Trung Quốc thừa nhận đập Tam Hiệp có một loạt vấn đề khẩn cấp

20/05/2011 23:50
(GDVV) - Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng công nhận đập Tam Hiệp nổi tiếng của nước này đã mắc một số "căn bệnh" cần phải được chữa trị "khẩn cấp".

(GDVN) - Tờ Bangkok Post trích dẫn tin tức của AFP cho hay, Chính phủ Trung Quốc đã lên tiếng công nhận đập Tam Hiệp nổi tiếng của nước này đã mắc một loạt các vấn đề cần phải được giải quyết "khẩn cấp".

Tuyên bố được đưa ra vào cuối ngày 18/5 sau một cuộc họp về tương lai của dự án thủy điện này do Thủ tướng Ôn Gia Bảo chủ trì. Trong đó, Trung Quốc thừa nhận con đập được coi là lớn nhất thế giới này đã gặp phải một loạt các vấn đề về môi trường, xã hội và địa chất.

Rác thải
Rác thải trôi vào hồ chứa trong trận mưa lũ năm 2010 đến giờ vẫn
chưa thể dọn sạch hết.
 
"Trong khi dự án đập Tam Hiệp đã mang lại những lợi ích to lớn và toàn diện thì còn có những vấn đề cần phải được khẩn trương giải quyết  như việc di dân, bảo vệ sinh thái và ngăn ngừa các suy thoái về địa chất" - trích nội dung tuyên bố.

Đập Tam Hiệp được bắt đầu xây dựng vào năm 1993 với đầu tư lên tới 11,5 tỷ USD trên sông Dương Tử. Nó được coi là đập thủy điện lớn nhất thế giới và đã bắt đầu đi vào hoạt động trong năm 2008. Các nhà chức trách Trung Quốc ca ngợi nó như một nguồn năng lượng sạch mới và đồng thời là một biện pháp chế ngự con sông dài nhất Trung Quốc vốn nổi tiếng hay gây ngập lụt này.

Nhưng các nhà phê bình và báo giới trong nước từ lâu đã lên tiếng về những tác động tới môi trường và xã hội mà mặt trái của dự án này mang lại.

Khoảng 1,4 triệu người dân đã phải di dời để lấy đất làm hồ chứa cho con đập và đường dẫn nước tới hồ. Nhưng nhiều chuyên gia khác lại vẫn lên tiếng cảnh báo về nguy cơ suy thoái địa chất ở khu vực này, trong đó có hiện tượng lở đất thường xuyên và rối loạn dòng chảy gây ra bởi lượng nước đổ về hồ chứa này quá lớn.

Trong khi đó, các nhà môi trường lại lên tiếng cảnh báo rằng hồ chứa nước có thể sẽ biến thành khu vực bị ô nhiễm nước nặng nề. Chính phủ Trung Quốc hồi cuối tháng 8 năm 2010 cũng đã nhận ra rằng họ sẽ phải chi hàng tỷ đô la để giải quyết các thiệt hại môi trường dọc theo con sông này, bao gồm cả việc xử lý các nguồn nước thải đang đổ xuống sông Dương Tử từ dọc hai bờ sông.

Ngoài ra, trong đợt mưa lũ năm 2010, một số lượng lớn rác và các mảnh vụn trôi nổi trên sông Dương Tử đã chảy vào hồ chứa nước của con đập này dày tới mức người ta có thể đi lại được trên đó và chính quyền địa phương đã phải huy động một cuộc tổng dọn dẹp lớn để làm sạch được chúng nhằm giảm nguy cơ nước bị ô nhiễm. Lượng rác thải quá dày tập trung tại một số khu vực còn đe dọa làm tắc nghẽn con đập.

Theo tuyên bố của Hội đồng nhà nước Trung Quốc, chính phủ nước này sẽ nỗ lực để đảm bảo cuộc sống thịnh vượng cho những người dân đã phải di dời nhường đất phục vụ công trình này và chặn đứng nguy cơ ô nhiễm nước cũng như suy thoái địa chất. Tuy nhiên, thông báo không nêu ra thời gian cụ thể hay chi tiết về một biện pháp nào.
{iarelatednews articleid='2766,2784,2735,2598,2570,2496,2446'}

Nguyễn Hường
(Theo Bangkok Post)