Scandal ở FIFA giúp Mỹ, Trung Quốc có khả năng được đăng cai World Cup

03/06/2011 00:15
(GDVN) - Rất có thể những người Mỹ và cả Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ vụ bê bối tham nhũng ở FIFA sau khi chủ tịch Sepp Blatter tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra.

(GDVN) - Rất có thể những người Mỹ và Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ vụ bê bối tham nhũng ở FIFA sau khi chủ tịch Sepp Blatter tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra.

Tin hot 7h: Blatter tái đắc cử, Serie A lại rúng động vì dàn xếp tỷ số

Ngay sau khi tái đắc cử, Blatter đã chính thức tuyên bố FIFA sẽ mở cuộc điều tra công khai nhằm tìm ra bằng chứng cho các cáo buộc tham nhũng trong chiến dịch vận động đăng cai World Cup 2022 mà Qatar là tâm điểm. Đây được coi là một động thái khẩn cấp của ông chủ tịch nhằm làm xoa dịu tình hình căng thẳng cũng như thanh lọc bộ máy của cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới.

Sepp Blatter chuẩn bị lập ra
Sepp Blatter chuẩn bị lập ra "Ủy ban giải pháp" để điều tra tham nhũng bên trong FIFA.

Theo đó, Ủy ban đạo đức sẽ bị giải tán để thay thế bằng một ủy ban mới có quyền hành hơn trong việc thanh tra các hoạt động của FIFA, người đứng đầu sẽ là một trong số các phó chủ tịch (hoàng tử Ali Bin Al Hussein, David Chung hoặc Franz Beckenbauer) hoặc một thành viên trong Ban chấp hành. Những thành viên trong Ủy ban bầu chọn được thành lập tháng 11 năm ngoái sẽ tạm thời bị kiểm tra các thông tin có liên quan tới hoạt động của tổ chức như tài khoản ngân hàng, v.v…

Nếu Ủy ban điều tra tìm ra chứng cớ buộc tội Qatar đã dùng tiền để hối lộ cho chiến dịch vận động đăng cai, FIFA sẽ xem xét để tước quyền đăng cai của Qatar và nhiều khả năng, quốc gia về nhì trong cuộc bỏ phiếu diễn ra cuối năm ngoái sẽ là nước được chọn thay thế, tức Mỹ (8 phiếu, thua Qatar 6 phiếu ở vòng cuối cùng).

Nếu Qatar bị tước quyền đăng cai, Mỹ và có thể là cả Trung Quốc sẽ hưởng lợi
Nếu Qatar bị tước quyền đăng cai, Mỹ và có thể là cả Trung Quốc sẽ hưởng lợi.

Trong trường hợp Qatar bị tước quyền đăng cai và trao cho Mỹ, có khả năng rất lớn World Cup 2026 sẽ thuộc về Trung Quốc. Nguyên nhân là do trong luật FIFA, 2 Liên đoàn bóng đá của 2 quốc gia chủ nhà trước 2026 (UEFA của Nga và CONCACAF của Mỹ) sẽ không thể cử đại diện nào đứng ra tranh quyền đăng cai, tức sẽ chỉ có châu Á, Nam Mỹ và châu Phi tranh chấp lẫn nhau (châu Đại Dương không thể tham gia vì không có quốc gia nào đáp ứng điều kiện về cơ sở hạ tầng của FIFA).

Trong khi Nhật có độ rủi ro cao (nên phải đồng đăng cai với Hàn Quốc năm 2002), còn phải chờ thời gian để tái thiết thì với khả năng tổ chức sự kiện được chứng minh ở Olympic Bắc Kinh 2008, Trung Quốc hoàn toàn có thể sẽ được chọn lựa.

Đỗ Âu