Ngày Tết nên ăn như thế nào cho đủ dinh dưỡng?

27/01/2017 06:50
KHÁNH LINH (ST)
(GDVN) - Theo một số chuyên gia dinh dưỡng, món ăn ngày Tết cũng rất đa dạng giàu năng lượng, nhiều chất đạm, béo, đường nhưng dễ bị thiếu vitamin và chất xơ.

"Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục Sức khỏe"  

Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về là mọi người được quây quần bên gia đình, bạn bè chúc nhau năm mới sức khỏe, bình an. Đặc biệt, việc chuẩn bị những món ăn ngon, giàu chất dinh dưỡng để chăm lo sức khỏe cho người thân trong những ngày Tết là điều mà mỗi gia đình đều chú ý.

Theo một số chuyên gia dinh dưỡng, món ăn ngày Tết cũng rất đa dạng giàu năng lượng, nhiều chất đạm, béo, đường nhưng dễ bị thiếu vitamin và chất xơ.

Món ăn ngày Tết được đặc trưng bởi câu thơ “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ, cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.

Dưới đây là một số lời khuyên từ chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Lê Hồng Vân – Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hoàn Mỹ Đà Nẵng sẽ giúp bạn đọc chú ý những vấn đề ăn uống trong ngày tết:

1. Ăn uống hợp lý

Bữa ăn chúng ta luôn đảm bảo đủ 4 nhóm thực phẩm, chia nhỏ bữa ăn 4-5 bữa một ngày gồm chất bột đường (Bánh chưng, bánh Tét, cơm, xôi..), chất đạm (thịt heo, thịt gà, cá, trứng, sữa.), chất béo (dầu, nên hạn chế mỡ), chất xơ, vitamin (rau xanh và trái cây) và chúng ta nên uống đủ nước.

Ví dụ: Bánh chưng có nhiều chất bột đường, chất đạm, chất béo nên cần bổ sung nhóm rau quả, không nên ăn nhiều vì sẽ gây không ngon, ngán ăn. Nên hạn chế khi thấy khó tiêu, khó chịu hoặc nôn ói.

Tốt nhất một ngày ăn đủ 300g rau củ và 200g trái cây (tương đương 2-3 suất trái cây, mỗi suất tương đương 1 quả táo, hoặc 2-3 múi bưởi, hoặc 2 trái mận hoặc 1 trái cam vừa hoặc 1 góc dưa hấu.

Cần ăn uống hợp lý để đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết. Ảnh minh họa
Cần ăn uống hợp lý để đảm bảo sức khỏe trong những ngày Tết. Ảnh minh họa 

Bữa sáng rất quan trọng, chúng ta nên ăn sáng thật no và đầy đủ dinh dưỡng sau đó mới nên đi chúc Tết.

Tránh tình trạng sụt cân hoặc tăng cân nhanh sau ngày Tết chúng ta nên ăn đủ ngày 3 bữa, nên ăn ít chất bột đường, chất béo nên ăn thịt nạc nhiều rau quả, tránh ăn nhiều bánh kẹo dẫn đến chán ăn bữa chính, hoặc ăn quá nhiều trong một bữa rồi chưa tiêu hóa hết lại ăn tiếp bữa khác sẽ làm tăng cân nhanh

Hạn chế rượu, bia vì ngày Tết chúng ta thường sử dụng rượu bia vượt mức cho phép sẽ ảnh hưởng không những đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến an toàn giao thông.

Chúng ta nên sử dụng khoảng 60ml rượu nhẹ hoặc 300-400ml bia. Chúng ta nên tăng cường sử dụng trà xanh, trà túi lọc vì trà giúp tăng cường sức đề kháng, nhuận gan và thanh lọc cơ thể.

Tránh ăn hàng quán vì dễ gây ngộ độc thực phẩm. Chúng ta nên kiểm tra hạn sử dụng, tình trạng nấm mốc các mặt hàng trước khi mua vì dễ gây ngộ độc thực phẩm

2. Dinh dưỡng ngày Tết cho những người thừa cân, đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch, gout, suy thận

Bánh chưng, bánh tét, đều rất mặn nếu ăn kèm với các loại dưa món cũng có lượng muối cao sẽ không tốt cho người bị cao huyết áp, bệnh tim mạch, bệnh thận, bệnh lý dạ dày…Vì vậy nên dùng hạn chế.

Các loại thịt, giò, chả, lạp xưởng, xúc xích, thịt kho trứng luôn chứa nhiều chất béo, nhiều chất đạm, cholesterol không tốt cho bệnh tim mạch, bệnh thận, gout, người tăng chuyển hóa mỡ.

Các loại bánh, mứt, kẹo, nước ngọt luôn chứa hàm lượng đường cao, dễ gây cảm giác chán ăn. Thực phẩm này có chỉ số đường huyết cao, ít chất xơ nên dễ gây tăng đường huyết, do đó người bệnh đái tháo đường, thừa cân không nên ăn.

3. Dinh dưỡng cho trẻ ngày Tết

Tết là thời điểm trẻ được ăn uống, chơi đùa thoải mái. Nhưng trẻ cũng dễ mắc các chứng biếng ăn hoặc ăn quá độ do ăn quá nhiều bánh kẹo ngọt, dẫn đến dễ thiếu hụt chất dinh dưỡng.

Vì vậy ba mẹ cố gắng cho trẻ ăn đúng giờ, đủ 3 bữa chính với đủ chất dinh dưỡng có rau xanh và trái cây ngoài ra ba mẹ có thể mang thêm ít bánh flan, sữa chua, sữa hộp, sữa bột, thức ăn nhẹ, trái cây.. để trẻ ăn thêm khi đi chơi xa.

Chú ý cho trẻ ngủ đủ giấc, uống đủ nước trong ngày Tết. Tránh ăn hàng quán vì dễ gây ngộ độc cho trẻ.​

KHÁNH LINH (ST)