Trong 10 tháng đầu năm có 15 người chết vì ngộ độc thực phẩm

11/11/2018 07:36
Phương Linh
(GDVN) - Trong 10 tháng đầu năm nay, cả nước đã có 15 người chết vì ngộ độc thực phẩm. Các cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt tổng trị giá gần 6 tỷ đồng.

Thông tin trên được Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Phong – Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) nêu tại hội nghị về tình hình an toàn thực phẩm trên cả nước từ đầu năm đến nay, được tổ chức vào ngày 9/11 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Phong, tính đến ngày 31/10 năm nay, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt 99 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, với tổng số tiền phạt lên đến gần 6 tỷ đồng.

Cục cũng đã tiến hành thu hồi hàng trăm giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tạm dừng lưu thông 26 lô hàng vi phạm, gồm 13 lô sản phẩm có vi phạm về ghi nhãn, 4 lô sản phẩm có vi phạm về chất lượng, 9 lô sản phẩm không công bố sản phẩm đúng theo quy định.

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - ông Nguyễn Thanh Phong thông tin về tình hình an toàn thực phẩm (ảnh: P.L)
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm - ông Nguyễn Thanh Phong thông tin về tình hình an toàn thực phẩm (ảnh: P.L)

7 vụ việc có dấu hiệu kinh doanh, sản xuất hàng nhái, hàng giả cũng đã được Cục An toàn thực phẩm chuyển cơ quan điều tra đúng theo quy định.

Tính đến hết tháng 10 năm nay, đã có 15 trường hợp tử vong vì ngộ độc thực phẩm, chủ yếu là ngộ độc rượu và ngộ độc nấm. So với năm 2017, số người tử vong đã giảm rõ rệt.

Có đến 70% số vụ ngộ độc xảy ra tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, do suất ăn từ đơn vị khác nấu rồi vận chuyển mang đến.

Phạt hơn 900 triệu đồng đối với 24 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm chia sẻ: Việc Chính phủ ban hành các nghị định mới về an toàn thực phẩm, đã giúp cho việc thay đổi phương thức quản lý thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, nhưng cũng làm tăng trách nhiệm của doanh nghiệp trong an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm do mình sản xuất.

Cũng theo Phó Giáo sư Nguyễn Thanh Phong, nghị định 15 của Chính phủ cũng đã giúp thu gọn công tác quản lý quảng cáo về thực phẩm.

Hầu hết các sản phẩm thực phẩm không cần đăng ký trước nội dung quảng cáo như quy định trước đây, mà chỉ cần tập trung lực lượng tiền kiểm các sản phẩm có nguy cơ cao, như thực phẩm bảo vệ sức khỏe, sản phẩm dành cho trẻ dưới 36 tháng tuổi, phụ gia thực phẩm hỗn hợp.

Vẫn còn nhiều người bị ngộ độc phải nhập viện điều trị trong đó có không ít trẻ nhỏ.
Vẫn còn nhiều người bị ngộ độc phải nhập viện điều trị trong đó có không ít trẻ nhỏ.

Theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, việc quảng cáo và bán hàng qua mạng xã hội, bán hàng online rất khó quản lý, xử phạt rất khó khăn.

Về định hướng từ nay đến cuối năm, Cục An toàn thực phẩm sẽ tập trung thanh kiểm tra, chú ý vào các sản phẩm chủ yếu phục vụ cho tết Nguyên Đán sắp tết, như rượu bia và các sản phẩm nước giải khát, thịt, bánh mứt kẹo…

Cơ quan này cũng sẽ tiếp tục thực hiện việc tuyên truyền tại các bếp ăn tập thể tại các trường học, khu công nghiệp hay khu chế xuất.

Dịp này, Cục An toàn thực phẩm cũng công bố đường dây nóng 043.232.1556, email tiepnhanvipham@vifa.gov.vn tiếp nhận thông tin của người dân về các trường hợp vi phạm an toàn thực phẩm trong cả nước.

Trên thực tế có nhiều vụ ngộ độc xảy ra từ bếp ăn tập thể và các xuất ăn được cung cấp với số lượng lớn vào trường học hoặc nhà máy.

Bên cạnh đó người dân ở nhiều thành phố vẫn giữ thói quen ăn uống ở vỉa hè, do đó số lượng hàng quán bán ở vỉa hè ngày càng tăng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với sức khỏe.

Găng tay là yêu cầu bắt buộc với cả những quán ăn vỉa hè.
Găng tay là yêu cầu bắt buộc với cả những quán ăn vỉa hè.

Mặc dù Chính phủ đã có quy định về mức xử phạt đối với hành vi vi phạm bảo đảm an toàn thực phẩm trong kinh doanh, trong đó có việc không sử dụng găng tay khi tiếp xúc với đồ ăn chín, nhưng thực tế vẫn có không ít cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố không tuân thủ.

Từ 20/10/2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính về an toàn thực phẩm thay thế cho Nghị định số 178/2013 của Chính phủ. Trong đó, tăng mức phạt trong kinh doanh thức ăn đường phố: Người bán hàng không sử dụng găng tay khi tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm chín, không che đậy thức ăn, không có bàn, tủ, giá, kệ, thiết bị, dụng cụ đáp ứng theo quy định của pháp luật để bày bán thức ăn… sẽ phải chịu mức phạt tiền lên tới 500.000 - 1 triệu đồng. Với việc tăng mức xử phạt gấp nhiều lần, nghị định này được kỳ vọng đủ sức răn đe với những người kinh doanh thực phẩm.

Phương Linh