Bộ Công thương lý giải vì sao "bí mật" tăng giá xăng dầu

02/04/2013 07:18
Hà Nhi
(GDVN) - Giải thích cho việc xăng tăng giá một cách đột biến mà không được thông báo trước vào ngày 28/3 vừa qua, Vụ Thị trường trong nước cho hay: Bí mật thông tin xăng tăng giá nhằm tránh hiện tượng người bán lợi dụng găm hàng, đầu cơ.
Từ 20 giờ ngày 28/3/2013, theo quyết định của liên bộ Tài chính - Công Thương đã thống nhất điều chỉnh giá bán xăng dầu tăng 362-1.430 đồng/lít, xăng điều chỉnh tối đa 1.430 đồng/lít, đẩy giá bán lẻ xăng A92 lên mức cao kỷ lục. Nhiều chuyên gia kinh tế, người dân, doanh nghiệp sản xuất ngỡ ngàng.
Lý giải về việc tăng giá đầy bất ngờ này, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2013 của Bộ Công thương chiều ngày 1/4, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương Võ Văn Quyền cho biết: Việc tăng giá xăng dầu bất ngờ (tối ngày 28/3), không được báo trước là hoàn toàn theo quy định hiện hành.
Giải thích cho việc xăng tăng giá một cách đột biến mà không được thông báo trước vào ngày 28/3 vừa qua, Vụ thị trường trong nước: Mục đích để tránh hiện tượng người bán lợi dụng găm hàng, đầu cơ.
Giải thích cho việc xăng tăng giá một cách đột biến mà không được thông báo trước vào ngày 28/3 vừa qua, Vụ thị trường trong nước: Mục đích để tránh hiện tượng người bán lợi dụng găm hàng, đầu cơ.

"Hiện nay các quy định về việc tăng giá, giảm giá, các tài liệu cơ quan liên bộ trao đổi với nhau và với các doanh nghiệp đều là tài liệu mật, tránh tình trạng ảnh hưởng tới thị trường, lạm dụng thị trường để gom hàng đầu cơ, tạo sự khan hiếm” – ông Quyền nói.

Trên thực tế, trong không ít các đợt tăng giá, khi thông tin bị nghe ngóng, rò rỉ ra ngoài, nhiều đại lý kinh doanh xăng dầu đã viện mọi lý do để đóng cửa chờ ngày tăng giá. 
Trong thời gian tới, “làm thế nào để đảm bảo tính minh bạch mà không tạo ra sự đầu cơ hay gom hàng là điều mà chúng ta phải tính tới” – ông Quyền nhấn mạnh. 
Mặc dù Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ đã có thông cáo báo chí giải thích rõ ràng về lý do của việc tăng giá xăng dầu kỷ lục vừa qua, tuy nhiên, tại cuộc họp báo thường kỳ quý I/2013 của Bộ Công thương, vấn đề này vẫn là chủ đề “nóng”, gây sự chú ý của các cơ quan thông tấn báo chí.
Khẳng định không có điều luật nào của pháp luật quy định rằng: khi xảy ra buôn lậu xăng dầu thì tăng giá xăng, nhưng ông Võ Văn Quyền cũng nhấn mạnh: “Liên quan tới điều hành kinh doanh xăng dầu nói chung và các mặt hàng khác nói riêng, tùy vào tình hình kinh tế - xã hội để điều hành, đưa ra mức tăng hoặc giảm cho phù hợp”.
Ông Quyền giải thích thêm: “Chúng ta đang dùng quỹ bình ổn để đảm bảo cho bình ổn kinh tế vĩ mô – an sinh xã hội chống lạm phát, nếu bị xuất lậu xăng dầu thì ảnh hưởng tới nguồn lực của xã hội” .
Do vậy, theo ông Quyền: Việc buôn lậu xăng dầu cũng là một trong những căn cứ liên quan tới việc tăng giá xăng dầu lần này. 
Theo nghị định của Chính phủ, việc chống buôn lậu xăng dầu qua biên giới thuộc trách nhiệm của cảnh sát hải quan, biên phòng, cảnh sát biển. Theo thông tin được tiết lộ từ cơ quan quản lý thị trường, trong vòng 2 tháng tăng cường kiểm tra, kiểm soát vừa qua, cảnh sát biển đã bắt giữ 917.000 lít xăng, 92.000 lít dầu. 
Mặc dù tình trạng buôn lậu xăng dầu tăng, tuy nhiên, cách đây đúng 3 ngày, trong buổi họp báo thường kỳ tháng 3/2013, Bộ trưởng Vũ Đức Đam - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đã khẳng định: “không phải vì chống buôn lậu mà tăng giá xăng”.
"Đây chỉ là một trong những nguyên nhân của quyết định tăng giá lần này, chứ không phải duy nhất", Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công thương cũng đồng tình với quan điểm trên.
Tháng 3, xăng dầu nhập khẩu tăng 23% so với tháng trước

Theo thống kê của Bộ Công thương, ước lượng xăng dầu nhập khẩu tháng 3 đạt 600.000 tấn, tương đương 584 triệu USD, tăng 23% so với tháng trước. Lượng nhập khẩu 3 tháng năm 2013 đạt 1.577 nghìn tấn, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2012.

Trả lời câu hỏi của báo giới có hiện tượng găm hàng trước khi tăng giá xăng dầu trong nước, ông Quyền cho hay, hiện cơ chế đang tạo thị trường cạnh tranh, doanh nghiệp phải đảm bảo dự trữ đủ 30 ngày căn cứ vào cách tính giá 30 ngày.

“Tuy nhiên, doanh nghiệp nhập vào lúc nào, thời điểm nào, số lượng bao nhiêu là doanh nghiệp phải tự quyết định theo cơ sở dự đoán của mình. Nếu doanh nghiệp mua cao, sau đó giá thế giới xuống thì sẽ bị lỗ, còn nhập thấp, giá thế giới lên, doanh nghiệp sẽ được lợi” – ông Quyền lưu ý.

Như vậy, doanh nghiệp nhập khẩu nhiều hay ít thì lỗ hay lãi phải tự chịu trách nhiệm.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hà Nhi