Mã số 24:

“Bao giờ thì cháu được về với mẹ hả bà… ?”

09/04/2012 12:00
Quang Thức – Thanh Tuyển
(GDVN) - “Em ước mình sau này sẽ trở thành bác sĩ để có thể chữa lành được căn bệnh HIV. Tất cả mọi người không phải ra đi như bố mẹ của em nữa…”.
Trong cái lạnh lẽo của vùng quê yên bình chúng tôi tìm về nhà bà Lê Thị Tới ở xóm 67, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa. 
Hai người con cùng đứa cháu nhỏ của bà đều ra đi sớm khi mang trong người căn bệnh thế kỷ. Giờ đây chỉ còn lại Trà My cùng với bà trong căn nhà nghèo nàn, neo đơn lạnh lẽo chứa đầy đau buồn và nước mắt.
Bà Lê Thị Tới bên Trà My, người cháu gái hơn 9 năm trời chiến đấu với bệnh tật.
 Bà Lê Thị Tới bên Trà My, người cháu gái hơn 9 năm trời chiến đấu với bệnh tật.
Trong căn nhà ảm đạm, đơn sơ ấy bà Lê Thị Tới ngồi thu mình ở góc giường rồi ngậm ngùi kể lại với chúng tôi về dòng đời ngang dọc, số phận các con bà.

Bà sinh được 3 người con, hai gái một trai. Người con trai cả là anh Đỗ Xuân Kiên (sinh năm 1978). Bản chất anh Kiên vốn hiền lành, thật thà ngay từ nhỏ nên đi đâu cũng được ai quý mến. Học lấy cái chữ xong anh đi làm thuê mướn cho người ta cho đến lúc trưởng thành. Đến tuổi tìm bến đậu, anh xây dựng hạnh phúc gia đình với chị Nguyễn Thị Lan (sinh năm 1980) ở cùng xóm bên vào năm 2002.
Hạnh phúc gia đình của đôi vợ chồng trẻ được nhân lên gấp bội lần khi bước sang năm 2003 bé gái đầu lòng Trà My cất tiếng khóc chào đời. Nhưng, niềm vui, niềm quyến luyến cho đứa con mới chào đời của anh chị chưa được bao lâu thì vợ chồng anh đành phải gửi nhờ vào người bà nội chăm sóc, để có thời gian vào miền Nam làm thuê kiếm sống. 
Thời gian cứ tích tắc dần trôi qua, ít năm sau chị Lan trở dạ sinh thêm một cháu gái ở trong Nam và cũng kể từ đây “họa vô đơn chí” đã ập đến cho đôi vợ chồng nghèo bé nhỏ này.
Qua các thủ tục xét nghiệm tại bệnh viện, bác sĩ cho hay chị Lan cùng đứa con gái trứng nước vừa mới sinh ra thêm cả anh Kiên cũng đều mang trong người dòng máu HIV. Và cả bé Trà My chưa đầy 3 năm tuổi vẫn đang ở quê nhà cũng bị nhiễm bệnh. 
Hằng ngày đi học về Trà My luôn tranh thủ làm các công việc nhỏ đỡ đần bà.
Hằng ngày đi học về Trà My luôn tranh thủ làm các công việc nhỏ đỡ đần bà.
Nghịch cảnh cho một gia đình nhỏ mới ngày nào còn ươm mầm “hạnh phúc” thì giờ đã bắt đầu những quãng ngày ngắn ngủi chứa đầy nỗi bất hạnh tan nát cho cả một gia đình.
Tinh thần vợ chồng anh chị Kiên lúc ấy đã trở nên suy sụp hoàn toàn, hai bên gia đình nội ngoại như sét đánh vào tai khi hay biết được tin dữ này. Rất nhiều người vẫn gắng không tin đó là sự thật nhưng sự thật nó đã “oan nghiệp” phũ phàng vậy.
“Tôi ngất đi nhiều lần khi biết con mình mang phải căn bệnh chết người như vậy. Tất cả anh em họ hàng lối xóm đều bàng hoàng đau lòng trước sự việc đau đớn ấy. Vợ chồng chúng nó ăn ở đâu tệ bạc gì mà ông trời nỡ đày tội. Không ngờ rằng chuyện lại xảy ra đắng cay cho gia đình tôi như vậy”. Bà Tới nghẹn ngào nói.
Và cuối cùng cái gì đến cũng đã đến, những nỗi đau tang tóc chồng chất lên cho những mảnh đời dãi nắng dầm sương đó. Tháng 4/2006 anh Kiên mất, cùng năm đó là người con gái út cũng theo bố mà đi. Đến đầu năm 2007 là đến lượt chị Lan cũng về cõi vĩnh hằng. 
Nghiệt ngã với căn bệnh quái ác HIV chết người ấy, mọi người đến bây giờ vẫn chưa biết được nguyên nhân nào lây phát bệnh.
Kể lại chuyện đau buồn, hai hàng nước mắt bà cứ lăn dài trên đôi gò má sâu thẳm, đôi mắt đỏ hoe của bà khiến chúng tôi không khỏi bùi ngùi, xót xa cho số phận cuộc đời của Trà My, khi mà em còn quá nhỏ bé đã phải chịu đựng nỗi giằng xé đớn đau của căn bệnh khiếp đảm này.
Theo chân bà Tới chúng tôi tìm đến trường Tiểu Học Xã Hợp Lý, nơi mà em Trà My đang theo học.
Ở cuối góc lớp học 3A cũ kỹ kia là chỗ ngồi của em. Em ngồi im lặng ở một góc bàn rộng lớn, trống trải không có bạn bè ngồi bên. Chỗ em ngồi như một phòng bệnh nhân đã được tách biệt vậy, sự xa lánh của bạn bè trước kia khiến em luôn mặc cảm với số phận. Hằng ngày em đến lớp cứ lầm lũi, lủi thủi một mình ớ góc lớp mà không đi đâu chơi cả, duy nhất chỉ có một chú gấu bông cũ màu là người bạn thân thiết nhất luôn ở bên cạnh Trà My.
Ánh mắt buồn lo âu của em luôn tái hiện rõ trên khuôn mặt, cái tên Đỗ Trà My thật đẹp, lẽ ra ở cái tuổi em phải được hưởng một cuộc sống no ấm hạnh phúc, sự ân cần quan tâm chăm sóc của người thân thì đằng này thật bất hạnh cho số phận cuộc đời em.
Thầy Dương Viết Trung, chủ nhiệm lớp 3A, trường tiểu học xã Hợp Lý chia sẻ: “Bản thân Trà My là một em học sinh ngoan, mặc dù vậy nhưng học tập của em rất tiến bộ. Do mặc cảm với số phận nên em ngại tiếp xúc với bạn bè trong lớp. Nhưng vẫn được các bạn bè, thấy cô thương yêu, hiện tại em đang theo học được lên lớp 3”. 
Tâm sự với em về ước mơ của mình mà Trà My cứ nghẹn ngào khóc nức nói không rõ thành lời: “Lớn lên em sẽ là bác sĩ để chữa bệnh cho những người ngèo và những người có bệnh tật giống như em”.

Ước mơ của em là vậy đó, một ước mơ tưởng chừng đơn giản nhưng đối với em thì nó lại quá xa vời. Khi bệnh tật nó vẫn còn đang bào mòn lên thân thể yếu ớt ấy từng đêm, để từng đêm em vẫn phải cất gào lên tiếng “Bao giờ thì cháu được về với mẹ hả bà… ?”.

Mọi sự giúp đỡ hay chia sẻ với em Đỗ Trà My xin gửi về:

1. Bà Lê Thị Tới xóm 67, xã Hợp Lý, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa.
Mã số 24.

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy. 

- Swift Code: VBAAVNVX

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

 Video Clip

Quang Thức – Thanh Tuyển