Sếp phó VFF Lê Hùng Dũng: Các ông "bầu" đã kiệt sức

28/08/2012 14:15
Theo Tiền phong
"Các ông bầu đã kiệt sức! Đây là khó khăn chung của V.League. Làm sao để duy trì được mặt bằng cao như hiện nay? Tôi cho rằng mùa tới sẽ hết sức khó khăn cho các CLB duy trì được hoạt động".
Phó chủ tịch VFF kiêm Phó chủ tịch VPF Lê Hùng Dũng trả lời phỏng vấn về các vấn đề liên quan bóng đá VN, sau sự kiện bầu Kiên bị cơ quan điều tra bắt giữ.

Theo ông Dũng, trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay, HLV và các cầu thủ phải chia sẻ với CLB, chấp nhận “hạ giá”.
 
Phó chủ tịch VFF cũng tái khẳng định việc thành lập VPF là phù hợp với xu thế bóng đá chuyên nghiệp, bất chấp việc bầu Kiên bị bắt giữ.
 
Lãnh đạo VFF, VPF trong thời gian vừa qua đều phủ nhận ảnh hưởng của việc bắt giữ ông Kiên đối với VPF cũng như bóng đá VN. Nói vậy thì dễ rồi, nhưng có hoàn toàn thuyết phục không thưa ông?
 
Thực ra bất kỳ nhân vật nào liên quan tới bóng đá mà rơi vào tình huống đó đều sẽ có ảnh hưởng. Chỉ là mức độ như thế nào thôi.

Ông Lê Hùng Dũng (phải) nhận định các ông bầu bóng đá đã "kiệt sức”. Ảnh: VSI
Ông Lê Hùng Dũng (phải) nhận định các ông bầu bóng đá đã "kiệt sức”. Ảnh: VSI

Qua tới giờ tôi lướt các báo, thì thấy dư luận cũng mỗi nơi mỗi khác. Ở đây theo tôi, nói không ảnh hưởng cũng đúng, xét trên góc độ nhiệm vụ chính của VPF là quản lý, tổ chức và điều hành giải. Thì mùa giải đã xong rồi. Còn sang mùa giải mới, VPF lại hoạt động bình thường.
 
Có thể là những công việc nào anh Kiên đã được phân công làm, thì tới đây HĐQT công ty phải xem xét, sắp xếp lại. Một trong những vấn đề quan trọng, đáng lo nhất hiện nay là tài chính của VPF thì đã xong.
 
V.League không thể nói là không ảnh hưởng nếu 2 đội bóng của bầu Kiên bị giải thể?

Đây là vấn đề VFF sẽ cần phải cân nhắc giải pháp. Ít nhất về góc độ chuyên môn, việc tăng giảm đội bóng nếu xảy ra thì cần giải quyết như thế nào: mỗi giải đấu bao nhiêu đội, số lượng lên, xuống hạng…Liệu chúng ta có chấp nhận, có bao nhiêu đội thì “chơi” bấy nhiêu không? Tôi đang sợ là trong mùa tới, nhiều đội không đủ kinh phí để hoạt động. Như tôi được biết thì khả năng sang năm một số đội sẽ xin rút.
 
Ông có bi quan quá không?
 
Thực tế năm nay ra sao, ai cũng thấy rõ. Nhiều đội, lương cầu thủ vẫn còn nợ. Thế thì mùa tới sẽ như thế nào? Những năm trước chứng khoán, địa ốc…rất tốt nên tiền đưa sang bóng đá không khó. Nói không khó nhưng không có nghĩa là dễ. Nhưng hiện nay không có nữa rồi.

Các ông bầu đã kiệt sức! Đây là khó khăn chung của V.League. Làm sao để duy trì được mặt bằng cao như hiện nay? Tôi cho rằng mùa tới sẽ hết sức khó khăn cho các CLB duy trì được hoạt động.
 
V.League bắt buộc phải hạ giá! Nhưng các HLV, cầu thủ có chấp nhận điều đó không? Theo tôi họ cần phải chấp nhận, để chia sẻ với CLB.
 
Yêu cầu tái cơ cấu cùng những vấn đề khác của hệ thống ngân hàng sẽ ảnh hưởng tới bóng đá VN trong năm tới, khi mà nhiều đội bóng đều do các ngân hàng tài trợ?
 
Tôi sẽ không mở rộng sang các ngân hàng khác. Chỉ nói riêng Eximbank sẽ vẫn tài trợ cho V.League mùa giải sau theo đúng hợp đồng 3 năm đã ký với VFF.
 
Ông từng có ý kiến, các ông bầu nên rút khỏi VPF. Liệu sau khi bầu Kiên bị bắt, quan điểm đó có thay đổi?
 
Vẫn vậy thôi! Mô hình các nước, theo tôi tìm hiểu có thể chưa đầy đủ, thì chủ các CLB không tham gia trực tiếp điều hành công ty.
 
Lấy ví dụ anh không thể vừa là HLV, lại vừa làm trọng tài. Một công ty chịu trách nhiệm điều hành giải thì phải không có quyền lợi liên quan trực tiếp đến các đội bóng tham gia. Mô hình như trên, tự thân đã là không lành mạnh rồi.
 
Rút ở đây là ý đó! Mặc dù con đường đi lên bóng đá chuyên nghiệp, việc thành lập công ty chuyên trách điều hành giải là đúng xu thế phát triển.
 
Ở đây tôi chỉ đính chính, là không phải nói rút là rút ngay lập tức. Tạm thời gian đoạn quá độ thì phải chấp nhận. Nhưng thời gian bao lâu cần chấm dứt thì phải tính. Có thể mùa giải tới nên làm ngay. Vấn đề này tôi cho rằng Tổng cục TDTT, VFF và VPF cần phải bàn.
 
Cảm ơn ông!
Theo Tiền phong