Bộ trưởng trực tiếp kiểm tra, phát hiện sai phạm tại phòng khám tư nhân

28/04/2017 07:00
Trúc Diệp
(GDVN) - Ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trực tiếp kiểm tra 3 phòng khám tư nhận tại Thành phố Hồ Chí Minh và phát hiện nhiều điểm bất thường.

Sau khi kiểm tra một số phòng khám tư nhân và làm việc với Sở Y tế Hà Nội về vấn đề này vào ngày 21/4, đến ngày 27/4, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục kiểm tra vấn đề này tại Thành phố Hồ Chí Minh. 

Sau khi kiểm tra phòng khám S.O.S (Raffles Medical) và Ma Yo, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến kiểm tra trực tiếp tại phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi.

Tại đây, Bộ trưởng đi từ tầng 1 đến tầng 8, vào từng phòng khám chuyên khoa khác nhau, nhưng đều không có bác sĩ.

Bộ trưởng đặt câu hỏi thì đại diện phòng khám nêu lí do bác sĩ vừa xin ra ngoài, bác sĩ nghỉ ốm, bác sĩ bị tai nạn nên đang nghỉ làm…

Trước tình trạng này, Bộ trưởng nói với đoàn công tác: “Tôi tới kiểm tra phòng khám mà hoàn toàn không thấy bác sĩ. Phải xem xét đóng cửa những cơ sở như vậy”.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng trực tiếp kiểm tra sổ ghi bệnh và hồ sơ bệnh án thì thấy chỉ có một bác sĩ người Trung Quốc chữa trị, và chủ yếu là các bệnh cắt vá bao quy đầu, da liễu, giang mai…

Khi thực hiện khám dịch vụ ở những cơ sở này, người bệnh phải chi trả những khoản tiền rất lớn, cao hơn ở bệnh viện tới 100 lần (thậm chí có những thủ thuật giá cao hơn bệnh viện 120 - 200 lần), tuy nhiên vấn đề chuyên môn lại chưa được đảm bảo.

Bộ trưởng Bộ Y tế yêu cầu đoàn kiểm tra phải kiểm tra thật chặt chẽ, ghi nhận các sai phạm, xử lý thật nghiêm để bảo vệ quyền lợi và đảm bảo sức khỏe cho người dân.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp kiểm tra sổ sách tại phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi, phát hiện nhiều điểm bất thường. ảnh: Sức khỏe Đời sống.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp kiểm tra sổ sách tại phòng khám đa khoa Nguyễn Trãi, phát hiện nhiều điểm bất thường. ảnh: Sức khỏe Đời sống.

Sau khi kiểm tra thực tế, làm việc với Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong chiều 27/4, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ yêu cầu Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh phải xem xét lại việc phê duyệt bảng giá khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế tư nhân, nếu có bất cập phải kịp thời chấn chỉnh.

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều phòng khám chưa hực hiện đúng quy trình về lập hồ sơ bệnh án ngoại trú và kê đơn thuốc ngoại trú cho người bệnh, chưa chú trọng xây dựng phác đồ điều trị phù hợp với mô hình bệnh tật tại phòng khám đa khoa để làm cơ sở cho bác sĩ tra cứu, áp dụng.

Bộ trưởng trực tiếp kiểm tra, phát hiện sai phạm tại phòng khám tư nhân ảnh 2

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp kiểm tra phòng khám tư tại Hà Nội

Vẫn còn tình trạng thực hiện kỹ thuật chuyên môn chưa được Sở Y tế phê duyệt hoặc không duy trì được nhân sự có trình độ chuyên môn phù hợp để thực hiện kỹ thuật xâm lấn có nguy cơ cao chưa triển khai đầy đủ các hoạt động đảm bảo an toàn người bệnh.

Cũng theo ông Bỉnh, các phòng khám đa khoa nói chung và các phòng khám có yếu tố nước ngoài nói riêng, đa số chủ đầu tư là người nước ngoài hoặc người không có chuyên môn trong lĩnh vực y tế.

Trình độ chuyên môn của người phiên dịch chưa đảm bảo tốt, chuyên môn của bác sĩ nước ngoài còn chung chung.

Đồng thời, ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho rằng việc quản lý các cơ sở y tế tư nhân có một số khó khăn và thách thức như việc trao đổi, tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật khám chữa bệnh với chủ đầu tư, bác sĩ là người nước ngoài, chủ đầu tư là người không có chuyên môn trong ngành.

Một số hành vi sai phạm chưa có điều khoản áp dụng xử phạt, như: kê toa trong điều trị ngoại trú, cung cấp dịch vụ vượt quá danh mục kỹ thuật; các thủ thuật, xét nghiệm do phòng khám thực hiện không được quy định trong thông tư 43/2013/TT-BYT (xử lý dây hãm, xét nghiệm dịch niệu đạo, dịch bao quy đầu,...hành vi "vẽ bệnh", "hù dọa" người bệnh để thực hiện thêm các thủ thuật số với chẩn đoán và điều trị ban đầu; chỉ định điều trị không phù hợp chẩn đoán...

Một số phòng khám đa khoa liên quan yếu tố nước ngoài có hiện tượng đối phó với đoàn thanh, kiểm tra như: gắn các trang thiết bị theo dõi, báo động từ xa; trì hoãn, kéo dài thời gian để bác sĩ và nhân viên tìm cách đối phó; lập ghi hồ sơ sổ sách sơ sài, ghi bằng ngôn ngữ khác không phải bằng tiếng Việt.

Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017 hàng loạt cơ sở sai phạm đã được phát hiện qua thanh kiểm tra.

Qua kiểm tra 143 phòng khám đa khoa thì phát hiện 24 cơ sở vi phạm, tước giấy phép hoạt động 4 cơ sở.

Kiểm tra 14 phòng khám có yếu tố nước ngoài thì tất cả đều vi phạm các vấn đề về quản lý hành chính lẫn chuyên môn; đã tước giấy phép hành nghề đối với 2 cơ sở.

Đầu năm 2017 đã kiểm tra 11 phòng khám đa khoa phát hiện 10 phòng khám vi phạm; kiểm tra 7 phòng khám có yếu tố nước ngoài thì có 6 phòng khám vi phạm.

Sau khi lắng nghe báo cáo, Bộ trưởng nhấn mạnh, Sở Y tế phải có các biện pháp kiểm tra, giám sát xử lý nghiêm hành vi vẽ bệnh, hù dọa người bệnh (nếu có).

Đối với các phòng khám nếu có sai phạm sẽ đăng công khai trên báo chí để người dân biết. 

Trúc Diệp