Sữa nội ngọt hơn sữa ngoại?

09/01/2016 08:30
Ngọc Khánh
(GDVN) - PGS TS Lê Bạch Mai khẳng định, sữa nội ngọt hơn sữa ngoại không phải là tâm lý của các bà mẹ nghĩ thế mà là ngọt hơn thật.

Sữa chứa đường: Đã là công thức thì chắc là… chuẩn

Thông tin sữa ngọt, sữa nhạt khiến nhiều mẹ Việt giật mình, vội vàng kiểm tra lại thành phần sữa công thức con mình đang uống. 

Thông tin sữa ngọt, sữa nhạt khiến nhiều mẹ Việt phân vân hơn khi chọn sữa công thức cho con. Ảnh: Cao Nguyên.
Thông tin sữa ngọt, sữa nhạt khiến nhiều mẹ Việt phân vân hơn khi chọn sữa công thức cho con. Ảnh: Cao Nguyên.  

Chị Mai Hoa (Hoàng Đạo Thúy, Cầu Giấy, Hà Nội) lo lắng: Sữa con tôi đang uống ở nhà đúng là có hơi ngọt thật. Nhưng trước giờ tôi vẫn nghĩ, sữa mẹ vốn ngọt nên sữa công thức ngọt là đương nhiên. Giờ đọc thông tin, có khả năng nhà sản xuất cho thêm đường vào sữa, tôi thực sự lo lắng. Liệu lượng đường ấy có ảnh hưởng gì đến sức khỏe  của con không? Mỗi ngày con tôi uống đều đặn 3 cốc sữa 200ml, như vậy lượng đường vào cơ thể có quá nhiều không?

Cũng theo chị Hoa, sau khi đọc thông tin trong sữa có đường, chị đã đến ngay đại lý, tìm hiều về lượng đường trong nhiều nhãn sữa khác nhau. “Vì mình không thể thử từng loại để xem ngọt, nhạt thế nào nên phải xem kỹ lại thành phần”, chị Hoa nói.
 
Nhưng càng xem, chị càng không hiểu đâu là đường tự nhiên, đâu là đường bổ sung vào. “Đa phần ghi thành phần đường là Carbohydrate. Thành phần này chiếm từ 58g – 68g/hộp sữa 900g. Tôi không biết lượng đường như thế là nhiều hay ít”, chị Hoa nói. 

Lo lắng của chị Hoa cũng là lo lắng chung của nhiều gia đình đang cho con uống sữa công thức trước thông tin về những tác hại của việc cho bé ăn nhiều đường sớm, mà trong sữa lại chứa đường. 

Nhiều mẹ Việt phản ánh, đọc thành phần trên bao bì nhãn sữa, họ không biết đâu là đường tự nhiên, đâu là đường bổ sung vào.
Nhiều mẹ Việt phản ánh, đọc thành phần trên bao bì nhãn sữa, họ không biết đâu là đường tự nhiên, đâu là đường bổ sung vào. 

Nhưng sữa vốn là dòng thực phẩm thiết yếu, không thể thiếu đối với đa phần trẻ em đang tuổi phát triển. Nên nhiều ông bố, bà mẹ xác định sẽ kiểm soát các loại thức ăn có chứa đường khác của con trẻ để tránh cho trẻ ăn quá nhiều đường. Riêng với sữa công thức, họ vẫn đặt niềm tin “đã là công thức thì chắc là chuẩn”.

Sữa nội ngọt hơn?

Tại Hội thảo “Chất tạo ngọt – hiểu thế nào cho đúng” được Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế)  tổ chức mới đây, PGS TS Lê Bạch Mai - Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Các loại sữa dành cho trẻ em Việt hiện có trên thị trường rất ngọt, ngọt hơn hẳn các nước khác trong khu vực. Nếu thử xách một hộp sữa nguyên lon từ Châu  u hay các nước khác về sẽ thấy rõ độ ngọt của hai loại sữa này hoàn toàn khác nhau. 

PGS TS Lê Bạch Mai khẳng định, sữa nội ngọt hơn sữa ngoại không phải là tâm lý của các bà mẹ nghĩ thế mà là ngọt hơn thật. 

“Các hãng sữa đều đánh vào tâm lý “khát đường”của người Việt. Từ trước đến nay người Việt đều ăn rất nhiều đường từ kẹo bánh cho đến các loại thực phẩm hàng ngày”, PGS TS Lê Bạch Mai nói. 

Theo nghiên cứu của bà Mai, trẻ em ăn nhiều đường trong đó có tới 40% đường là đến từ sữa bột. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì đường trong sữa càng nhiều càng không tốt. 

PGS TS Lê Bạch Mai - Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, sữa nội ngọt hơn sữa ngoại không phải là tâm lý của các bà mẹ nghĩ thế mà là ngọt hơn thật.
PGS TS Lê Bạch Mai - Phó viện trưởng viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, sữa nội ngọt hơn sữa ngoại không phải là tâm lý của các bà mẹ nghĩ thế mà là ngọt hơn thật. 

“Nếu một người đang sử dụng chất tạo ngọt có độ ngọt cao, khi dừng lại bộ não không còn cảm nhận được chất tạo ngọt truyền thống, não bộ bỏ qua vai trò kiểm soát “no” của mình sẽ dẫn đến tình trạng tăng cân”, PGS TS Lê Bạch Mai khuyến cáo.

Đồng tình với ý kiến của PGS TS Lê Bạch Mai, TS - BS Nguyễn Trọng Hưng - Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho rằng: Thói quen ăn uống của từng vùng khác nhau nên các nhà sản xuất cũng điều chỉnh gia vị trong các sản phẩm khác nhau để phù hợp với từng địa phương.

“Mặc dù trẻ em hay người lớn đều cần đường nhưng dùng ở mức độ nhất định”, BS Hưng cho biết. 

Theo BS Hưng, bản thân trong sữa tự nhiên cũng có đường. Đường trong sữa thường dưới dạng Carbohydrates. Trong đó, thành phần đường chính là Lactose, có vị ngọt tự nhiên và chỉ được tìm thấy trong sữa. Loại đường này được tiêu hóa bởi một loại enzym lactase có trong thành ruột, enzym này giúp lactose phân chia thành glucose và galactose để chuyển hóa thành năng lượng trong cơ thể.  

Đồng thời đường Lactose hấp thụ calci, photpho và tổng hợp vitamin B trong ruột non cho cơ thể. Do vậy, lượng đường trong sữa vừa cần có môi trường để tiêu hóa, vừa hỗ trợ cho hệ tiêu hóa ở người. 

Tuy nhiên, bên cạnh đường tự nhiên, để phù hợp với khẩu vị người Việt, các nhà sản xuất đã bổ sung thêm đường sucrose (đường mía, đường củ cải) vào sữa bột công thức để tăng thêm độ ngọt. Thành phần đường này được cấu tạo từ các loại đường khác nhau, có đường đơn, đường đa, đường đôi. 

“Nhưng chung quy lại, sữa có độ ngọt càng cao càng không tốt cho trẻ”, bác sĩ Hưng khuyến cáo.

5 năm trở lại đây, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì và mắc các chứng bệnh liên quan đến răng miệng, tiêu hóa… gia tăng nhanh ở các thành phố lớn, đặc biệt là TP.HCM và Hà Nội. Việc thừa cân, ngoài chế độ ăn uống mất cân đối, quá nhiều chất đạm, chất béo, ít chất xơ thì một trong những nguyên nhân chính là trẻ ăn nhiều đường sớm. 

“Đường dung nạp vào cơ thể con trẻ mỗi ngày có từ sữa, trong các chế phẩm của sữa như sữa chua, váng sữa, caramen,… đường trong hoa quả, bánh kẹo… Đây đều là thức ăn hàng ngàycần thiết và là những món khoái khẩu của bé. Do đó, để kiểm soát được lượng đường con trẻ ăn hàng ngày, bên cạnh việc kiểm soát chặt chẽ các thức ăn có đường khác, tốt nhất các phụ huynh nên chọn cho con loại sữa có độ ngọt vừa phải để tránh ăn lượng đường quá nhiều, tác hại về lâu dài đối với sức khỏe con trẻ”, chuyên gia dinh dưỡng cho biết. 
Ngọc Khánh