Phương pháp điều trị mới bệnh tiền liệt tuyến

23/07/2016 07:50
Lê Phương
(GDVN) - Bằng phương pháp nút mạch tiền liệt tuyến giúp làm mạch nhỏ đi mà không cần phải mổ qua đó tránh được việc mất khả năng sinh lý ở đàn ông.

"Ajinomoto đồng hành cùng chuyên mục Sức khỏe"

Tiền liệt tuyến là căn bệnh hay nói cách khác là nỗi khiếp sợ của “cánh mày râu”, đặc biệt là những người đang ở độ tuổi bên kia “sườn dốc”. Theo thống kê, hiện nay số nam giới mắc bệnh phì đại tiền liệt tuyến (tiền liệt tuyến) ngày càng tăng với tỷ lệ tăng theo độ tuổi.

Bệnh tiền liệt tuyến thường bắt đầu xuất hiện ở mô tuyến tiền liệt khoảng từ tuổi 30, nhưng thường những dấu hiệu của bệnh sẽ bắt đầu xuất hiện sau tuổi 50, đôi khi bệnh cũng sẽ bắt gặp bệnh ở một số người trẻ.

Thống kê của tổ chức y tế thế giới (WHO) là 50% nam giới trên 50 tuổi và hơn 70% nam giới trên 60 tuổi bị mắc tiền liệt tuyến.

Trao đổi với phóng viên về căn bệnh này, GS Phạm Minh Thông – Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, bệnh tiền liệt tuyến sẽ dẫn đến niệu đạo bị chèn ép, từ đó khiến người bệnh bị khó khăn trong việc đi tiểu (bí tiểu) hoặc tiểu không hết, đi tiểu nhiều lần trong đêm, gây ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt.

GS Phạm Minh Thông - Phó GĐ Bệnh viện Bạch Mai - ảnh L.P.
GS Phạm Minh Thông - Phó GĐ Bệnh viện Bạch Mai - ảnh L.P.

“Tiền liệt tuyến không phải là căn bệnh khó đối với y học hiện nay, bởi từ lâu căn bệnh này đã được điều trị bằng cách mổ nội soi. Tức là dùng các kỹ thuật can thiệp khoét, nạo để “khơi thông” dòng chảy.

Phương pháp này hiện vẫn được sử dụng nhưng nó cũng có những mặt hạn chế ngoài ý muốn.

Điển hình như việc xuất tinh ngược, mất khả năng sinh lý ở đàn ông. Trong khi đó, cánh đàn ông ở độ tuổi 50-70 nhiều người vẫn còn khả năng đó, như vậy vô tình phương pháp vẫn còn những hạn chế”, GS Thông nói.

Theo khảo sát của phóng viên và qua lời kể của những bác sĩ trực tiếp phẫu thuật nội soi tiền liệt tuyến, đã có không ít bệnh nhân đến bệnh viện “bắt đền” vì đã khiến họ “vô dụng” trong sinh hoạt vợ chồng.

“Tôi còn nhớ một trường hợp bệnh nhân 55 tuổi ở Ý Yên  - Nam Đinh, đến bệnh viện mổ nội soi vì bị phì đại tiền liệt tuyến. Khi có chỉ định phẫu thuật, vì những bí bách và bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày, bệnh nhân này đồng ý tất cả mọi thứ và nghe theo mọi lời giải thích của bác sĩ.

Thậm chí, khi đã phẫu thuật xong bệnh nhân này còn gọi điện cảm ơn bác sĩ vì sau 2 lần khám lại, mọi thứ đã ổn định và không còn khó chịu vì căn bệnh đã theo bám suốt 5 năm.

Bẵng đi một thời gian, bệnh nhân này tìm đến khoa và làm um lên vì cho rằng bác sĩ phẫu thuật đã “cắt nhầm” một bộ phận nào đó khiến bệnh nhân không còn khả năng sinh hoạt tình dục. Khi đó, chúng tôi phải giải thích hàng tiếng đồng hồ, bệnh nhân mới xuôi và đồng ý đi về”, một bác sĩ đang công tác tại Bệnh viện Hữu nghị kể lại.

Phương pháp nút mạch vừa tiết kiệm chi phí, vừa an toàn mà lại đạt hiệu quả cao.
Phương pháp nút mạch vừa tiết kiệm chi phí, vừa an toàn mà lại đạt hiệu quả cao. 

Theo GS Thông, thực tế những câu chuyện như trên không hề hiếm và đó cũng là nhược điểm lớn nhất của phương pháp phẫu thuật nội soi đối với bệnh phì đại tiền liệt tuyến.

“Từ thực tế như vậy, chúng tôi đã học hỏi, nghiên cứu và thực hiện thành công phương pháp điều trị không cần phẫu thuật. Đó là phương pháp nút mạch tiền liệt tuyến, phương pháp này sẽ làm mạch nhỏ đi mà không cần phải mổ”, GS Thông cho biết.

GS Thông cho rằng, phương pháp này chỉ mất thời gian thực hiện khoảng 2-3 giờ mà tỷ lệ thành công rất cao, đặc biệt không ảnh hưởng gì đến khả năng sinh lý của người bệnh, hơn nữa phương pháp này chi phí cho một ca mổ rất “khiêm tốn” chỉ khoảng 10 đến 12 triệu đồng/ca.

“Hiện Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện phương pháp điều trị này cho khoảng 50-60 bệnh nhân và đang hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật cho Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

Với việc áp dụng phương pháp này, nhiều “quý ông” mắc tiền liệt tuyến không chỉ chữa khỏi bệnh với chi phí rẻ mà cái quan trọng nhất là không mất đi “bản lĩnh” đàn ông”, GS Thông nói.

Lê Phương