Mã số 25:

Thương cảnh “gà trống” nuôi con nhỏ, chăm vợ bại não

10/04/2012 06:00
Đức Tình
(GDVN) - Một người chồng phải chăm sóc người vợ bị bệnh bại não, tê liệt chân tay đã hơn 10 năm trời, ngồi một chỗ, chăm sóc 3 đứa con đang tuổi mới lớn, tuổi đến trường… Đó là hoàn cảnh cùng cực, bi đát của anh Trần Văn Ngọc ở xóm 6, xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An

a
a

Gà trống nuôi 3 con thơ, chăm vợ bại não...

Anh Ngọc sinh năm 1975 xây dựng gia đình với chị Trần Thị Diễm sinh năm 1979. Một gia đình hạnh phúc như anh hằng ước mơ tưởng như đã thành hiện thực khi gia đình anh sinh đứa con gái đầu lòng xinh xắn.
Thế nhưng niềm hạnh phúc ấy ngắn chẳng tày gang, khi hàng loạt tai ương vô tình ập xuống trên gia đình anh. Sau 4 tháng sinh con gái, chị Diễm bị sữa chảy quá nhiều, mất chất và yếu dần. Anh đưa vợ đi khám thì bác sĩ cho rằng đó chỉ là một phần, phần khác là do biến chứng khi mang thai, xuất máu lên não, làm liệt não, tê liệt chân tay. Chị Diễm giờ chỉ ngồi được một chỗ, không biết bất cứ cái gì. Mọi sinh hoạt từ ăn uống, vệ sinh hàng ngày của chị đều do một mình anh Ngọc chăm sóc. Bao nhiêu công sức, tiền của, anh Ngọc đều dành dụm để điều trị, thuốc thang cho chị Diễm với hy vọng vợ được trở lại bình thường cùng anh chăm lo cho con cái. Thế nhưng, do hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện chữa trị tốt nhất, bệnh tình của chị ngày càng khó chữa và nặng hơn trước. Gần 10 năm nay, anh Ngọc phải gác mọi công việc đi làm ăn xa để ở nhà chăm sóc gia đình. Người vợ bại não, bại liệt chân tay vẫn hằng ngày ngồi bất động và cần người chăm sóc. Khổ nhất là khi trở trời, bệnh tình của vợ anh lại càng nặng. Đôi lúc đi làm về chưa kịp dọn cho vợ, bao nhiêu thứ mùi hôi bốc ra từ căn nhà nhỏ cũ kĩ mà chứa đầy cay đắng.
Người vợ bại não và 3 đứa con thơ đang tuổi ăn, học cần chăm sóc là gánh nặng đè nặng lên đôi vai anh Ngọc
Người vợ bại não và 3 đứa con thơ đang tuổi ăn, học cần chăm sóc là gánh nặng đè nặng lên đôi vai anh Ngọc
Ở vùng quê nghèo, muốn kiếm được đồng tiền đều phải đi xa, lên những thành phố lớn mới có công việc ổn định. Nhưng dù muốn thế nào, anh Ngọc vẫn không thể đi. Anh chia sẻ: “Nhọc lắm đó, đáng lẽ hằng năm đi xa kiếm được tiền, nhưng không đi được đâu cả vì phải ở nhà chăm sóc vợ con. Vợ như vậy nên tôi chịu thua thôi. Cùng lớp tuổi, cùng xây dựng gia đình một lúc, anh em đều làm nhà to hết cả rồi. Tôi chưa có chi cả”. Nhà ở ven đồng, cộng với 2 sào ruộng, công việc của anh là làm ruộng, đánh bắt cá, cua, đánh chim, cò để kiếm bữa ăn. Anh cũng làm tất cả những việc mà người trong làng thuê.
Nỗi bất hạnh chưa dừng lại... Những tưởng khi con gái đầu lòng lớn lên sẽ có điều kiện cùng với bố chăm sóc mẹ, nhưng khi mới 5 tuổi em đã phải rời xa bố mẹ vĩnh viễn vì bị chết đuối khi đang giặt quần áo cho mẹ. Nghe hung tin của con khi đi lấy thuốc cho vợ từ huyện về, anh như muốn sụp đổ.  Vẫn nhớ như in hình dáng bé bỏng của bé Nghiêm, con gái đầu lòng, anh đau đớn: “Con bé rất ngoan và biết vâng lời lắm! Mới còn nhỏ, nhưng nó đã tự mình biết làm việc nhà, giúp tôi chăm mẹ nó rồi. Con bé xấu số phải ra đi quá sớm. Đó mãi là nỗi đau và thực sự là sự mất mát quá lớn của gia đình tôi”. Quên đi nỗi đau mất con đầu lòng, anh dành trọn tình thương cho 3 đứa con, đứa lớn nhất đang học lớp 2, nhỏ nhất mới chỉ có 2 tuổi. Tuổi nhỏ nhưng các em đều rất thương bố mẹ và cố gắng học hành. Vất vả với tiền thuốc thang, chữa trị, ăn uống của vợ, anh Ngọc còn phải bươn trải để lo tiền sách vở, học hành cho 2 đứa con đang tuổi đến trường. Gia đình anh mới được tiền hỗ trợ cho người tàn tật 360.000 đồng/tháng từ tháng 9 năm 2010, rồi sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, hàng xóm. Nhưng từng ấy là chưa thấm vào đâu cho cảnh gà trống nuôi con đầy khó khăn, cơ cực của anh.Cũng may còn có chị gái quyết tâm không lập gia đình chăm con giúp em
Niềm an ủi cho anh Ngọc khi bên cạnh anh luôn có người chị gái quyết tâm không lập gia đình để nuôi dưỡng và chăm sóc con cho em trai. Khi bệnh của vợ anh Ngọc đã trở nên nghiêm trọng hơn, nhất là mấy năm gần đây, thì các con của anh đều được chị Trần Thị Lan, chị gái anh chăm sóc như con đẻ của mình. Chị đã phần nào bù đắp sự thiếu vắng tình thương của người mẹ nơi những đứa cháu tội nghiệp. Chị xúc động khi nhắc đến những “đứa con” của chị: “Điều kiện khó khăn, chúng thiếu cả vật chất lẫn tình thương. Tuổi còn nhỏ, chúng trông chờ mẹ lắm, cũng mong mẹ đưa quà bánh khi đi chợ về như bạn bè, nhưng không có, tội lắm!”.
Căn nhà nghèo nàn của gia đình anh Ngọc
Căn nhà  nghèo nàn của gia đình anh Ngọc
Đặc biệt, đứa con út tuổi đang nhỏ, nhiều đêm trông cháu mà nó cứ quấy đòi sữa. “Vừa ngồi trông cháu, vừa nghĩ đến Diễm mà thấy lòng cứ đau”, chị nói trong nghẹn ngào. Nơi mái nhà nhỏ ấy, bộn bề những thiếu thốn và đắng cay, những thiệt thòi và bất hạnh của cuộc đời, nhưng cũng không thiếu tình thương, sự hy sinh của những đấng sinh thành, dưỡng dục. Hoàn cảnh của anh Ngọc hiện đang rất cần sự giúp đỡ của cộng đồng để góp phần thuốc thang cho chị Diễm và chăm sóc cho cháu nhỏ.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Trần Văn Ngọc ở xóm 6, xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An

Mã số 25 

2. Hoặc gửi về Quỹ Tấm Lòng Việt Nam - Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

3. Qua Ngân hàng:

- Tên Tài khoản: Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy. S

- Swift Code: VBAAVNVX

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn

Đức Tình