Bộ trưởng Y tế: Không để “con sâu” ảnh hưởng sự nghiệp lớn của ngành

20/07/2016 09:05
Thu Sang
(GDVN) - Vì sự nghiệp lớn của ngành Y, phải loại bỏ khỏi ngành những “con sâu làm rầu nồi canh”, bởi chỉ những hành động nhỏ cũng làm mất uy tín của ngành.

Ngày 19/7, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến Sơ kết thực hiện “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế” và triển khai cơ sở y tế “Xanh – sạch – đẹp” hướng tới sự hài lòng của người bệnh. 

Tỷ lệ phàn nàn về thái độ, trách nhiệm của y bác sĩ giảm hẳn

Báo cáo sơ kết bước đầu thực hiện đổi mới, phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh, TS. Phạm Văn Tác, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) cho biết:

"Tính riêng 6 tháng đầu năm nay, trong số gần 12.000 cuộc gọi đến đường dây nóng của Bộ Y tế, 28% cuộc gọi phản ánh về quy trình chuyên môn của các bệnh viện; chỉ có 14% phản ánh về thái độ, tinh thần trách nhiệm của y bác sĩ đối với người bệnh". 

Tuy số cuộc gọi, phản ánh tiêu cực của cán bộ, nhân viên tế đã giảm; song vẫn còn những trường hợp gây bức xúc dư luận, như vụ bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương, vụ nhân viên y tế Bệnh viện Bạch Mai “nấu cháo” điện thoại để bệnh nhân phải chờ, vụ cán bộ y tế Bệnh viện K Trung ương nhận tập phong bì dày… 

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, bên cạnh sự tiến bộ trong thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh” và kiên quyết phải loại bỏ, đưa ra khỏi ngành những “con sâu” này vì sự nghiệp lớn của ngành Y, bởi chính những hành động nhỏ này đã làm mất uy tín của ngành, hình ảnh người thầy thuốc. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị (ảnh: tác giả).
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu tại Hội nghị  (ảnh: tác giả).

Trên thực tế, qua đường dây nóng, 6 tháng đầu năm 2016, ngành Y tế đã nhắc nhở, rút kinh nghiệm 15 trường hợp, xử lý kỷ luật 5 trường hợp, cắt thi đua 4 trường hợp, khiển trách 3 trường hợp, cho nghỉ việc 1 trường hợp.

Sẽ quyết liệt trong quản lý thuê dịch vụ bên ngoài vào bệnh viện 

Vấn đề quan trọng khác được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đặc biệt nhấn mạnh tại Hội nghị là việc thuê dịch vụ bên ngoài vào làm việc tại các bệnh viện, cơ sở y tế, cụ thể là 7 loại dịch vụ mà hiện rất nhiều bệnh viện đang hợp đồng thuê bên ngoài gồm: bảo vệ, vận chuyển cấp cứu, trông xe, giặt là, căng tin, mai táng, bảo quản tử thi.

Chỉ 1% bệnh nhân không hài lòng với dịch vụ khám chữa bệnh

Sau một năm thực hiện, tổng kết của ngành Y tế cho thấy: 87,67% bệnh nhân đã biểu thị thái độ hài lòng đối với dịch vụ khám chữa bệnh tại 10 bệnh viện được khảo sát. Tỷ lệ không hài lòng chỉ có 1%. 

Với mức độ này, chỉ số hài lòng của các bệnh viện đã sớm đạt được theo yêu cầu về cải cách hành chính của Chính phủ (trên 80% vào năm 2020).

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, đây là lĩnh vực Bộ Y tế đã làm nhiều lần nhưng hiện còn rất bất cập, đặc biệt khi mới đây xảy ra vụ việc bảo vệ tại Bệnh viện Nhi Trung ương chặn xe cứu thương chở bệnh nhi hấp hối khiến người bệnh và dư luận bức xúc. 

Chúng ta quản trị một bệnh viện thì không chỉ có chất lượng khám chữa bệnh mà phải đồng bộ. Để xảy ra nhếch nhác, sai phạm tại cơ sở mình thì giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm. Từ nay Bộ Y tế sẽ làm quyết liệt hơn trong lĩnh vực này” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để giải quyết được các vướng mắc, khó khăn trong việc quản lý dịch vụ thuê ngoài vào bệnh viện là câu chuyện không đơn giản. Tuy nhiên, nếu lãnh đạo bệnh viện làm quyết liệt, công khai, minh bạch thì chắc chắn sẽ khắc phục được.

Từ dịch vụ bảo vệ đến trông giữ xe, xe cứu thương; nếu bệnh viện tổ chức đấu thầu thuê dịch vụ bên ngoài công khai, minh bạch, đảm bảo tính độc lập và kiểm tra, giám sát chặt chẽ, quan tâm tập huấn cho đội ngũ làm công tác này thì chắc chắn tình hình sẽ được cải thiện. 

Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Cấp cứu (Ảnh: tác giả).
Bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai thăm khám cho bệnh nhân tại khoa Cấp cứu (Ảnh: tác giả).

Nếu làm nghiêm, người dân chắc chắn đồng tình, nội bộ không thắc mắc, còn nếu Giám đốc, lãnh đạo bệnh viện chưa minh bạch, còn ưu tiên hay tự quyết định chọn một cơ sở nào đó trúng thầu cung cấp dịch vụ vào bệnh viện thì chắc chắn sẽ có vấn đề” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phân tích.

Cơ sở y tế trước hết phải sạch!

Một vấn đề nóng khác cũng được các đại biểu chỉ ra tại Hội nghị, đó là bên cạnh việc phải đổi mới thái độ, phong cách phục vụ, các cơ sở y tế cần xây dựng môi trường xanh - sạch - đẹp và thân thiện. 

Bộ trưởng Y tế: Không để “con sâu” ảnh hưởng sự nghiệp lớn của ngành ảnh 3

Hành vi "táng tận lương tâm" của bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương

(GDVN) - Chỉ vì ép gia đình bệnh nhân đi xe của mình, hành vi của một số nhân viên bảo vệ Bệnh viện Nhi Trung ương khiến một đứa trẻ phải tử vong trên xe cứu thương...

Theo báo cáo, có khoảng 40% cuộc gọi phản ánh về tình trạng xuống cấp của cơ sở y tế, nội quy cơ sở y tế, đây là tỷ lệ cao nhất trong số các phàn nàn của người dân. 

Bộ Y tế đã nhiều lần vào cuộc yêu cầu xử lý các vụ việc được người dân, báo chí phản ánh liên quan đến sự xuống cấp của cơ sở vật chất phòng bệnh, nhà vệ sinh bẩn… như vụ rơi vữa trần nhà ở Bệnh viện Nhi Trung ương, tường mốc rêu xanh, lở toác ở Bệnh viện Bạch Mai

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết đã trực tiếp đi “vi hành” tại nhiều bệnh viện cho thấy nhiều nơi đã cải thiện, “lột xác” về vệ sinh bệnh viện, nhưng thực tế, vẫn có những nhà vệ sinh bốc mùi, xà phòng rửa tay không có, toa lét bôi bẩn, chỗ bệnh nhân ngồi chờ đầy rác… 

“Dù chúng ta nói tiêu chí “xanh – sạch –đẹp”, nhưng trước hết cơ sở y tế phải “sạch – xanh – đẹp”; nhà vệ sinh bệnh viện phải sạch và có xà bông rửa tay trước đã”, Bộ trưởng nói. 

Muốn hài lòng, phải từ sự nỗ lực của hai phía

PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho rằng để hướng tới văn minh bệnh viện cần phải có sự thay đổi từ cả hai phía là người thầy thuốc và bệnh nhân.

Tuy nhiên, với người thầy thuốc phải cố gắng thay đổi nhiều hơn.

“Dĩ nhiên việc thay đổi phong cách phục vụ không phải là chỉ là ngày một ngày hai là bắt buộc phải thực hiện liên tục”- PGS.TS Trần Ngọc Lương nói.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai mong muốn có sự chia sẻ của người bệnh và sự hợp tác của người nhà bệnh nhân trong việc thực hiện các quy định của bệnh viện.

“Yêu cầu của bệnh viện là không được mang chăn chiếu, xô chậu vào phòng điều trị nhưng khi bảo vệ chặn lại thì người nhà lại cự nự cho rằng bệnh viện làm khó.

Ở nước ngoài, muốn khám bệnh phải đăng ký trước nhiều tuần, nhiều tháng nhưng ở nước ta, đến bệnh viện là phải được khám ngay.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, bệnh nhân đến xếp hàng từ 4h30 sáng, do đó 6h sáng chúng tôi đã thực hiện khám bệnh và khám đến khi hết bệnh nhân, tức là khoảng 6-7h tối; một ngày bác sĩ phải làm việc khoảng 10 – 12 tiếng nên cũng rất áp lực”.

Thu Sang