Người dân vẫn chủ quan sau những vụ ngộ độc tập thể liên tiếp

31/10/2018 06:09
Trần Phương
(GDVN) - Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về những vụ ngộ độc tập thể do thức ăn không rõ nguồn gốc.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng cục An toàn thực phẩm cho biết các Chi cục An toàn thực phẩm địa phương đang tích cực xác minh nguyên nhân các vụ ngộ tập thể.

Liên tiếp trong 2 ngày, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm tới 2 vụ ngộ độc thực phẩm liên tiếp. Đáng chú ý, các nguy cơ về ngộ độc thực phẩm như vừa qua đã được cảnh báo nhiều lần song vẫn mắc phải.

Mất an toàn từ thịt trâu không đảm bảo

Ngày 27/10, Trung tâm y tế huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu đã tiếp nhận 42 người nhập viện trong tình trạng đau đầu, buồn nôn sau khi ăn thịt trâu.

Trước đó, vào trưa 26/10 tại bản Mè, xã Ta Gia, huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu có một gia đình dựng nhà mới và có tổ chức mổ trâu để làm cơm. Những người ăn cơm gồm hơn 20 người trong gia đình và khoảng 30 người họ hàng, người thân tới giúp dựng nhà.

Theo phía gia đình cung cấp, bữa cơm gồm nhiều món đươc chế biến từ thịt trâu như nộm bì trâu chưa, thịt đầu trâu, pịa trâu…Sau khi ăn xong, một số người có biểu hiện đau đầu, buồn nôn, đau bụng, đi ngoài…

Thực phẩm tươi sống luôn có những nguy hiểm mà người tiêu dùng phải đề phòng.
Thực phẩm tươi sống luôn có những nguy hiểm mà người tiêu dùng phải đề phòng.

Nhận thấy triệu chứng của mọi người ngày càng nặng, người thân trong gia đình cùng bà con trong bản đã đưa các nạn nhân đến Trung tâm y tế huyện Than Uyên để cấp cứu. Đến cuối giờ sáng nay 28/10, đã có 42 người nhập viện, trong đó bệnh nhân mới 20 tháng tuổi.

Bác sỹ Vũ Văn Quang, Giám đốc Trung tâm y tế huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu cho biết, dựa trên biểu hiện của các bệnh nhân và sau khi khám, các bác sĩ đã tiến hành truyền nước, bù điện giải… và đến nay cơ bản tình hình sức khỏe của các bệnh nhân đã ổn định.

Rất may là các bệnh nhân đều bị ngộ độc ở thể nhẹ và sẽ được tiếp tục theo dõi.

Hiện Chi cục An toàn thực phẩm Lai Châu đã vào cuộc xác minh nguyên nhân vụ ngộ độc.

Người dân vẫn chủ quan sau những vụ ngộ độc tập thể liên tiếp ảnh 2Hàng chục học sinh nghi bị ngộ độc thực phẩm trong buổi lễ dành cho thiếu nhi

Đây không phải lần đầu tiên xảy ra vụ ngộ độc thịt trâu tập thể. Trước đó, tại thôn Thanh Mâu, xã Thanh An, huyện Minh Long (Quảng Ngãi) đã có 53 người ngộ độc vì ăn thịt trâu chết.

Qua xét nghiệm mẫu thịt trâu của cơ quan chức năng đã phát hiện vi khuẩn tụ cầu vàng (mầm bệnh chính gây nên ngộ độc thực phẩm), mẫu nước có vi khuẩn E.coli và Coliform.

Tại bản Huổi Vèn, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp (Sơn La) từng xảy ra vụ ngộ độc thịt trâu khiến 110 người phải nhập viện, trong đó có 15 trẻ em dưới 15 tuổi.

Năm 2008, tại Châu Bính (huyện Quỳ Châu, Nghệ An) đã phải cấp cứu với các triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, sốt cao... Trong số các bệnh nhân có một phụ nữ đang mang thai 36 tuần.

Qua xét nghiệm, thịt trâu đã bị nhiễm chất độc có loại thuốc Diteurex dùng để tẩy giun cho gia súc.

Năm 2016, tại xa Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) hơn 30 người bị tiêu chảy do ăn thịt trâu chết để lâu ngày.

Những vụ ngộ độc thực phẩm không an toàn như vậy đã được cảnh báo nhiều lần nhưng ý thức người dân vẫn chưa được nâng cao.

Mất an toàn từ thực phẩm quá hạn

Trưa ngày 28/10, thông tin từ Bệnh viên quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tại khoa cấp cứu liên tục tiếp nhận các ca nhập viện với các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy.

Hầu hết các bệnh nhân là trẻ em trong độ tuổi từ 7-12 .

Trong số này có 5 trẻ bị tụt huyết áp, sức khỏe yếu, lừ đừ. Sau khi sơ cứu, bệnh viện đã chuyển lên tuyến trên là  Bệnh viện Nhi đồng 1 để tiếp tục điều trị.

Ngộ độc bánh mì không phải lần đầu tiên xảy ra nhưng mọi người vẫn chủ quan.
Ngộ độc bánh mì không phải lần đầu tiên xảy ra nhưng mọi người vẫn chủ quan.

Một số phụ huynh cho biết, sáng nay, các bệnh nhi này đã tham dự lễ thiếu nhi tại một nhà thờ trên địa bàn và dùng bánh mì dăm bông do 1 công ty thực phẩm cung cấp tại đây. Sự việc đã được trình báo lên Ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh

Hiện Đội quản lý An toàn thực phẩm số 6 - Tân Phú đang cùng phối hợp với cơ quan chức năng, cơ sở sản xuất bánh mì... niêm phong để kiểm tra và xử lý nếu có vi phạm.

Không ít vụ ngộ độc thực phẩm tập thể liên quan đến nguồn gốc thực phẩm quá hạn sử dụng đã từng được cảnh báo từ cơ quan chức năng nhưng người dân vẫn lơ là cảnh giác.

Năm 2014, hơn 30 người tại Thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đã phải nhập viện vì bánh mì của 1 tiệm bánh ở khu vực Thái Phiên (phường 12, Thành phố Đà Lạt) và nhập viện trong tình trạng đau đầu, nôn ói, đau bụng dữ dội, tiêu chảy và sốt cao.

Đâu là giải pháp ngăn chặn các vụ ngộ độc thực phẩm trong trường học? 

Năm 2016, tại Phú Yên, Đã có ít nhất 26 người nhập viện cấp cứu với triệu chứng của ngộ độc thực phẩm sau khi ăn bánh mỳ của một cửa hiệu tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

Cơ quan chức năng tỉnh Phú Yên đã đình chỉ hoạt động đối với cơ sở này.

Năm 2013, Thanh tra Sở Y tế Thành phố Đà Nẵng đã xử phạt 10 triệu đồng đối với cơ sở bánh mì Thanh Thu (quận Ngũ Hành Sơn), do vi phạm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm, khiến nhiều người ngộ độc, trong đó 27 người phải nhập viện

Cũng trong năm 2013, 173 người ở Bến Tre đã bị ngộ độc Bánh mỳ tại cơ sở bánh mì Minh Tuyến (TP Bến Tre). Thậm chí, những người bị ngộ độc đã thắng kiện chủ cơ sở Bánh mì này do không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế đã nhiều lần cảnh báo nguy cơ ngộ độc an toàn thực những bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, chất lượng an toàn thực phẩm nhưng những vụ ngộ độc tập thể vẫn diễn ra .

Trần Phương