Khâm phục nghị lực của người thương binh một chân

26/04/2012 08:29
Đức Họ - Minh Quân
(GDVN) - Hơn 40 năm lăn lộn làm đủ mọi nghề kiếm sống, nhưng người thương binh nghị lực Đỗ Quang Nghệ vẫn luôn tỏ ra mình là một người lính cụ Hồ.
Nghe theo tiếng gọi của Đảng và nhân dân

Người thương binh nghị lực mà chúng tôi muốn nhắc đến là ông Đỗ Quang Nghệ, sinh 1947, thương binh hạng 2/4, thôn Mễ Nội, xã Liêm Chính, TP. Phủ lý, tỉnh Hà Nam. Căn nhà 2 tầng khang trang nằm ngay ven hồ rộng vút tầm mắt, nhìn thoáng qua có lẽ không ai biết chủ nhân của nó từng là một người lính một thời oai hùng trong chiến đấu bảo vệ tổ quốc, trớ trêu thay chiến tranh đã vô tình cướp đi một phần thân thể quý giá của ông.

Sinh ra trong một gia đình đông anh em, 2 gái và 3 trai, nên gia đình gặp nhiều khó khăn trở ngại. Tuy nhiên, nghe theo tiếng gọi của đảng, nhân dân 3 anh em đã xung phong háo hức lên đường tiếp sức cho tiền tuyến miền Nam.

Chia sẻ với chúng tôi về những năm tháng chiến đấu khốc liệt ánh mắt ông như sống lại những ngày chiến đấu hào hùng, ông Nghệ kể:

"Tôi nhập ngũ lúc mới 17 tuổi, học lớp 5, khi ấy chiến tranh diễn ra ác liệt 3 anh em chúng tôi đã xung phong lên đường đánh giặc. Năm1964, mới đầu vào Tây Ninh , sau đó lại chuyển tập kết ở đông Bắc. Khi ấy hai bên giao tranh khốc liệt. Năm 1969 tôi bị dính một mảnh bom vào chân trái nên hoại tử phải cắt bỏ đến đùi. Gia đình tôi còn tưởng đã hi sinh”
.

Những năm tháng gian truân vất vả

Hòa bình lập lại, nhưng người lính cụ Hồ vẫn không hề có chút thời gian ngơi nghỉ nào mà phải tiếp tục chiến đấu trong "trận địa" mới, với trăm bề khó khăn đòi hỏi phải có lòng tin, sức lực mới có thể vượt qua được.

Khu hồ hiện ông Nghệ đang thầu.
Khu hồ hiện ông Nghệ đang thầu.


Năm 1971 ông Nghệ trở về với đôi chân không còn lành lặn nên việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn. Gia đình có 5 anh em thì em trai út đã ngã xuống ở chiến trường miền Nam, còn 2 em gái và em trai thì đều đã tìm cho mình một tổ ấm riêng để lại một mình ông cùng bố mẹ già. Thương bố mẹ ông lập gia đình năm 1972 với mong muốn "đỡ đần được phần nào cho các cụ", nhưng nào ngờ lại thêm gánh nặng con cái nên cuộc sống càng chồng chất khó khăn, chật vật.

"Lúc mới xuất ngũ tôi cụt mất một chân nên đi lại gặp rất nhiều khó khăn, có nhiều lúc còn nghĩ quẩn, nhưng được gia đình và hàng xóm động viên nên tôi nghĩ mình phải làm gì để sống tốt hơn, đáp trả những tình cảm mà người thân đã giành cho mình"
. Ông Nghệ chia sẻ.

Hoàn cảnh không trói buộc được tinh thần "thép" của người thương binh trẻ lúc ấy. Ông vật lộn với đủ mọi nghề để kiếm kế sinh nhai.

"Khi đó chỉ cần có cái ăn việc gì tôi cũng làm, mò cua bắt ốc, chống gậy đi cấy, tráng bánh đa cho vợ đem đi bán rồi tập tễnh đến từng nhà hỏi có máy móc gì hỏng thì sửa chữa đổi lấy gạo ăn, nhà nào có tiền thì trả tiền... nhưng cũng chẳng được là bao cả nhà vẫn đói khát quanh năm".
Ông Nghệ nói tiếp.

Không chùn bước trước khó khăn, chất lính trong ông vẫn âm ỉ cháy và nuôi niềm hi vọng vào một tương lai tươi sáng.

Sau khi đất nước đổi mới ông nhận thầu Hồ Vực Khiếu và vay vốn ngân hàng để đầu tư nuôi cá trong 11 năm, thời gian đầu cũng gặp rất nhiều khó khăn như trộm cắp, dịch bệnh, phương pháp nuôi chưa đúng...

11 năm thầu đầm cũng là quãng thời gian ông chống gậy lội đầm, lặn lội đêm hôm để trông cá... Nhờ sự tìm tòi, ham học hỏi nên những khó khăn cũng dần được khắc phục.

Thành quả sau những tháng ngày gian truân


Nỗ lực của người thương binh cuối cùng cũng được đáp đền bằng những trái ngọt, cơ ngơi hiện có khiến nhiều người phải ghanh tị và minh chứng cho kết quả lao động ấy là căn nhà 2 tầng khang trang và khu hồ rộng bát ngát, con cái ông đều được ăn học đàng hoàng và hiện nay đều có việc làm ổn định với tổ ấm gia đình hạnh phúc.

Ông Nghệ trước căn nhà 2 tầng khang trang đăm chiêu nhìn về phía hồ Vực Khiếu
Ông Nghệ trước căn nhà 2 tầng khang trang đăm chiêu nhìn về phía hồ Vực Khiếu


Ở cái tuổi "thất thập" nhưng ông vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội như: từ thiện, sinh hoạt hội cựu chiến binh, hội người cao tuổi...

Chia tay với ông, chúng tôi cảm phục trước nghị lực phi thường của người thương binh mang tên Đỗ Quang Nghệ và thấm thía câu nói "Cuộc đời bác chỉ đơn giản vậy thôi, không có đáng nói cả, bác không hối hận vì những gì mình đã hy sinh trong cuộc đời".


Điểm nóng

Nhật ký Chí Viễn

Nhật ký Lớp học Hy vọng

Nhật ký Kim Bon

Nhật ký Pả Vi

"Bữa cơm có thịt" đến với Nậm Mười

Suối Giàng & "Bữa cơm có thịt"

Phẫu thuật miễn phí

Video Clip



Đức Họ - Minh Quân