Mẹ nhiễm Zika 3 tháng đầu thai kỳ, 1-10% con có nguy cơ mắc chứng đầu nhỏ

08/11/2016 10:13
Phương Linh
(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho hay, có 1-10% trẻ có mẹ nhiễm Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ bị dị tật đầu nhỏ,

"Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục Sức khỏe" 

Hiện Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em (Bộ Y tế) đang làm quy trình cụ thể để các cơ sở y tế ứng phó khi ghi nhận phụ nữ mang thai nhiễm Zika. 

Vi rút Zika đứng đầu các tác nhân vi sinh gây di tật đầu nhỏ

Trước thực tế Việt Nam đã ghi nhận trẻ bị dị tật đầu nhỏ nghi ngờ liên quan đến vi rút Zika và một số phụ nữ mang được xác nhận nhiễm Zika thời gian qua, PGS.TS Trần Đắc Phu - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho hay, phòng lây nhiễm Zika từ mẹ sang con đang được Bộ Y tế tập trung nhất.

Bộ Y tế đang tập trung cao độ đề phòng lây nhiễm Zika từ mẹ sang con. Ảnh minh họa, nguồn: interrnet.
Bộ Y tế đang tập trung cao độ đề phòng lây nhiễm Zika từ mẹ sang con. Ảnh minh họa, nguồn: interrnet. 

Hiện Vụ Sức khỏe bà mẹ và trẻ em đang làm quy trình cụ thể để các cơ sở y tế ứng phó khi ghi nhận phụ nữ mang thai nhiễm Zika. Tuy nhiên điều khó khăn là phải đến những tháng gần cuối của thai kỳ mới xác định được thai nhi có bị đầu nhỏ hay không, nên khâu tư vấn cho bà mẹ mang thai rất cần được ưu tiên.

PGS.TS Nguyễn Văn Kính, giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TW cho hay, có 1-10% trẻ có mẹ nhiễm Zika trong 3 tháng đầu thai kỳ bị dị tật đầu nhỏ, do vi rút Zika tấn công vào tế bào mầm thần kinh làm não không phát triển, gây tình trạng não bé.

Các bé bị dị tật này cũng có thể bị ảnh hưởng về vận động, tuần hoàn... khi lớn hơn.

TS Kính cho biết thêm, ngoài vi rút Zika gây ra mối lo dị tật đầu nhỏ cho các bà bầu hiện nay, có khoảng 30 tác nhân khác được gọi tên, có khả năng gây ra dị tật nguy hiểm này. Tuy nhiên, vi rút Zika đứng đầu trong số các tác nhân vi sinh gây di tật đầu nhỏ.

Một số tác nhân khác phải kể đến như vi rút Rubella; ký sinh trùng Toxoplasmas nhiễm qua thức ăn chưa nấu chín; vikhuẩn Campylobacter Pylory, vi khuẩn gây bệnh giang mai; yếu tố di truyền…

Ngoài ra, có các tác nhân khác gây di tật đầu nhỏ do bà mẹ tiếp xúc với các kim loại nặng như: Asen, thủy ngân; bà mẹ nghiện rượu, hút thuốc, bà mẹ bị ảnh hưởng của tia xạ; huyết học; chấn thương trong thời gian mang thai; bất thường về di truyền (như hội chứng down) và suy dinh dưỡng nghiêm trọng trong thời kỳ bào thai cũng có thể là nguyên nhân của dị tật đầu nhỏ.

“Riêng với vi rút Zika, vi rút này làm teo tế bào mầm thần kinh ở thai nhi khiến não không phát triển đầy đủ, gây hội chứng đầu nhỏ nên nó nguy hiểm nhất ở 3 tháng đầu tiên”- TS Kính nói.

Mặc dù vậy TS Kính cũng cho hay, không phải trường hợp nào thai phụ nhiễm Zika cũng sinh con gây hội chứng đầu nhỏ, chỉ dưới 10% trẻ sơ sinh là con của bà mẹ mang thai nhiễm Zika trong thai kỳ bị di tật đầu nhỏ.

Không xem thường rubella

Trong khi đó, một vi rút khác là rubella cũng là nỗi ám ảnh kinh hoàng với các thai phụ, bởi nhiễm rubella trong 3 tháng đầu tiên, tỉ lệ dị tật ở thai nhi rất cao.

Đa phần các trường hợp nhiễm rublella trong 3 tháng đầu thai kỳ đều được khuyên đình chỉ thai nghén bởi rất rủi ro, nguy cơ thai nhi bị dị tật bẩm sinh có thể lên tới 50% - 80% trường hợp nhiễm vi rút.

Về nguy cơ của vi rút Zika với bà bầu, PGS.TS Trần Danh Cường, Phó Giám đốc BV Phụ sản Trung ương khẳng định, ngoài siêu âm các tuần 12, 22 và 32 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc phát hiện những bất thường của thai nhi, việc khám thai để phát hiện các yếu tố nguy cơ, như huyết áp, tiểu đường… với thai phụ là cực kỳ quan trọng.

“Nếu tuân theo hướng dẫn khám thai và siêu âm định kỳ, cơ bản sẽ kiểm soát, phát hiện được bất thường của thai nhi, phát hiện sớm các trường hợp đầu nhỏ”, TS Cường nói.

Vì có những rủi ro do nhiễm vi rút, vi khuẩn trong thời kỳ mang thai, đe dạo gây dị tật, các bà bầu nên tiêm vắc xin phòng các bệnh do vi rút trước khi mang thai; có chế độ dinh dưỡng hợp lý, chú ý nguồn gốc thực phẩm phòng nguy cơ nhiễm độc; ăn chín uống sôi.

Hiện nay ở nước ta đã ghi nhận 36 trường hợp nhiễm vi rút Zika, trong đó chủ yếu là ở khu vực miền Nam và Tây Nguyên.

Nhiều người thắc mắc, vi rút này chỉ trập trung ở phía Nam, vậy ở phía Bắc, người dân có phải tìm cách phòng chống? Hơn nữa, các tỉnh miền Bắc đang chuyển rét, liệu vi rút này có lưu hành?

Về vấn đề này, Cục Y tế Dự phòng cho biết, miền Bắc là địa bàn lưu hành muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết. Hiện nay, miền Bắc vẫn chưa phát hiện người nhiễm vi rút Zika do quần thể muỗi vằn chưa lây nhiễm virus này. Tuy nhiên, do mở rộng giao lưu đi lại giữa các địa phương nên nguy cơ lây nhiễm rất lớn.

Hiện miền Bắc, thời tiết đang trở lạnh, mật độ muỗi vằn có thể giảm nhưng vẫn tồn tại trong cộng đồng và tiềm ẩn nguy cơ lan truyền vi rút Zika. Nếu bị đốt, vẫn có thể làm lan truyền virút Zika. Trên thực tế khoảng 60% đến 80% các trường hợp nhiễm vi rút Zika không có dấu hiệu, triệu chứng lâm sàng.

Bộ Y tế khuyến cáo phụ nữ có thai nên chủ động đi đăng ký theo dõi thai sản sớm để được khám, theo dõi sức khỏe định kỳ kể cả thai phụ và thai nhi. Nếu có biểu hiện nghi ngờ nhiễm bệnh hãy đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn sức khỏe.

Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị người dân có ý thức hợp tác phun hóa chất diệt muỗi phòng bệnh do vi rút Zika.

Phương Linh