Áp mã thuế sai, làm thất thoát hàng nghìn tỷ đồng

27/09/2011 16:46
P.V
(GDVN) - Trong thời gian gần đây, mặt hàng lúa mỳ nhập khẩu vào Việt Nam bỗng tăng đột biến về số lượng, khiến cho tỷ trọng nhập siêu tăng đáng kể.
Điều này dường như đang đi ngược quy luật đối với một nước xuất khẩu lương thực hàng đầu như Việt Nam. Nguyên nhân của sự bất hợp lý này có xuất xứ từ việc áp mã thuế sai của Tổng cục Hải quan và đã khiến cho ngân sách nhà nước thất thu hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.

Lúa mỳ đánh bạt lúa gạo

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, lượng lúa mỳ nhập khẩu vào Việt Nam qua các cửa khẩu các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Vũng Tàu, Tp Hồ Chí Minh, Cần Thơ... chỉ trong 3 tháng đầu năm 2010 đã đạt giá trị hơn 500 triệu USD.

Tất cả những sản phẩm này đều là dạng lúa mỳ đã tách vỏ trấu, còn vỏ lụa bên trong và được áp mã hàng hóa phân loại theo nhóm 1001, thuộc chương chương 10 của Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Thông tư số 85/2003/TT-BTC ngày 29/8/2003 của Bộ Tài chính, với mức thuế suất 5%. Loại hàng này trước tháng 5/2006 được xếp vào mã hàng hóa với mức thuế suất 20%.
Trong thời gian gần đây, mặt hàng lúa mỳ nhập khẩu vào Việt Nam bỗng tăng đột biến về số lượng,
Trong thời gian gần đây, mặt hàng lúa mỳ nhập khẩu vào Việt Nam bỗng tăng đột biến về số lượng,

Chính Tổng cục Hải Quan ngày 7/3/2005 đã có văn bản số 836 TCHQ/GSQL do Phó Tổng cục trưởng Đặng Thị Bình An ký hướng dẫn phân loại, áp mã số hàng hóa thuộc chương 11, nhóm 1104 với mức thuế suất nhập khẩu là 20%. Thế nhưng không hiểu sao, ngày 11/5/2006, sau khi một số doanh nghiệp có văn bản gửi Tổng Cục Hải quan kiến nghị giảm thuế, ông Nguyễn Ngọc Túc (lúc đó là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải Quan đã ký văn bản gửi hải quan các địa phương bóp méo hoàn toàn chính sách thuế đã được Bộ Tài chính ban hành.

Trong Công văn số 2047/TCHQ-GSQL ngày 11/5/2006, ông Túc đàng hoàng chỉ đạo: “Mặt hàng lúa mỳ dạng hạt, đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong, chưa xát vỏ hoặc sơ chế, thuộc chương 10, nhóm 1001”. Và bắt đầu từ đó, lúa mỳ đã tách vỏ ào ào được nhập vào Việt Nam với số lượng ngày càng lớn, khiến cho việc tiêu thụ nguyên liệu nông nghiệp sản xuất trong nước (đặc biệt là nguyên liệu dùng trong chế biến thức ăn chăn nuôi) ngày càng khó khăn và làm méo mó chính sách hỗ trợ nông nghiệp của Nhà nước.

Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2010, lượng lúa mỳ dạng này nhập về Việt Nam đã lên tới 453.000 tấn.

Đánh lận con đen để trục lợi

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, hải quan các địa phương như Hải Phòng, Quảng Ninh... đã sớm phát hiện ra điều bất hợp lý trong hồ sơ nhập khẩu của các doanh nghiệp.

Vấn đề quan trọng là lúa mỳ không thể tự tách vỏ được, mà bắt buộc phải qua chế biến mới tách được phần vỏ trấu. Vì vậy, đã có một số văn bản kiến nghị Tổng cụ Hải Quan hướng dẫn lại.

Cụ thể, ngày 10/3/2008, Cục Hải Quan Quảng Ninh có văn bản số 259/HQQN-NV báo cáo Tổng cục: “Căn cứ Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định số 82/2003/QĐ-BTC ngày 13/6/2003 của Bộ tài chính; Thông tư 85/2003/TT-BTC ngày 29/8/2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc phân loại hàng hóa theo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi ban hành kèm theo Quyết định số 106/2007/QĐ-BTC ngày 20/12/2007 của Bộ Tài chính thì chương 10 không bao gồm: các loại hạt đã xay xát hoặc chế biến khác. Như vậy, mặt hàng lúa mỳ đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong phải được phân loại vào chương 11, nhóm 1104”.

Tuy nhiên, Tổng cục Hải Quan không những không thừa nhận sự phân tích chính xác này, mà vẫn hồi đáp bằng Công văn số 1579/TCHQ-GSQL ngày 7/4/2008 tái khẳng định mặt hàng trên thuộc nhóm 1001, chương 10 với mức thuế suất 5%.

Có thể nói, đây là chiêu bài “đánh lận con đen” hết sức nguy hiểm để bảo trợ cho một số doanh nghiệp nhập khẩu lúa mỳ. Chỉ cần trong hồ sơ khai tên hàng của doanh nghiệp (ví dụ tại Cửa khẩu Móng Cái - Quảng Ninh) ghi rằng: “Lúa mỳ dạng hạt chưa qua xay xát vỏ, chưa qua chế biến, độ ẩm tối đa 12,5%, tạp chất tối đa 1%, hạt khác màu tối đa 5%...” là đã có thể đáp ứng theo “tiêu chuẩn thuế suất 5%” đã được ông Nguyễn Ngọc Túc “mớm” sẵn tại văn bản số 2047: “Lúa mỳ dạng hạt, đã tách phần vỏ trấu ngoài, còn vỏ lụa bên trong, chưa xát vỏ hoặc sơ chế...”.

Điều đó có nghĩa là, chỉ cần gài 6 chữ “chưa xát vỏ hoặc sơ chế” vào một công văn, ông Túc đã giúp cho các doanh nghiệp nhập khẩu lúa mỳ “tiết kiệm” được 15% thuế suất. Tình trạng này kéo dài liên tục trong 4 năm, từ ngày 11/5/2006 đến ngày 19/5/2010, khi Tổng cục Hải Quan có văn bản số 2594/TCHQ/GSQL do ông Nguyễn Văn Cẩn, Phó tổng cục trưởng ký áp lại mã thuế thì việc thất thu ngân sách mới chấm dứt.

Đến nay, vẫn chưa ai có thể tính được hết thiệt hại do văn bản số 2047 gây ra. Chỉ biết thống kê của hải quan các địa phương trong 5 tháng đầu năm 2010 cho thấy, số thuế thu từ 453.000 tấn lúa mỳ nhập khẩu với mức thuế suất 5% đã là 801,4 tỷ đồng. Nếu tính đúng, tính đủ theo mức thuế suất 20%, thì số thuế thu được sẽ phải là hơn 3.200 tỷ đồng.

Như vậy có thể thấy con số thất thu trong một thời gian ngắn đã lên tới 2.400 tỷ đồng. Nếu tính cả 4 năm áp sai thuế suất, con số thất thu sẽ là bao nhiêu? Điều này cần phải có một cuộc điều tra toàn diện mới có thể làm rõ được.

P.V