Hàng triệu người dân mắc bệnh vì nước bẩn

18/10/2018 06:19
Diệu Linh
(GDVN) - Tình trạng thiếu nước sạch ảnh hưởng tới hàng triệu người Việt Nam trong nhiều năm qua, đặc biệt là tại các thành phố lớn.

Ngày 13/10 tại lễ phát nước hoàn thành giai đoạn 1 Nhà máy nước sông Đuống, Chủ tịch Thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Đức Chung và bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Đại sứ Đức tại Việt Nam… cùng nhiều lãnh đạo các sở, ngành đã trực tiếp uống nước tại vòi và rất hài lòng với chất lượng lọc nước của nhà máy.

Đây có lẽ là hình ảnh ấn tượng nhất tại Thủ đô Hà Nội trong tuần qua khi mà những người đứng đầu thành phố uống nước vặn trực tiếp từ vòi – khẳng định chất lượng nước lọc đạt tiêu chuẩn thế giới đúng như cam kết của nhà đầu tư dự án.

Chủ tịch Thành phố Hà Nội uống nước trực tiếp tại vòi trong lễ khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Đuống. ảnh: NQ.
Chủ tịch Thành phố Hà Nội uống nước trực tiếp tại vòi trong lễ khánh thành giai đoạn 1 Nhà máy nước mặt sông Đuống. ảnh: NQ.

Thế nhưng, tiếc rằng ở Hà Nội thì đây mới là dự án hiện đại đầu tiên được áp dụng công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, còn lại ở rất nhiều nơi khác thì chẳng ai dám bảo người dân rằng nước có thể uống trực tiếp chưa qua đun nấu. Nguồn nước không đảm bảo cũng có nghĩa là hàng triệu người dân tiếp tục phải đối diện với nỗi lo bệnh tật.

Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy dù đã đạt được những thành công nhất định trong việc bao phủ tỷ lệ cấp nước sinh hoạt tới người dân ở đô thị và nông thôn song các bệnh lây truyền qua đường nước luôn luôn là mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng.

Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 250.000 người bị mắc bệnh tiêu chảy cấp phải nhập viện. Tình trạng thiếu nước sạch hằng năm ảnh hưởng tới ít nhất 1 triệu người Việt Nam và trong 4 năm qua, có tới 6 triệu trường hợp mắc bệnh liên quan tới thiếu nước sạch.

Trong một cuộc họp về chủ đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế - ông Nguyễn Thanh Long từng cho biết: "Việt Nam đang đạt tỷ lệ 80% dân số đô thị được cung cấp nước sạch theo quy chuẩn của Bộ Y tế, tuy nhiên ở nông thôn dù 85% dân số được cấp nước hợp vệ sinh, nhưng chỉ có 42% đạt quy chuẩn của Bộ Y tế".

Nguyên nhân của tình trạng này là chất lượng nước tại nhiều nơi vẫn chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, nhất là nước cấp từ những cơ sở sản xuất nhỏ lẻ; trạm cấp nước tại nhiều vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có công nghệ xử lý còn lạc hậu, hệ thống đường ống chưa đảm bảo và có tỷ lệ thất thoát nước cao.

Trong khi công tác tự kiểm tra, giám sát, kiểm nghiệm chất lượng nước của các cơ sở cung cấp nước sạch và công tác kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước một số tỉnh, thành phố chưa được thực hiện đầy đủ theo các quy định hiện hành. Một số địa phương chưa giám sát được chất lượng nước khu vực nông thôn.

Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát định kỳ chất lượng nước trên cả nước năm 2014 cho thấy, 21,6% số cơ sở cấp nước từ 1.000 m3/ngày đêm trở lên không đạt vệ sinh chung. Tỷ lệ này ở các cơ sở cấp nước dưới 1.000 m3/ngày đêm là 27,4%. Một số chỉ tiêu không đạt thường gặp như: Nhiễm vi sinh và chất hữu cơ; hàm lượng một số kim loại nặng vượt quá mức cho phép.

Theo các chuyên gia thì nguyên nhân chính dẫn tới việc người dân đang phải trả tiền sử dụng nước sinh hoạt bẩn là vì công nghệ lọc nước của các nhà máy quá cũ và không được điều chỉnh, bổ sung. Theo thời gian, những công nghệ vốn đã cũ và lạc hậu lại bị hỏng triền miên, để sữa chữa sẽ rất tốn kém, nên chủ đầu tư bỏ mặc, trong khi người dân vẫn phải móc hầu bao trả tiền hàng tháng.

Thí dụ điển hình nhất mà báo chí đã phản ánh xảy ra tại xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì). Tại các thôn Tó Tả, Thượng Phúc, Nhân Hòa, Siêu Quần hỏi bất cứ nhà dân nào cũng đều được phản hồi là nước sinh hoạt không đảm bảo, có màu vàng đục và tanh hôi. Muốn sử dụng thì phải xả trước ra xô, chậu rồi để cho lắng cặn.

Theo tìm hiểu, xã Tả Thanh Oai có 3 trạm cấp nước giúp điều tiết đến 4 thôn trong xã. Cụ thể, người dân thôn Thượng Phúc và Nhân Hòa sử dụng chung một trạm nước; thôn Siêu Quần sử dụng một trạm nước; trạm còn lại là do Hợp tác xã Tả Thanh Oai quản lý, cấp nước cho khoảng 2.500 hộ dân.

Những trạm cấp nước này đã được xây dựng từ hơn 20 năm trước nên hầu hết các trang thiết bị đã lạc hậu.

Cùng chung tình cảnh trên, nhiều gia đình sống tại xã Ngọc Hồi hoảng hốt  khi nhận được thông tin hàm lượng độc tố Asen trong nước sinh hoạt nơi đây vượt quá 6 lần quy chuẩn cho phép.

Cụ thể, kết quả xét nghiệm lý hóa (kèm theo báo cáo số 1089 BC-TTYT ngày 17/4/2018) của Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội về chất lượng nước trên địa bàn huyện Thanh Trì cho thấy: Trạm cấp nước Yên Kiện có chỉ số Amoni cao gấp gần 5 lần mức cho phép (14,72mg/l so với <3mg/l) và Asen vượt gần 6 lần mức cho phép (0,057mg/l so với 0,01mg/l).

Khi được hỏi, nhiều người dân trong khu vực cho biết, nước nơi đây không đảm bảo. Để có nước ăn uống, hầu hết các hộ dân đều trang bị máy lọc để xử lý lại nguồn nước sinh hoạt từ trạm. Tại các gia đình cứ khoảng 2 tháng lại phải thay lõi lọc một lần do quá nhiều tạp chất.

Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đã có cả một chương trình dài hạn. Trong chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2015-2020, Thành phố đã xác định công tác phát triển hệ thống nước sạch là một khâu ưu tiên, đột phá nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.

Trên cơ sở xem xét đề xuất của thành phố, ngày 20/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2055 phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó đặt ra chỉ tiêu đến năm 2020: tỷ lệ dân cư đô thị và nông thôn Thành phố sử dụng nước sạch đạt 100%.

Hiện nay, một phần mục tiêu cụ thể hóa đồ án quy hoạch cấp nước Thủ đô đã và đang được hoàn thành, đó là sự ra đời của Nhà máy nước mặt Sông Đuống với quy mô đến năm 2020 đạt công suất 300.000 m3/ngày đêm.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Đức Chung – Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, dự án hoàn thành sẽ đảm bảo cung cấp nước sạch cho địa bàn 168 xã, phường thuộc 8 quận, huyện ở khu vực phía Đông Bắc và phía Nam thành phố Hà Nội, các khu đô thị, khu công nghiệp và một số vùng phụ cận như tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên…

Đường ống dẫn nước đã quá lỗi thời và rỉ sét thấy rõ. ảnh: Môi trường và Cuộc sống.
Đường ống dẫn nước đã quá lỗi thời và rỉ sét thấy rõ. ảnh: Môi trường và Cuộc sống.

Chủ tịch Thành phố Hà Nội khẳng định, thông qua việc đầu tư xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch với quy mô lớn, mang tính liên vùng, liên tỉnh, công trình Nhà máy nước mặt Sông Đuống sẽ góp phần hiện thực hóa mục tiêu chiến lược trong phát triển một hệ thống cấp nước sạch bền vững, có khả năng cung cấp và đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch ổn định và lâu dài cho Thủ đô và các vùng lân cận; góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân trong việc hưởng lợi từ việc sử dụng nước sạch, đặc biệt là trẻ em, người già và phụ nữ, giúp giảm thiểu các bệnh tật gây ra từ nguồn nước và tình trạng ô nhiễm môi trường sống do nguồn nước không hợp vệ sinh gây ra.

Nói về vấn đề nước sạch, trong một cuộc làm việc vào năm 2016, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhận định, không chỉ là vấn đề chất lượng nước ở tại nguồn hay bể chứa mà nhiều người còn lo ngại nước bị ô nhiễm do hệ thống đường ống dẫn nước tại nhiều đô thị được sử dụng từ cách đây hàng chục năm nên đã xuống cấp.

Vì vậy, việc công khai, minh bạch kết quả kiểm định chất lượng nước ở từng khâu sẽ giúp xác định rõ chất lượng nước bị ảnh hưởng bởi khâu nào để có biện pháp xử lý phù hợp.

Diệu Linh