Đưa bệnh nhân từ cõi chết trở về nhờ kỹ thuật mới

02/09/2016 13:24
Linh Phương
(GDVN) - Công trình của GS Nguyễn Gia Bình cùng các đồng nghiệp nghiên cứu đã giúp hàng nghìn bệnh nhân từ cõi chết trở về.

Là một trong ba công trình được Giải thưởng Hồ Chí Minh được trao tặng năm nay, công trình của Giáo sư Nguyễn Gia Bình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai làm Chủ nhiệm cùng các đồng nghiệp nghiên cứu đã giúp hàng nghìn bệnh nhân từ cõi chết trở về.

Cơ hội cho bệnh nhân suy đa tạng 

GS, TS Nguyễn Gia Bình cho biết: Kỹ thuật lọc máu đã có từ rất lâu. Nhờ sự phát triển nhanh chóng về khoa học - công nghệ, người ta đã xây dựng nên các kỹ thuật lọc máu mới dựa trên các nguyên lí vật lý - hóa học: Chênh lệch áp suất (filtation); khuếch tán (diffusion); đối lưu (conversion); hấp phụ (adsorption) và đưa ra các kỹ thuật lọc máu tùy theo yêu cầu.

Đặc biệt, những năm cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI, nhiều kỹ thuật lọc máu hiện đại đã ra đời.

Các biện pháp lọc máu hiện đại không chỉ dừng lại ở hiệu quả điều trị thay thế thận đơn thuần mà có khả năng loại thải chất độc mà bình thường gan, thận và cơ thể khó có thể thải trừ như các chất độc, các phức hợp kháng nguyên - kháng thể, các chất trung gian của đáp ứng viêm hệ thống, đó là các cytokine.

Công trình của GS Nguyễn Gia Bình cùng các đồng nghiệp nghiên cứu đã giúp hàng nghìn bệnh nhân từ cõi chết trở về. Ảnh: Linh Phương.
Công trình của GS Nguyễn Gia Bình cùng các đồng nghiệp nghiên cứu đã giúp hàng nghìn bệnh nhân từ cõi chết trở về. Ảnh: Linh Phương. 

Thông qua công trình nghiên cứu, việc điều trị đã có nhiều tiến bộ. Cụ thể là sớm tác động vào quá trình bệnh lý trước khi có các biểu hiện lâm sàng. Đây là một bước tiến mới mang tính chất đột phá trong lĩnh vực hồi sức hiện đại thông qua các biện pháp: Lọc máu liên tục, lọc máu hấp phụ, lọc và tách huyết tương, gan nhân tạo…

Lọc máu liên tục (Continuous blood purification) nhằm lọc bỏ ra khỏi máu một cách từ từ và liên tục các chất độc, điều trị bệnh nhân nặng như: Nhiễm khuẩn, suy gan, suy thận, viêm tụy cấp nặng, sốc bỏng, suy đa tạng, ngộ độc cấp… làm giảm tỉ lệ tử vọng. Đồng thời lọc máu liên tục còn điều hòa cân bằng dịch, điện giải, toan kiềm giúp duy trì nội môi trong cơ thể.

Kết quả nghiên cứu của công trình cho thấy, nhóm được lọc máu liên tục cải thiện triệu chứng lâm sàng nhanh hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, đặc biệt giảm tỷ lệ tử vong từ 53% xuống 27%.

Trong một nghiên cứu khác, lọc máu liên tục giúp cải thiện tỷ lệ tử vong từ 87% xuống còn 42%.

Công trình nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật thay huyết tương (Plasma exchange) là biện pháp lọc bỏ huyết tương của người bệnh có chứa chất độc nội sinh hoặc ngoại sinh, sau đó bù lại thể tích huyết tương bị loại bỏ bằng plasma tươi đông lạnh hoặc albumin 5% với thể tích tương đương.

Máu đi qua quả lọc có kích thước lỗ lọc lớn cho phép các phân tử lớn của huyết tương qua được trừ các tế bào máu, được ứng dụng có hiệu quả trong điều trị bệnh lý thần kinh cơ, làm cải thiện cơ lực ở bệnh nhân Guilain - Barre, giúp giảm ngày nằm viện, ngày thở máy.

Kỹ thuật lọc máu hấp thụ phân tử liên tục tái tuần hoàn hay còn gọi là gan nhân tạo (MARS) giúp thay thế chức năng khử độc của gan, lọc bỏ các chất độc tan trong nước cũng như các chất độc gắn kết với protein, làm giảm độc tính huyết tương và tạo điều kiện để tế bào gan hồi phục.

Nếu trước kia, suy gan cấp nặng chỉ có thể được cứu sống nhờ ghép gan thì MARS đã cứu sống được nhiều trường hợp suy gan cấp tính, đợt cấp của suy gan mạn trong khi chờ đợi ghép gan.

Lợi đủ đường 

Trong 20 năm qua, Việt Nam đã triển khai ghép gan, nhưng khó trở thành biện pháp thường quy do thiếu người cho và thiếu kinh phí… Vì vậy, kỹ thuật MARS có vai trò quan trọng trong điều trị suy gan cấp ở Việt Nam khi cứu sống được nhiều bệnh nhân, trong khi chưa có phương pháp lọc gan nhân tạo. Bệnh nhân suy gan có tỷ lệ tử vong 100%.

Hiện nay, việc ứng dụng thành công các quy trình kỹ thuật lọc máu hiện đại và phát triển ứng dụng vào cấp cứu điều trị cho nhiều loại bệnh nặng được tiến hành kịp thời giúp cứu sống nhiều người bệnh hiểm nghèo, giảm biến chứng tàn phế, giảm ngày điều trị, giảm chi phí cho chăm sóc y tế, giúp người bệnh trở lại cộng đồng lao động và học tập, cống hiến cho gia đình và xã hội. 

GS, TS Nguyễn Gia Bình nhấn mạnh: Ứng dụng kết quả nghiên cứu của cụm công trình giúp cứu sống thêm 20% - 50% số bệnh nhân nặng so với khi chưa áp dụng lọc máu hiện đại, giảm chi phí trực tiếp, gián tiếp khi thời gian thở máy rút ngắn chỉ còn 1/4 đến 1/2 so với khi chưa áp dụng lọc máu nên chi phí điều trị giảm đáng kể.

Đáng chú ý, không kể 319 bệnh nhân được áp dụng lọc máu trong công trình này, có 9.210 bệnh nhân được lọc máu hiện đại tại 11 cơ sở có chứng nhận ứng dụng công trình tại các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh và khu vực với tỷ lệ tử vong giảm khoảng một nửa so với trước khi áp dụng lọc máu.

Con số trên cho thấy nhờ lọc máu mà có thêm khoảng 2.000 (trung bình 20%) bệnh nhân được cứu sống.

Linh Phương