Bị ốm vì dùng 'xế' mới

17/01/2012 11:00
Theo Bee
Các nghiên cứu đã tìm ra khoảng 50 - 60 hợp chất bay hơi khác nhau trong mùi xe mới.
Anh Trần Hồng Lĩnh (xóm Chùa, Tây Hồ, Hà Nội) mua xe ô tô mới để Tết này có thể đưa cả gia đình đi chơi. Nhưng mỗi lần lên xe, nhất là khi đi đâu xa phải ngồi lâu trong xe, vợ anh lại chóng mặt, đầu óc quay cuồng, nôn nao.

Bản thân anh Lĩnh là người to khoẻ mà nhiều khi cũng thấy đau đầu, chóng mặt và khá mỏi mệt. Tìm hiểu thông tin qua bạn bè và trên các diễn đàn mạng, anh mới biết vợ chồng anh ốm vì mùi xe mới.   

Nguy cơ gây ung thư

Theo ông Lê Bình, trường Kỹ thuật Ứng dụng Hà Nội, mùi xe mới gây ra bởi sự bay hơi của các hợp chất hữu cơ trong thành phần vật liệu nội thất xe. Loại mùi này bay ra từ các chi tiết cấu tạo hay trang trí bằng nhựa trong xe hoặc cũng có thể từ các loại keo gắn hay thảm xe, vải vinyl hay da bọc ghế xe.

Khi xe còn mới, thành phần hóa chất bay hơi trong các bộ phận này vẫn ở trạng thái không bền vững và có thể sản sinh ra các loại khí độc hại, trong đó có chứa cả benzene và fomandehyde, được biết đến là 2 loại hóa chất có khả năng gây ung thư.
Cần để xe thông thoáng, mùi khó chịu sẽ dần bay đi.
Cần để xe thông thoáng, mùi khó chịu sẽ dần bay đi.
"Mùi khó chịu này thậm chí càng nặng hơn vào những ngày nóng bức vì nhiệt độ cao khiến các chất này bay hơi nhiều hơn. Thường thì các khí độc hại đối với sức khoẻ này sẽ bay dần trong khoảng 6 tháng khi mới sử dụng xe cho đến khi mùi bay hết", ông Bình khuyến cáo.
Anh Nguyễn Thành Chung, diễn đàn Otofun cho biết: "Không ít người đã chia sẻ sự trải nghiệm ô tô mới với những hội chứng như đau đầu, chóng mặt, mệt mỏi, thậm chí nôn ói... Tốt nhất, không nên làm trầm trọng vấn đề bằng cách dùng xịt khử mùi hay các chất tẩy rửa, bởi cách làm này không những không loại bỏ được các hóa chất độc hại kia mà vô hình trung lại góp thêm các hóa chất bay hơi khác làm nồng nặc thêm không khí ngột ngạt trong xe. Thay vào đó, bạn hãy mở cửa kính xe bất cứ khi nào có thể hoặc bật hệ thống thông hơi hay điều hoà giúp làm sạch khí độc.
Theo KS Vũ Tân Cảnh, phòng Nghiên cứu Vật liệu Polyme - Compozit, Phân viện Khoáng sản, Môi trường và Vật liệu Polyme, Viện Khoa học Vật liệu, các chất như formaldehyde, benzene, methylbenzene và dimethylbenzene có trong xe ô tô mới là điều đương nhiên. Bởi vật dụng để sản xuất nội thất xe như đệm, nhựa, gỗ... đều sử dụng dung môi có chứa các chất độc vừa nêu.
"Hội chứng ốm buiding"
Tuy nhiên, KS Vũ Tân Cảnh cho rằng, việc mùi xe mới có chứa các chất trên đã được khuyến cáo và người sử dụng cần chú ý để xe được thông thoáng, các mùi này sẽ dần bay đi. Một vấn đề hiện nay cũng nên đề cập tới đó là người dân chưa xác định được các chất này cũng có trong các vật dụng gia đình.

Ví dụ, các chất độc hại có trên xe ô tô mới cũng tương đương với các thiết bị văn phòng mới lắp đặt hoặc các đồ dùng mới của các hộ gia đình như rèm, thảm, đồ gỗ... Bởi các vật dụng trên ô tô cũng như các đồ dùng này đều dùng chung các chất dung môi hòa tan.
"Điểm khác biệt có chăng là ở các gia đình hay văn phòng không gian thoáng hơn và diện tích lớn hơn trong ô tô nên nồng độ chất bay hơi giảm hơn và không dễ nhận ra như trong ô tô", KS Vũ Tân Cảnh nhấn mạnh.
Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) cũng cảnh báo mùi xe mới gây hậu quả đối với người sử dụng tương tự như "hội chứng ốm buiding" - hội chứng do các chất hữu cơ bay hơi khiến người sống và làm việc trong các toà nhà mới rất khó chịu và nôn nao bởi các chất độc hoá học từ tường, thảm và các phần lắp ghép cố định của toà nhà.

Chỉ khác là xe ô tô - một không gian nhỏ hơn khiến cho việc ô nhiễm không khí có tác động mạnh hơn lên người ngồi trên xe. Các nghiên cứu đã tìm ra khoảng 50 - 60 hợp chất bay hơi khác nhau trong mùi xe mới.
"Tình trạng gần Tết các gia đình sơn sửa nhà cửa, mua bàn ghế, tủ mới thì cần chú ý để tránh tác hại của các chất nêu trên. Biểu hiện cảm quan của các chất này là mùi khó chịu, nhất là trong không gian đóng kín. Vì thế, nên mở cửa thoáng khí để các chất này bay hơi".   

KS Vũ Tân Cảnh
Theo Bee