc hoặc phối hợp nhau, các hội chứng nhiễm trùng, xuất huyết, gan lách to gặp với tỷ lệ thấp hơn hội chứng thiếu máu.

Nguyên nhân

Tất cả các loại rối loạn sinh tủy là do sự sản sinh quá mức cần thiết của một hay nhiều loại tế bào máu.

Về mặt lý thuyết, điều này có thể xuất phát từ 2 nguyên nhân chính:

  • Yếu tố di truyền: Một số người mắc rối loạn sinh tủy đều có một nhiễm sắc thể bất thường rút ngắn được gọi là nhiễm sắc thể Philadelphia.
  • Yếu tố môi trường: Một số nghiên cứu cho rằng rối loạn sinh tủy có thể là hậu quả do tiếp xúc quá nhiều với bức xạ, hệ thống dây điện, hoặc hóa chất.

Cách thức chẩn đoán

Dấu hiệu trước tiên cho thấy sự phát triển của rối loạn sinh tủy là lá lách to hơn bình thường. Các bác sĩ có thể kiểm tra lá lách thường xuyên để sớm phát hiện bệnh.

Ngoài ra cũng có thể tiến hành các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm máu: để tìm thấy sự bất thường trong số lượng tế bào máu đỏ hoặc trắng. Xét nghiệm này cũng có thể phát hiện bệnh thiếu máu và bệnh bạch cầu.
  • Phân tích di truyền tế bào: nghiên cứu máu hoặc tủy xương dưới kính hiển vi để tìm những thay đổi trong các nhiễm sắc thể.

Điều trị

Hiện nay, chưa có phương pháp nào chữa khỏi bệnh rối loạn tủy xương, tuy nhiên, một số cách điều trị dưới đây có thể cải thiện triệu chứng và ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra:

  • Với đa hồng cầu nguyên phát: giảm số lượng tế bào máu đỏ bằng cách chích để loại bỏ, thay thế máu. Điều trị bằng thuốc gọi là liệu pháp ức chế tủy, cũng rất phổ biến.
  • Với tăng tiểu cầu thiết yếu: dùng thuốc điều trị các triệu chứng.
  • Với chứng xơ cứng tủy: truyền máu và sử dụng thuốc.
  • Với bạch cầu mãn tính dòng tủy: liệu pháp hóa trị, sinh học, hóa trị liều cao với ghép tế bào gốc (từ người thân), hay tiến hành phẫu thuật.

Bệnh sẽ diễn biến ngày càng nặng và có nguy cơ cao chuyển thành bạch cầu cấp. Tùy theo thể bệnh và việc điều trị, bệnh kéo dài từ 2 đến 6-7 năm.

Nguyên nhân dẫn đến tử vong thường là chuyển thành bạch cầu cấp, nhiễm trùng nặng hay xuất huyết, nhiễm sắt và các biến chứng khác gặp trong quá trình điều trị.

Chế độ ăn uống cho người bệnh

Rối loạn sinh tủy cần được điều trị bằng cách biện pháp y tế chuyên môn, tuy nhiên một chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên có thể giữ cho cơ thể mạnh mẽ khi chiến đấu lại bệnh tật. Hãy thử những lời khuyên sau:

  • Ăn thực phẩm chống oxy hóa bao gồm cả các loại trái cây (như quả việt quất, anh đào, và cà chua), rau quả (như bí và ớt chuông).
  • Tránh các loại thực phẩm tinh chế như bánh mì trắng, mì ống, và đặc biệt là đường.
  • Ăn thịt ít màu đỏ và các loại thịt nạc, cá nước lạnh, đậu phụ (đậu nành, nếu không bị dị ứng), hoặc đậu giàu protein.
  • Sử dụng các loại dầu lành mạnh, chẳng hạn như dầu ô liu hoặc dầu thực vật.
  • Tránh cà phê, rượu, thuốc lá.
  • Uống 6-8 ly nước lọc mỗi ngày.
  • Tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần.
Phạm Ngà