Hạnh phúc giản dị của mẹ tôi

26/02/2012 12:00
Theo Netbuttrian/Tuổi trẻ
Trong một lần tình cờ ở thành phố Hải Dương, tôi hỏi thăm đường chị Thu mua ve chai. Lúc ấy tôi thấy mắt chị đỏ hoe, những giọt nước mắt lăn dài trên má.

Chị ân cần chỉ đường và cũng không quên chia sẻ niềm vui với tôi. Chị nói: “Cậu con trai vừa gọi điện thông báo là năm nay con đạt danh hiệu học sinh giỏi, nhìn thấy chú, tôi vừa mừng vừa nhớ cháu nên khóc. Chú thông cảm!”. 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chuyện có vậy thôi mà làm tôi suy nghĩ nhiều, trong tôi lắng đọng một cảm xúc khó tả. Chị khóc vì quá hạnh phúc. Dẫu phải hằng ngày tất bật, lo miếng cơm manh áo, nhưng các con của chị đã cảm thông với mẹ, chăm chỉ học hành, như thế có niềm vui nào hơn. Đúng thật, đó chính là hạnh phúc của một con người, một đời người.

Câu chuyện ấy, một phút làm tôi chạnh lòng nghĩ đến mẹ tôi, nhớ về gia đình, nơi đã chắp cánh cho tôi những chân lý, những bài học đầu tiên và giá trị của cuộc đời để hôm nay tôi có dịp trải lòng.

Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng quê huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế, nơi vùng đất được xem là trù phú đúng với cái tên gọi của nó, rừng vàng biển bạc với hệ thống đầm phá sinh thái đa dạng. Hồi nhỏ tôi được mẹ kể cho tôi nghe về những câu chuyện ngày xưa, những tháng năm ác liệt của chiến tranh, 13 tuổi bố tôi đã phải lên đường tập kết ra Bắc để được học cái chữ, cái nghề. Bố quen và cưới mẹ ở miền Bắc rồi đưa cả gia đình vào lập nghiệp ở vùng quê ấy, có biết bao nhọc nhằn của thời bao cấp phải chạy ăn từng bữa, tăng gia sản xuất, khai hoang đất rừng, đào ao nuôi cá…

Hồi ấy, mẹ tôi gầy đi nhiều lắm, nhiều bạn bè cùng trang lứa đều gọi mẹ tôi là "bà phù thủy”. Những lúc ấy tôi thấy thoáng buồn chứ chẳng có ý nghĩ gì sâu xa hơn. Chỉ biết rằng trong cái khó khăn, nhọc nhằn ấy, bố mẹ vẫn chắt chiu những đồng tiền bằng mồ hôi, nước mắt để lo cho các con. Bố mẹ có những bữa cơm phải ăn độn với khoai sắn; mặc những chiếc áo cũ đã sờn vai, đứt chỉ. Bố mẹ chắt chiu để chị em tôi được ăn no, mặc ấm, chỉ mong chị em chúng tôi được học hành bằng bạn bè.

Gia đình tôi có 3 chị em, tôi là con trai út nên được cưng chiều hơn. Mẹ thường đưa tôi đi chơi vào những ngày cuối tuần và kể cho tôi nghe nhiều chuyện và chẳng biết từ bao giờ, những câu chuyện ấy cứ in đậm vào ký ức của tuổi thơ và đã trở thành phương châm sống của tôi.

Với tôi, mẹ luôn là người bạn để tôi có thể chia sẻ tâm tình mọi khó khăn. Từ thuở nhỏ tôi đã được mẹ dạy rằng: “Bố mẹ không có nhiều tiền của để cho con, chỉ có thể cho con cái nghề để sau này con tự kiếm sống. Vì thế các con hãy cố gắng học hành chăm ngoan!”. Bố mẹ cũng thường nói với chúng tôi rằng: “Vàng kề kề không bằng có cái nghề trong tay”.

Cuộc sống có nhiều khó khăn là thế nhưng hạnh phúc luôn mỉm cười với gia đình tôi. Dường như thấu hiểu được lòng bố mẹ, các chị tôi đã vượt qua khó khăn, thi đỗ đại học, rồi ra trường có nghề nghiệp ổn định. Trong tâm trí non nớt của tôi hồi ấy chỉ biết rằng: niềm vui của mẹ là những điểm 10, những phần thưởng của chúng tôi, thấy chúng tôi thật sự trưởng thành. Nỗi buồn của mẹ là những điểm kém của chúng tôi, những khi chúng tôi không biết vâng lời…

Tôi là con út nên được mẹ cưng chiều và có chăm sóc phần ưu ái hơn, vì thế tôi nhìn vào tấm gương của các chị và cảm thấy có phần nào áp lực. Tốt nghiệp trung học phổ thông, trước ngưỡng cửa bước vào cuộc đời, tôi được gia đình định hướng thi vào các ngành khối kỹ thuật nhưng tôi lại quyết tâm chon con đường binh nghiệp.

Quyết tâm của tôi được gia đình tôn trọng, vì mọi người nghĩ rằng đó là môi trường tốt để tôi rèn luyện và gia đình yên tâm hơn khi tôi sống xa nhà. Trong nhiều tháng ngày miệt mài ôn luyện, tôi đã thi đỗ vào Học viện Chính trị quân sự. Lúc ấy, trong tôi đan xem nhiều cảm xúc, vừa mừng lại vừa lo. Thật tình, bản thân chỉ biết đến quân đội qua những bài giảng lịch sử của thầy cô, qua những thước phim tư liệu, qua bộ quân phục màu xanh… còn để mường tượng về cuộc sống của anh chàng “lính sinh viên” thì tôi chưa hề nghĩ đến. Ngày lên đường nhập ngũ mẹ tôi chỉ dặn rằng: cuộc sống quân đội có những khó khăn nhất định, con phải thật sự nỗ lực cố gắng!

Hành trang vào lính của tôi cũng thật giản dị như bao người chiến sĩ khác, phải bắt đầu làm quen với môi trường mới, phải chấp hành nghiêm kỷ luật quân đội, rèn luyện tác phong chính quy, phải gác đêm, tăng gia sản xuất, phải hành quân mang vác nặng, phải học ngoài thao trường nắng như đổ lửa và lạnh đến buốt thịt da… Tất cả nằm trong “khuôn khổ” chứ không được tự do thoải mái như ở nhà. 

Quả thật những điều ấy có những lúc làm cho anh chàng “thư sinh” và “công tử” như tôi phải có những giây phút nản lòng. Tôi đã viết thư về tâm sự cùng mẹ, muốn thoát khỏi cuộc sống hiện tại, muốn bỏ học để tìm cơ hội khác. Lúc đó, mẹ tôi buồn lắm, mẹ lại lặn lội hơn nghìn cây số đến đơn vị thăm và chỉ động viên tôi: “Không có nghề nào có thành công mà không phải trải qua khó khăn và thử thách, con phải cố gắng lên bằng chính nghị lực của mình, học tập và rèn luyện cho thật tốt để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao”. Tôi lại tiếp tục vươn lên!

Kết thúc huấn khóa sĩ quan dự bị, bước vào năm học thứ hai tôi vẫn miệt mài học tập và rèn luyện để khi về phép tôi được vinh dự nhận bằng khen và danh hiệu “Thanh niên ba đỉnh cao quyết thắng”, đấy là món quà mà tôi mang về tặng mẹ. Lúc ấy mẹ vui lắm vì tôi đã không phụ lòng mẹ, không phụ lòng tin của cả gia đình.

Mẹ thấy tôi chững chạc lên rất nhiều, đi đâu mẹ cũng tự hào về tôi, cũng khoe với bà con lối xóm  và họ hàng… Tôi thật sự hiểu tấm lòng của mẹ. Rồi niềm vui của mẹ càng được nhân lên khi bước vào năm học thứ 3, tôi được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, mẹ vui khi nhận thấy tôi đã thật sự trưởng thành.

Tôi tốt nghiệp ra trường, nhận công tác ở một tỉnh phía Nam, tôi đọc được trong mắt của mẹ một thoáng buồn, nhưng mẹ động viên tôi cố gắng công tác phấn đấu tốt dù ở bất cứ cương vị nào. Giờ đây tôi đã có gia đình, tôi nghĩ về những câu chuyện, những lúc cái tôi của mình đã khiến mẹ buồn, làm gia đình không vui.

Trong cái tất bật cuộc sống hằng ngày, đôi khi ta lại quên đi cái đơn giản mà mẹ lo cho ta, quên đi cái những người khác đang cần khi ta đã có đầy đủ. Hãy bớt thời gian để nghĩ về tình thương ấy, tình thương không thể đo được nhưng hãy để nó nhân lên bằng những việc làm hữu ích, bằng sự chân thành của con người với nhau, bằng lòng yêu quý nghề đích thực, bằng công việc nhỏ hằng ngày…

Và trong mỗi bước trưởng thành của mình, tôi luôn thầm cảm ơn mẹ và giữ trọn lời hứa phải cố gắng phấn đấu thật nhiều, thật nhiều hơn nữa để xứng đáng với niềm tin yêu và tình thương của mẹ. Bỡi lẽ, hạnh phúc đến từ những điều giản dị ở quanh ta!

Theo Netbuttrian/Tuổi trẻ