Nho, cam giá siêu rẻ ngập tràn Hà Nội có phải là hàng Trung Quốc?

16/10/2014 14:11
NGUYỄN QUÂN
(GDVN) - Tại Hà Nội những ngày gần đây, xuất hiện rất nhiều xe hàng rao bán nho, cam và các loại hoa quả khác với giá thành rẻ bất ngờ.

"Đội lốt" hoa quả Việt

Theo ghi nhận của PV, tại các tuyến đường như Hồ Tùng Mậu, Phạm Hùng (Cầu Giấy), Giải Phóng (Hoàng Mai)… đến các chợ đầu mối Long Biên, Phùng Khoang (Thanh Xuân), chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) và chợ Ngã Tư Sở (chân cầu vượt Ngã Tử Sở, Đống Đa)… nho “lạ” được rao bán tràn lan.

Dừng lại một xe thồ bán nho trên đường Hồ Tùng Mậu (đoạn gần Nghĩa trang Mai Dịch Hà Nội), người mua được người bán hàng đon đả chào mời: “Nho “xịn” miền Nam đó, mua đi chị bán rẻ cho, bình thường bán 35.000 đồng/kg, giờ em lấy nhiều chị bớt cho, ba kg 100.000 đồng nhé. Yên tâm nho đảm bảo, không phải hàng Trung Quốc đâu mà sợ”.

Xe hàng nối tiếp nhau bán nho rẻ trên đường Hồ Tùng Mậu. Ảnh: Nguyễn Quân.
Xe hàng nối tiếp nhau bán nho rẻ trên đường Hồ Tùng Mậu. Ảnh: Nguyễn Quân.

Khách hàng bước chân vào một sạp bán nho tại chợ đầu mối Long Biên, chưa kịp hỏi mua người bán hàng đã nhau nhảu: “Cửa hàng chị chuyên cung cấp nho Mỹ xịn cho các khách quen mua về buôn. Em mua đi chị bán rẻ cho”. Nhưng khi chúng tôi hỏi chị nhập quả ngoại từ công ty phân phối nào thì chị bán hàng không thể đưa ra câu trả lời.

Theo kinh nghiệm của một nông dân trồng nho, nho Ninh Thuận có nhiều loại, trong đó 2 loại ăn tươi là nho đỏ và nho xanh được bán phổ biến nhất. Nho đỏ Việt Nam thường có trái nhỏ, màu sậm, thịt săn; còn nho xanh thì trái thon dài, có hạt. Trong khi đó, nho đỏ Trung Quốc trái to, mọng nước, thịt mềm. 

Nho đỏ Trung Quốc trái to, vỏ mỏng. Ảnh: Nguyễn Quân.
Nho đỏ Trung Quốc trái to, vỏ mỏng. Ảnh: Nguyễn Quân.

Nho xanh Trung Quốc trái gần giống nho xanh Việt Nam nhưng không có hạt. Giá bán lẻ ngoài thị trường nho Ninh Thuận thường rơi vào khoảng 60.000 đồng/kg. Khi bỏ vào tủ lạnh thì ruột vẫn chặt, không bị nhão. Ngược lại, nho đỏ Trung Quốc trái to, vỏ mỏng, để trong tủ lạnh lấy ra ruột trở nên bở và nhão.

Không chỉ có nho “lạ” trên thị trường hoa quả, gần đây, loại quả đang bị khách hàng đặt nhiều nghi vấn về xuất xứ nhất chính là cam Hà Giang.

Đi dọc các tuyến đường kể trên, dễ dàng bắt gặp các tấm biển quảng cao: “Cam ngọt Hà Giang”, “Cam Hà Giang 15K (15.000 đồng/kg)”… Nhiều người tiêu dùng một phần vì ham rẻ, phần nữa đều nghĩ đấy là cam Việt Nam nên không hề băn khoăn khi chọn mua loại quả này. Loại cam có vỏ mỏng, màu xanh, tép màu vàng chanh rất bắt mắt, mọng nước và không có hạt này đang được bán với mức giá khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg.

Buổi chiều trên đường Hồ Tùng Mậu (đoạn đối diện Quận ủy Bắc Từ Liêm, Hà Nội) hoặc xung quanh khu vực Chợ Cầu Diễn (Bắc Từ Liêm) luôn có cả chục chiếc xe thồ bán loại cam này.

Theo lời của một tiểu thương, được biết, nguồn cung lớn nhất của loại hoa quả này chính là chợ đầu mối Long Biên (Hà Nội). Từ mờ sáng đã có hàng chục xe ô tô chở đầy cam chờ giao hàng. Loại cam này được nhập với giá khá rẻ, chỉ từ 3.000 - 6.000 đồng/kg. Tính ra, nếu bán hết 1 tạ cam, người bán hàng rong có thể thu về tới gần triệu đồng một ngày.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Đức Vinh - Giám đốc Sở Nông nghiệp&Phát triển nông thôn tỉnh Hà Giang, cam Hà Giang chỉ bắt đầu thu hoạch vào tháng 12 dương lịch hằng năm. Hơn nữa, cam Hà Giang có hạt, khi chín quả màu vàng, cùi dày, vị ngọt thơm. Vào mùa thu hoạch, giá cam Hà Giang được bán tại vườn khoảng 15.000 đồng/kg (chưa tính công hái, cước phí vận chuyển), cuối vụ giá lên đến 50.000 đồng/kg. Bởi vậy, cam Hà Giang trên thị trường không thể giá rẻ như vậy.

Nếu nhìn kỹ, cam vỏ xanh đang bày bán trên thị trường có hình dáng giống quýt “chum” của Trung Quốc trước đây. Tuy nhiên theo nhận định của một số chuyên gia phân tích thị trường, loại cam đang xuất hiện trên thị trường với giá rẻ là quýt được trồng cả ở Việt Nam và Trung Quốc. Tại Việt Nam giống quýt này chỉ được trồng với diện tích khiêm tốn từ 5-7 ha tại Cao Phong, Hòa Bình. Với diện tích như vậy, loại cam xanh với mác “Hà Giang” hiện nay đang xuất hiện tràn ngập ở thị trường Hà Nội có thể là quýt do Việt Nam và cả Trung Quốc trồng nhưng hàng Trung Quốc là chính.

Nhiều người tiêu dùng cho biết, thật ra họ quá quan trọng cam, quýt của Việt Nam hay Trung Quốc mà cần nhất là liệu cam, quýt giá rẻ đang bày bán tràn lan trên thị trường kia có đảm bảo an toàn, có bị bảo quản bằng hóa chất hay không.

Về vấn đề này, từ Khám phá dẫn lời tiến sỹ Vũ Việt Hưng, Phó Phụ trách Bộ môn Cây ăn quả, Viện nghiên cứu Rau quả lưu ý, người tiêu dùng có thể nhìn vào thời gian bảo quản, độ tươi, màu sắc của quýt để nhận định xem nó có bị “ngậm” nhiều hóa chất hay không.

Theo TS Hưng, trong điều kiện thời tiết mùa thu, nếu như theo cách bảo quản của bà con nông dân đang làm tại Cao Phong và điều kiện vận chuyển tốt, không bị dập nát, rơi… và không dùng thuốc bảo quản thì quýt Ôn Châu hay còn gọi là quýt chum sẽ giữ được lá, cuống và vỏ tươi trong 2 ngày. Nếu trong nhiều ngày mà quýt vẫn tươi thì có thể nó đã được dùng thuốc bảo quản. 

Mày mò làm người tiêu dùng thông thái...

Chị Trần Thị Huệ (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) chia sẻ: “Mọi khi muốn ăn nho, gia đình thường vào siêu thị để mua cho đảm bảo, vì ở đó có kiểm dịch đàng hoàng. Bình thường nho ở siêu thị có giá không dưới 100.000 đồng/kg, thậm chí nho Mỹ hay nho Việt Nam chất lượng giá còn cao hơn nhiều. Tuy nhiên hôm trước có khách vội quá không kịp đi xa mua nên đành mua của một người đi bán hàng rong, chỉ có 35.000/kg không mặc cả. Thấy nho còn xanh và tươi nên tôi cũng không đắn đo nhiều. Ai ngờ khi về ăn xong thì mọi người trong nhà vả cả khách đều bị … “tào tháo đuổi”. Từ giờ thề không bao giờ mua loại hoa quả này nữa, không biết nguồn gốc thế nào. Đến khi có mệnh hệ gì cũng không biết tìm ai mà bắt đền”.

Một người tiêu dùng khác băn khoăn: “Người dân thì không tài nào mà biết đâu là cam trong nước, đâu là cam nhập từ nước ngoài, thị trường thì đủ các chủng loại hoa quả, trong khi đó nhu cầu người dân rất lớn. Để đảm bảo cho sức khỏe cộng đồng, người dân rất mong Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT xét nghiệm các loại hoa quả ngay tại các chợ đầu mối, ngăn chặn kịp thời các loại hoa quả không đảm bảo chất lượng, mập mờ nguồn gốc xuất xứ có nguy hại cho sức khỏe người dân”.

Tháng 6/2014, Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) TP.HCM cho biết: “Trong số các loại trái cây ngoại nhập vào VN, chỉ có trái cây Trung Quốc nhiễm dư lượng thuốc trừ sâu với tỷ lệ khoảng 30%, còn trái cây của các quốc gia khác thì gần như không có dư lượng thuốc trừ sâu. Hằng đêm, tại mỗi chợ đầu mối trái cây đều được kiểm tra đầu vào, với số lượng từ 5 đến 10 mẫu trái cây để xét nghiệm”.

Theo lãnh đạo Chi cục BVTV TP.HCM, kết quả này vẫn còn hạn chế vì cơ chế giám sát hiện nay không thể kiểm soát hết 100%.

Thuốc BVTV có trong thức ăn, đồ uống với lượng lớn có thể gây ngộ độc cấp tính gây rối loạn tiêu hóa (nôn mửa, tiêu chảy), rối loạn thần kinh (nhức đầu, hôn mê, co giật hoặc co cứng cơ...), trụy tim mạch, suy hô hấp rất dễ dẫn đến tử vong. Những trường hợp ngộ độc mãn tính do tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật hoặc tồn dư trong thực phẩm sử dụng với lượng nhỏ nhưng tích lũy lâu ngày cũng có thể gây các tổn thương ở đường tiêu hóa, hô hấp, tim mạch, thần kinh, rối loạn hệ thống tạo máu, ảnh hưởng tới chức năng gan, thận.

Theo các chuyên gia bảo vệ thực vật (BVTV), thuốc bảo vệ thực vật là các loại hóa chất độc, giết chết được sâu bọ nên cũng là chất độc đối với con người. Thuốc BVTV tồn dư trong thực phẩm vào cơ thể qua con đường ăn uống. Chúng có thể bị loại bớt một phần theo khí thở, qua bài tiết, nhưng không thể tránh khỏi sự tồn đọng các chất độc hại này ở trong gan.

Một số thuốc BVTV chuyển hóa thành những sản phẩm ít độc hơn, dễ hòa tan trong nước hơn thì sẽ dễ dàng bị loại bỏ, nhưng có những loại hóa chất lại tạo thành những chất trao đổi trung gian độc hơn (như paration chuyển thành paraoxon), tích lũy trong một số cơ quan hoặc mô mỡ gây tổn thương và kèm theo các triệu chứng ngộ độc nguy hiểm.

Trước đó, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, đã kiểm nghiệm và phát hiện trên một số mẫu hoa quả (nho, mận, lựu…) được nhập khẩu từ Trung Quốc đều chứa carbendazim và tebuconazole - những hóa chất có thể gây vô sinh và nguy hại cho sức khỏe con người - với dư lượng vượt quá mức cho phép tới gần 5 lần.

NGUYỄN QUÂN