Mã số 17:

Cám cảnh cụ bà mù lòa 95 tuổi nuôi con bại liệt

29/03/2012 06:00
Thanh Tuyển – Hải Biên
(GDVN) - Hơn nửa thế kỷ qua, người mẹ già mù lòa đó vẫn ngồi trên tấm phản ngày nào chăm chuốt nuôi dưỡng cho đứa con tội nghiệp của mình.
Cụ là Nguyễn Thị Đắp ở thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đã bước sang độ tuổi thập kỷ lai hy rồi mà giờ đây cụ vẫn chưa có phút giờ nào thảnh thơi. 
Năm 1934 cụ Đắp theo chồng về làm dâu cùng xã và sinh hạ được ba người con, trong đó có người con trai thứ hai là anh Nguyễn Văn Bản đã hy sinh tại chiến trường Quảng Trị vì sự nghiệp cứu nước. Người con trai út của cụ là anh Nguyễn Văn Hậu ra đời nhưng không may mắc phải chứng bệnh bại não và bị liệt toàn thân.
Cụ Nguyễn Thị Đắp (ngồi) cùng con gái Nguyễn Thị Mận
 Cụ Nguyễn Thị Đắp (ngồi) cùng con  gái Nguyễn Thị Mận
Theo chỉ dẫn tận tình của một người dân trong xã, chúng tôi tìm đến nhà cụ vào một buổi sáng sớm trời tinh sương. Hình ảnh “nhói lòng” một cụ già sống gần thế kỷ đang cùng người con gái đầu lòng bón đút cháo cho đứa con trai bại liệt của mình từng thìa, khiến chúng tôi không khỏi chạnh lòng thương cảm.
Thấy khách lạ đến nhà, người con gái cả của cụ là bà Nguyễn Thị Mận dò dẫm bước ra cửa mời chúng tôi vào nhà.

Nhấp chén trà nóng rồi bà Mận tâm sự: “Đấy các chú ạ, không may cho số phận của đứa em tôi sau một lần ốm rồi trở nên bại liệt. Năm nay, em nó 55 tuổi rồi mà cứ như đứa trẻ lên ba vậy. Thân hình queo quắt, dáng người như đứa trẻ lên 5. Mọi sinh hoạt cá nhân hằng ngày đều do một đôi bàn tay run yếu của mẹ tôi chăm sóc”.
Người con trai út của cụ - anh Nguyễn Văn Hậu
Người con trai út của cụ - anh Nguyễn Văn Hậu
Nhìn về phía phản giường lúc này tôi mới thấm thía cảm nhận được tình cảnh của người mẹ già "nua khổ". Cụ ngồi đó với đôi mắt mù lòa, đôi tay run run, miệng móm mém quén lấy từng thìa cháo “loảng” không đường bón đút cho đứa con và như một sự phản xạ vô hình nào đó anh Hậu ngẩng đầu lên đón lấy từng thìa cháo thơm ngọt của mẹ mà cười nên rúc rích.
Nếu ai đó có mặt trong lúc này chắc không giấu khỏi niềm xúc động, những giọt nước mắt luôn lã chã rơi trên khuôn mặt khắc khổ của bà Mận khi nói với chúng tôi về những số phận cuộc đời của những đứa em mình: “Ông trời không thương, đã cướp mất đi em Bản, ngày Bản mất mẹ tôi buồn lắm, nó là người con trai ngoan ngoãn nhất nhà, 18 tuổi em nó xung phong ra chiến trường đánh giặc, những ngày đầu lập được chiến công em nó đều viết thư về khoe với mẹ, rồi cũng từ đó em Bản đi biệt không trở về nữa”, bà Mận ngậm ngùi nhớ lại.
Lại nói về người chồng của cụ Đắp, lấy nhau chưa được bao lâu thì chồng cụ bỏ nhà ra đi cũng chỉ vì đói nghèo, bệnh tật, mặc mấy mẹ con trong cảnh cơ hàn.
Cụ Đắp đã già nhưng trong lúc này cụ tỉnh táo hơn bao giờ hết. Mắt của cụ tuy mù nhưng khi thấy những tiếng bước chân dồn dập của người lạ đến, cụ lại vểnh đôi tai lên cất giọng thỏ thẻ khó nhọc đầy gượng gạo, cụ nói: “Ngày trước khỏe còn đi lại kiếm việc được, tôi làm tất cả các công việc mà ai mướn, từ cắt cỏ chăn trâu, cấy thuê hay đi làm phu hồ tôi đều làm được hết. Nhưng mấy chục năm trở lại đây, đôi mắt tự dưng mù lòa, lại bị bệnh tật giày vò nên không làm được gì hết cả, chỉ ngồi nhà chăm sóc cho thằng Hậu thôi”.

Nỗi khổ nhọc của cụ là vậy, để có được cái ăn cụ phải lận đận như con ong tìm mật, đi bươn trải khắp mọi nơi để kiếm từng muỗng cháo loảng về nuôi đứa con dại như một cục đá vô hồn.
Nhìn cảnh này ai mà không khỏi chạnh lòng thương cảm
Nhìn cảnh này ai mà không khỏi chạnh lòng thương cảm
Cụ nghẹn ngào nhớ lại: “ Nhà chỉ có hai mẹ con, tôi thì ra ngoài lam lũ kiếm cơm chỉ còn lại một mình thằng Hậu trong căn nhà chật chội. Nhớ có lần, trời bỗng dưng đổ mưa to nhà cửa thì lại rách dột một mình nó bị mưa tưới ướt lạnh cả người. Tôi về đến nhà nhìn thấy con rét mướt run cầm cập, lòng tôi lại như đứt ra từng khúc ruột chỉ còn biết ngồi ôm con vào lòng mà khóc”.
Bước sang cái tuổi ngũ tuần lúc này anh Hậu vẫn hệt như một đứa trẻ, những tiếng âm thanh phát ra được chỉ là những tiếng hừ hừ nơi khe cổ, khuôn mặt ngoặt nghẹo của anh khiến ai đến cũng thương cảm.
Hiện tại cuộc sống của cụ chỉ trông cậy vào số tiền trợ cấp liệt sĩ mà nhà nước hỗ trợ cho, nhưng với đứa con tật nguyền như vậy cuộc sống thiếu thốn vẫn luôn đè nặng nên đầu người mẹ.
Chia sẻ với chúng tôi bà Nguyễn Thị Liên, Chủ tịch hội phụ nữ xã Liên Sơn cho biết: “Ở đây hoàn cảnh nhà cụ Đắp là thuộc diện khó khăn nhất của xã, tình cảnh cụ rất thương tâm. Hằng năm vào những ngày lễ tết, xã luôn luôn quan tâm động viên chia sẻ đến gia đình. Các chính sách hỗ trợ của thôn xóm luôn ưu tiên dành riêng cho cụ. Nhưng ngân sách xã cũng còn nghèo nàn nên chỉ hỗ trợ được phần nào, cần lắm những nhà hảo tâm giúp đỡ”.
Mong muốn của cụ lúc này là nếu có về tổ tiên thì để anh Hậu đi trước, cụ theo sau. Bởi một lẽ cụ mất đi rồi lấy ai chăm sóc anh Hậu đây.
Ra về với ánh mắt nhạt nhòa của bà Mận, cái tật lắc đầu cười lên rúc rích của anh Hậu rồi hình ảnh cụ Đắp mà chúng tôi không sao quên được, nó cứ ám ảnh mãi. Thầm mong mọi điều an lành, tốt đẹp sẽ về với quãng đời ngắn ngủi còn lại của cụ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Cụ: Nguyễn Thị Đắp thôn Do Lễ, xã Liên Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam.

Mã số 17 

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Video Clip

Thanh Tuyển – Hải Biên