Ấn tượng và khó hiểu những khoản lãi của Petrolimex

09/09/2013 10:29
Theo Báo Đầu tư
Số lãi mà Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) báo cáo với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khiến những ai quan tâm tới điệp khúc “lỗ nên phải tăng giá” của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu ngã ngửa.
Khoản lãi từ kinh doanh xăng dầu của Petrolimex càng ấn tượng và khó hiểu khi tiêu thụ xăng dầu nội địa trong năm nay chưa có dấu hiệu phục hồi bởi những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải.

Trong 898 tỷ đồng lợi nhuận hợp nhất của Petrolimex trong 2 quý đầu năm 2013, phần đến từ kinh doanh xăng dầu là khoảng 388 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex cho rằng, đó không phải là lãi lớn mà ngược lại là thấp, chỉ đạt 31% so với lợi nhuận định mức quy định.

Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2013, lợi nhuận hợp nhất trước thuế thu nhập doanh nghiệp của Petrolimex đạt 898 tỷ đồng.

Trừ thuế, lợi nhuận còn 687 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính trên vốn chủ sở hữu, tỷ lệ lợi nhuận trên vốn chỉ đạt 4,7%.

Petrolimex vẫn áp đảo thị trường xăng dầu
Petrolimex vẫn áp đảo thị trường xăng dầu

Riêng mảng kinh doanh xăng dầu trong nước, tính chi li khoản lợi nhuận 388,22 tỷ đồng trước thuế của Petrolimex cho thấy, mỗi lít xăng dầu bán ra, doanh nghiệp này chỉ lãi 94 đồng.

Con số này chỉ bằng khoảng 31% lợi nhuận định mức (300 đồng/lít) mà Nhà nước cho phép trong trong công thức tính giá cơ sở.

Đáng chú ý là, theo công bố thông tin của Petrolimex hồi tháng 4/2013, kinh doanh xăng dầu năm 2012 của Petrolimex vẫn bị lỗ 125,017 tỷ đồng. Nhưng con số này cũng đã giảm mạnh so với mức lỗ 2.601,609 tỷ đồng năm 2011.

Thừa nhận số lãi này của Petrolimex là thấp so với quy định về công thức tính giá cơ sở, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho hay, trong 6 tháng đầu năm, Petrolimex đã kinh doanh 4,1 triệu tấn xăng dầu, với doanh thu 82.500 tỷ đồng, nhưng chỉ lãi 388 tỷ đồng trong khi theo các quy định liên quan, mức lãi có thể lên tới 1.200 tỷ đồng. “Mức lãi này so với các doanh nghiệp khác trên thị trường chứng khoán cũng chưa phải là nhiều”, ông Quyền nói.

Đáng nói là, dư luận chỉ được biết đến số lãi này của Petrolimex khi doanh nghiệp buộc phải công bố thông tin bởi quy định với công ty đại chúng.

Còn các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu lớn khác trên thị trường nội địa, như Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil), Công ty xăng dầu Quân đội, Công ty Nam Việt, Saigon Petro, Công ty Xăng dầu Thành Lễ… đều không công khai rộng rãi kết quả hoạt động của mình.

Khoản lãi từ kinh doanh xăng dầu của Petrolimex càng ấn tượng và khó hiểu khi tiêu thụ xăng dầu nội địa trong năm nay chưa có dấu hiệu phục hồi bởi những khó khăn mà doanh nghiệp gặp phải.

Trong khi lượng xăng dầu cung cấp bởi Nhà máy lọc dầu Dung Quất không có gì đột biến so với năm 2012, tổng kim ngạch nhập khẩu xăng dầu 8 tháng đạt 4,3 tỷ USD, giảm gần 27% (tương đương 1,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2012. Tình trạng này diễn ra ở tất cả mặt hàng, trong đó xăng A92 giảm khoảng 20%, dầu DO giảm tới 37%.

Những khoản lãi, dù là chưa bằng lợi nhuận định mức và cũng không có đủ thông tin để nhận định về quy mô, của những anh lớn trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu vẫn tiếp tục hấp dẫn các doanh nghiệp đàn em đua ganh để giành được một chân trong thị trường này.

Kể từ quý II/2012, đặc biệt dồn dập từ đầu năm 2013, số đầu mối được cấp phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu tăng đột biến, tới gần chục doanh nghiệp mới.

Như vậy, tính tới thời điểm này, loại ra 2 đầu mối kinh doanh xăng dầu xuất nhập khẩu là Công ty Thương mại Kỹ thuật và Đầu tư (Petec) và Công ty Xăng dầu Hàng hải Việt Nam do bị rút giấy phép, 18 doanh nghiệp đã được cấp phép.

Tuy nhiên, không có doanh nghiệp mới nào trong số này được xem là đối trọng với các ông lớn đang nắm giữ thị trường này, nhất là có thể so găng được với Petrolimex.

Một chuyên gia am hiểu lĩnh vực xăng dầu nhận xét, sự có mặt của các doanh nghiệp mới tham gia kinh doanh xăng dầu hiện tại chỉ làm gia tăng số lượng người chơi chứ chưa thay đổi được thế áp đảo hiện nay của các ông lớn, đặc biệt tạo ra đối trọng với Petrolimex.

“Các doanh nghiệp mới được cấp phép có tiềm lực khá hạn chế, không trường vốn. Do vậy, họ có thể sẽ lặp lại bài ngưng bán hàng khi giá xăng dầu thế giới biến động tăng để né lỗ, gây nên sự khan hiếm giả tạo. Lúc đó, vai trò của Petrolimex lại được nhấn mạnh theo hướng không có doanh nghiệp nào thay thế được. Như vậy, trên thực tế, thị trường xăng dầu không có chuyển biến thực chất và chưa thể tạo ra sự cạnh tranh một cách bình đẳng và minh bạch”, chuyên gia này nhận xét.

Khó có một đối trọng để tạo ra sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường xăng dầu bởi doanh nghiệp đầu mối được kỳ vọng nhất là PV Oil sau vài năm “gồng mình” vẫn chưa tạo được bứt phá đáng kể và còn kém xa Petrolimex về thị phần.
Theo Báo Đầu tư