Ăn chay thế nào thì tốt?

22/08/2013 10:42
Bài và ảnh: Hải Hồng
(GDVN) - Rất nhiều người có quan niệm rằng, ăn chay có lợi cho sức khỏe. Tuy nhiên, một số người ăn chay lại khỏe mạnh, sống lâu, ít bệnh tật trong khi một số người lại trở nên gầy gò, ốm yếu, xanh xao. Vậy ăn chay như thế nào là tốt cho sức khỏe?
Ăn chay là không ăn các thức ăn có nguồn gốc từ động vật, và ăn các loại thức ăn có nguồn gốc từ thực vật như; rau củ, trái cây, ngũ cốc,… Có ba hình thức ăn chay là: Ăn chay thuần túy (hay còn gọi là ăn chay hoàn toàn, ăn chay trường); ăn chay không tuyệt đối và ăn chay bán phần.

Việc ăn chay đúng cách giúp con người ngăn ngừa và hạn chế các bệnh về tim mạch, sỏi mật, xương khớp, ung thư,… Ngược lại, ăn chay không đúng cách sẽ gây ra những hậu quả không mong muốn cho sức khỏe.

Việc ăn chay đúng cách giúp con người ngăn ngừa và hạn chế các bệnh về tim mạch, sỏi mật, xương khớp, ung thư...
Việc ăn chay đúng cách giúp con người ngăn ngừa và hạn chế các bệnh về tim mạch, sỏi mật, xương khớp, ung thư...

Theo Ths.BS Lê Thị Hải (GĐ Trung tâm tư vấn Phục hồi dinh dưỡng và Kiểm soát béo phì – Viện Dinhdưỡng Quốc Gia): “Chúng ta không nên ăn chay hoàn toàn. Vì như vậy, cơ thể sẽ có nguy cơ thiếu một số vitamin và khoáng chất như Sắt, Kẽm,… Mặc dù, sắt và kẽm cũng có trong thức ăn có nguồn gốc từ thực vật, nhưng giá trị thấp hơn so với các thực phẩm có nguồn gốc từ động vật. Đó là chưa kể đến nguy cơ suy dinh dưỡng do ăn uống thiếu chất”.

Ths.BS Lê Thị Hải tư vấn thêm: “Chúng ta nên ăn chay theo kiểu phối hợp, tức là ăn chay bán phần. VD như chúng ta có thể giảm ăn thịt đi, nhưng vẫn ăn cá, thủy hải sản. Hoặc là không ăn thịt, không ăn các thức ăn có nguồn gốc từ động vật nhưng vẫn ăn các sản phẩm từ động vật như trứng, sữa,… Đó vẫn là nguồn cung cấp đạm, cung cấp vitamin, đặc biệt là vitamin B12 rất cần thiết để chống lại tình trạng thiếu máu”.

Trước khi quyết định ăn chay, chúng ta nên lưu ý một vài điều sau:

- Nên phối hợp các loại thực phẩm với nhau như: Rau đậu với các loại hạt; ngũ cốc với rau đậu; ngũ cốc với các sản phẫm từ sữa,…

- Hạn chế ăn các thực phẩm chay công nghiệp. Bởi chúng đã được xử lý qua nhiều khâu nên dinh dưỡng bị thất thoát nhiều.

- Người ăn chay thường xuyên nên hạn chế dùng các loại thực phẩm có hàm lượng muối cao như: tương, cải muối, cà muối…, đặc biệt là đối với những người cao tuổi có tiền căn bệnh huyết áp, tim mạch, bệnh thận hay tiểu đường.

- Thực phẩm chay ít năng lượng nên người ăn chay thường mau đói. Vì vậy, để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể, ngoài ăn đủ 3 bữa chính, chúng ta nên ăn thêm từ 2 đến 3 bữa phụ một ngày. Các bữa ăn cũng cần đa dạng và thay đổi món thường xuyên.

- Những người thừa cân, béo phì hoặc có nguy cơ thừa cân - béo phì, những người bị loãng xương hoặc có nguy cơ bị loãng xương, người bị suy thận, sỏi thận, những người từ 60 tuổi trở lên đối với nam và 45 tuổi trở lên đối với nữ,… là những đối tượng nên thường xuyên ăn chay.

- Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú, trẻ em dưới 18 tuổi, những người gày yếu, duy dinh dưỡng, thiếu máu,…không nên ăn chay. Bởi đây là những đối tượng cần bổ sung dinh dưỡng.





Bài và ảnh: Hải Hồng