Chìa khóa vàng để trẻ phát triển toàn diện

16/04/2017 08:23
Mai Anh
(GDVN) - Theo Bác sĩ Lê Thị Hải, giáo dục dinh dưỡng sẽ giúp trẻ em hình thành thói quen sử dụng thực phẩm đảm bảo cân bằng và đủ chất dinh dưỡng ngay từ nhỏ.

Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục sức khỏe 

3 yêu cầu cho bữa ăn của trẻ

Ngày 15/4, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển toàn diện thể trạng và trí lực cho trẻ mầm non, tiểu học”. 

Đây là hội thảo thứ 3 nằm trong khuôn khổ Dự án “Vệ sinh an toàn thực phẩm và dinh dưỡng học đường” do Báo Giáo dục Việt Nam thực hiện, có sự đồng hành của Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank), Tập đoàn Number One Tân Hiệp Phát và Trường Phổ thông Quốc tế Việt - Úc.

Hội thảo “Phát triển toàn diện thể trạng và trí lực cho trẻ mầm non, tiểu học” thu hút đông đảo các thầy cô, đại diện phụ huynh học sinh đến dự - ảnh: Hoàng Lực.
Hội thảo “Phát triển toàn diện thể trạng và trí lực cho trẻ mầm non, tiểu học” thu hút đông đảo các thầy cô, đại diện phụ huynh học sinh đến dự - ảnh: Hoàng Lực.

Có thể nói, vấn đề dinh dưỡng học đường cho trẻ đã và đang là sự quan tâm hàng đầu của các bậc phụ huynh, các thầy cô giáo mà toàn thể xã hội.

Làm thế nào để có thể cân bằng và phát triển toàn diện nhất về thể trạng, trí lực cho trẻ mầm non và tiểu học vẫn đang là câu hỏi lớn của nhiều bậc phụ huynh?

Trong tham luận chia sẻ về tầm quan trọng của chế độ dinh dưỡng hợp lý đối với việc phát triển thể chất và tinh thần của trẻ ở độ tuổi mầm non, tiểu học, Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng quốc gia (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khẳng định: “Chế độ dinh dưỡng hợp lý chìa khóa vàng bảo vệ sức khỏe cho mỗi người”.

Với trẻ ở độ tuổi mần non, tiểu học việc đảm bảo dinh dưỡng hợp lý thông qua các bữa ăn giúp trẻ tăng trưởng tối đa.

Bác sĩ Lê Thị Hải nên thực trạng nhiều phụ huynh hiện nay cho rằng, bữa ăn có nhiều thịt, cá, trứng, sữa... sẽ là bữa ăn“đủ chất nhất”cho trẻ. 

Song về khoa học dinh dưỡng thì đó là bữa ăn chưa đảm bảo tính đa dạng về thực phẩm và thường mất cân đối về tương quan giữa các chất dinh dưỡng, gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể chất của trẻ.

Nếu kéo dài liên tục tình trạng này, sẽ trở thành tác nhân gây ra một số bệnh liên quan đến dinh dưỡng như thiếu vi chất dinh dưỡng, thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng… do mất cân bằng dinh dưỡng.

Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng quốc gia (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khẳng định: “Chế độ dinh dưỡng hợp lý chìa khóa vàng bảo vệ sức khỏe cho mỗi người” - ảnh: Hoàng Lực.
Thạc sĩ, Bác sĩ Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng quốc gia (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) khẳng định: “Chế độ dinh dưỡng hợp lý chìa khóa vàng bảo vệ sức khỏe cho mỗi người” - ảnh: Hoàng Lực.

“Một bữa ăn hợp lý phải đủ 3 yếu tố: Bữa ăn đó đủ nhu cầu năng lượng, đầy đủ chất dinh dưỡng và cân đối về các chất dinh dưỡng”, bà Hải nhấn mạnh.

Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết, nghiên cứu của Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho thấy: Năm 2014, vẫn có 14,5% trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân; 24,9% trẻ bị suy dinh dưỡng thể thấp còi; 6,8% trẻ bị gầy còm và tỷ lệ thừa cân béo phì là 4,8%. 

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu vi chất cũng còn rất phổ biến, trong đó, tỉ lệ thiếu vitamin A, thiếu máu thiếu sắt, thiếu kẽm, thiếu iode, thiếu vitamin D và khẩu phần canxi thấp… còn ở mức có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng. 

Với lứa tuổi mầm non, tiểu học, chất đạm, chất béo, tinh bột đường là những chất không thể thiếu trong khẩu phần ăn. Bên cạnh đó là các vi chất dinh dưỡng như Vitamin A, Vitamin D, sắt, kẽm…

“Vi chất dinh dưỡng là những chất cơ thể cần với số lượng nhỏ nhưng không thể thiếu, nếu thiếu ảnh hưởng đến sự phát triển của các trẻ em. Ví dụ thiếu Vitamin A dẫn đến khô mắt thậm chí gây mù, thiếu sắt khiến trẻ chậm phát triển trí tuệ, thiếu kẽm dẫn đến chậm lớn, không ngon giấc…”, Bác sĩ Hải chia sẻ.

Sai lầm của phụ huynh

Qua thực tế khám tư vấn dinh dưỡng, Bác sĩ Lê Thị Hải chia sẻ, nhiều phụ huynh hiện nay mới chỉ quan tâm đến cân nặng của trẻ, thích con được “bụ bẫm” mà ít quan tâm tới chiều cao, chưa hiểu rõ nhu cầu dinh dưỡng khuyến nghị của con mình theo từng độ tuổi.

Vì thế, cha mẹ thực hành dinh dưỡng chưa đúng khiến bữa ăn của trẻ thiên lệch, mất cân đối.

Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết, nhiều bậc cha mẹ áp dụng chưa đúng khiến bữa ăn của trẻ mất cân đối.- ảnh: Hoàng Lực.
Bác sĩ Lê Thị Hải cho biết, nhiều bậc cha mẹ áp dụng chưa đúng khiến bữa ăn của trẻ mất cân đối.- ảnh: Hoàng Lực.

Nhiều phụ huynh vẫn duy trì chế độ ăn “nhồi nhét” dù cân nặng của trẻ đã vượt quá so với chuẩn trung bình của Tổ chức Y tế thế giới, vẫn để trẻ ăn chưa khoa học:

Ăn vặt nhiều, ăn nhiều thức ăn nhanh, ăn nhiều thức ăn có hàm lượng đường tinh chế cao (bánh kẹo, nước ngọt..) hoặc khoảng cách giữa các bữa ăn chưa hợp lý làm trẻ quá đói gây khó kiểm soát cảm giác no khiến trẻ thường ăn nhiều hơn so với nhu cầu (ăn bù).

“Do đó, để tránh gặp phải các vấn đề nghiêm trọng về dinh dưỡng như thừa cân béo phì, suy dinh dưỡng, thiếu vi chất dinh dưỡng, giảm phát triển trí não… thì giáo dục dinh dưỡng cho học sinh ở lứa tuổi mầm non, tiểu học là việc làm cần thiết”, Bác sĩ Hải cho biết.

Chìa khóa vàng để trẻ phát triển toàn diện ảnh 4

Việt Nam đang đứng giữa gánh nặng kép về dinh dưỡng

Chìa khóa vàng để trẻ phát triển toàn diện ảnh 5

Hãy nói không với thực phẩm bẩn trong trường học

Trong giáo dục dinh dưỡng cho trẻ em, theo Bác sĩ Hải người lớn phải làm gương để trẻ em noi theo để từ đó trẻ có kiến thức và thói quen sử dụng thực phẩm đảm bảo cân bằng, đủ chất dinh dưỡng ngay từ nhỏ.

“Kiến thức đó sẽ theo trẻ trong suốt cuộc đời, nhiều nghiên cứu chỉ rõ trẻ em ngay từ nhỏ có thói quen sử dụng thực phẩm đúng và đủ dinh dưỡng sẽ có cơ thể phát triển toàn diện vào tuổi trưởng thành.

Bên cạnh đó, để giúp trẻ có hứng thú trong việc ăn uống thì mẹ cũng cần chú ý đến cách chế biến và trang trí món ăn sao cho đẹp mắt, hợp khẩu vị để trẻ hào hứng “khám phá” và tập trung toàn bộ giác quan vào bữa ăn, thức ăn và cách ăn.

Ngoài ra, để tăng trao đổi chất và hấp thu tốt, trẻ cần được ngủ đủ giấc và tham gia nhiều hoạt động thể thao”, Bác sĩ Hải nói.

Chia sẻ tầm quan trọng của hoạt động thể chất với sự phát triển của trẻ, vận động viên Vũ Phương Thanh - Đại sứ thương hiệu của Tập đoàn Number one, đồng thời là người phụ nữ Châu Á đầu tiên chinh phục 4 sa mạc lớn trên thế giới cho biết:

Hoạt động thể thao rèn luyện cho trẻ em đức tính kiên trì, bền bỉ về ý trí. Đồng thời thể thao cũng là cách giúp trẻ giảm stress qua những giờ học. 

Vận động viên Vũ Phương Thanh chia sẻ tại hội thảo - ảnh: Hoàng Lực.
Vận động viên Vũ Phương Thanh chia sẻ tại hội thảo - ảnh: Hoàng Lực.

“Thói quen của Thanh ngày nhỏ học nhiều, ngồi trong nhà nhiều, lười ra ngoài, cả ngày 14-16 tiếng ngồi trong nhà ít vận động. Năm học lớp 9 nhà trường yêu cầu học sinh phải chọn một hoạt động ngoại khóa Thanh đã chọn môn chạy. 

Ngay buổi đầu tiên khi chay quanh sân để khởi động chưa đầy 1km Thanh đã thấy hoa mắt, nhưng Thanh nghĩ sao người ta có thể chạy được. Thế rồi từng ngày rèn luyện vất vả với ý chí Thanh từ người ít vận động trở thành người yêu thích thể thao”, vận động viên Vũ Phương Thanh chia sẻ.

Theo vận động viên Phương Thanh tâm lý của phụ huynh hiện nay cũng như chính bố mẹ vận động viên này khi nhỏ luôn lo lắng các con khi tham gia hoạt động ngoại khóa có nhiều rủi ro như chấn thương, ngã…

“Tuy nhiên con người là bộ máy linh hoạt, khi cơ thể ở giới hạn nào đó có thời gian phục hồi thì cơ thể sẽ khỏe hơn trước. Vận động thể thao là cách để trẻ phát triển, giúp các em xả stress và năng động hơn trong cuộc sống”, Vũ Phương Thanh cho biết.

Vai trò lớn của nhà trường

Theo Bác sĩ Lê Thị Hải để giúp trẻ mầm non, tiểu học có hứng thú trong việc ăn uống vai trò của nhà trường rất lớn. Với việc hầu hết các trường tiểu học và mầm non đều tổ chức bếp ăn bán trú nên hầu hết bữa trưa các em ăn tại trường.

“Nhiều gia đình đến trường các cháu rất chịu ăn vì sợ thầy cô nhưng về nhà lười ăn, điều đó cho thấy để đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu cần sự hỗ trợ, phối hợp của nhà trường và thầy cô”, Bác sĩ Hải cho biết.

Theo Bác sĩ Hải, thông qua các bữa ăn thay vì giới thiệu món ăn thuần túy thầy cô nên giới thiệu cho trẻ thức ăn và vai trò dinh dưỡng của thức ăn đó. 

“Ví dụ hôm nay có thịt sốt cà chua, thầy cô có thể giới thiệu các em ăn thịt giúp các em cao lớn, ăn cà chua giúp các em có Vitamin A giúp sáng mắt, đẹp da….”, bác sĩ Hải chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt - Úc Hà Nội -ảnh: Hoàng Lực.
Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt - Úc Hà Nội -ảnh: Hoàng Lực.

Chung quan điểm, chia sẻ tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Hiệu trưởng Trường Quốc tế Việt - Úc Hà Nội cho biết, vấn đề dinh dưỡng trong bữa ăn tại Trường quốc tế Việt – Úc luôn đươc xây dựng khoa học và hợp lý, sạch. 

“Chúng tôi xây dựng thực đơn bữa ăn theo từng tuần khác nhau, được Hội đồng thẩm định, duyệt, niêm yết công khai. Với 3 bữa tại trường: Sáng, trưa, chiều đều cân bằng dinh dưỡng và chuyên biệt cho từng lứa tuổi”, ông Tiến nói.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, trong bữa ăn học sinh tại Trường Việt - Úc các em được ăn đầy đủ dưỡng chất, hài hòa thực phẩm chính, sữa các loại, hoa quả, tăng rau và khuyến khích ăn rau. Chế độ giám sát, đánh giá có sự tham gia của 3 bên. Đảm bảo sạch, đủ dưỡng chất và an toàn.

Ngoài ra, để đảm bảo phát triển toàn diện về trí lực và thể lực theo Phó hiệu trưởng trường Việt – Úc, nhà trường luôn quan tâm tạo điều kiện để cho học sinh tham gia hoạt động hàng ngày tại sân trường, nhà đa năng, sân bóng đá, vườn cây.

Mai Anh