“Tại sao muỗi cứ đốt tôi chứ không phải người khác?”

15/09/2014 10:58
Bình Nguyên
(GDVN) - Loài muỗi dựa vào khí carbon dioxide (CO2) để đánh hơi và tìm mồi bởi tất cả các động vật có xương sống đều sản sinh ra chất C02.

Đây là câu hỏi y khoa khá thú vị. Một số người cho biết trong một số tình huống ở ngoài trời họ thường xuyên bị muỗi đốt tấy đỏ cả người trong khi một số bạn bè của họ lại không hề bị những con muỗi khó chịu làm phiền.

Vậy tại sao lại có sự khác nhau đó? Câu trả lời đã được bác sỹ Jonathan Day – một chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu côn trùng và mối liên kết với y khoa, đồng thời là một nhà khoa học chuyên nghiên cứu về muỗi gửi đến độc giả trên mạng “Y học tích cực”.

Đầu tiên phải khẳng định rằng muỗi đốt người này nhưng không đốt hoặc ít đốt người khác là một thực tế, không phải do tâm lý gây ra.

Nhiều người thường được người thân của mình nói rằng “do máu của bạn ngọt hơn của người khác”.

Giải thích này một phần đúng, nhưng nó là cách nói ví von cho dễ hiểu. Trên thực tế, trên da của một số người (thường xuyên bị muỗi đốt) có sản sinh ra một số chất hóa học nhất định khiến loài muỗi bị hấp dẫn.

Các chất hóa học này có cấu tạo và mùi giống như acid lactic rất thu hút muỗi. Loại chất này xuất hiện nhiều ở những người có nhóm máu 0 trong khi đó ít xuất hiện ở những người có nhóm máu A và B.

Như chúng ta đã biết chính các gene sinh học của chúng ta quy định nhóm máu của chúng ta mang cũng như tạo ra các hóa chất hấp dẫn hoặc không hấp dẫn loài muỗi gây phiền toái.

Gene di truyền cũng là nhân tố quyết định một số yếu tố khác biến bạn trở thành mục tiêu của loài hút máu phổ biến nhất hành tinh này.

Bác sỹ Jonathan Day cho rằng có lẽ nguyên nhân căn bản nhất khiến bạn trở thành mục tiêu của muỗi đó là tỷ lệ chuyển hóa hay nói cách khác là khối lượng carbon dioxide (CO2) mà cơ thể bạn sản sinh ra trong quá trình đốt cháy năng lượng.

Loài muỗi dựa vào khí carbon dioxide (CO2) để đánh hơi và tìm mồi bởi tất cả các động vật có xương sống đều sản sinh ra chất C02.

Mốt số phương thức khiến chúng ta có thể giảm nguy cơ trở thành mục tiêu của muỗi là tránh xa nhưng nơi “có địch”, mặc quần áo dài, dùng dung dịch chống muỗi… tuy nhiên, có một phương thức khác để giảm thiểu nguy cơ bị muỗi đốt đó là thông quan ăn kiêng và tập luyện.

Ăn kiêng và tập luyện là hai yếu tố chính giúp thay đổi tỷ lệ chuyển hóa năng lượng trên cơ thể bạn, nó giúp kiểm soát quá trình sản sinh khí CO2 – loại khí vốn được ví như tín hiệu phát hiện mục tiêu của loài muỗi.

“Phụ nữ có thai, người to lớn, béo phì và những đối tượng có tỷ lệ chuyển hóa năng lượng cao hơn những người bình thường và đương nhiên họ là những mục tiêu hấp dẫn nhất đối với muỗi” – bác sỹ Jonathan Day cho hay.

Ngoài ra, việc uống các loại đồ uống có chứa cồn, điển hình là rượu, bia cũng như việc gắng sức trong vận động cũng là lý do khiến quá trình chuyển hóa năng lượng tăng cao.

Một điều cần lưu ý khác nữa là, mặc dù dò tìm CO2 sản sinh từ cơ thể người là kỹ thuật săn mồi đầu tiên của muỗi và một số loại bọ hút máu nhưng các phương tiện khác cũng giúp đỡ loài hút máu này lần tìm đến nơi có động vật xương sống hoạt động đó là những khu vực có cây cỏ thối rữa hoặc các vật thể đang phân hủy, sản sinh ra CO2 (ô tô, các loại xe có gắn động cơ đốt trong…).

Chúng ta có thể tránh đến các khu vực cây cối um tùm, có nhiều rác đang phân hủy để phòng tránh bị muỗi tấn công.

Ngoài các yếu tố nói trên, việc mặc quần áo tối màu cũng là nguyên nhân hấp dẫn loài muỗi. Hãy mặc quần áo sáng màu khi hoạt động gần nơi có muỗi.

Tại sao? Vì loài muỗi thường khó khăn trong tiếp cận con mồi khi bay ở những nơi có ánh sáng, gió nhẹ

Theo bác sỹ Jonathan Day, muỗi xác định vật thể có máu bằng các so sánh bóng của con người, động vật với đường chân trời. Quần áo tối màu sẽ thuận lợi cho việc muỗi định hướng con mồi, trong khi đó quần cáo sáng màu gây khó khăn cho muỗi xác định cơ thể có máu.

Bình Nguyên