Choáng với đám cưới, đám tang "chơi ngông" của giới nhà giàu TQ

19/02/2012 11:51
Một cặp đôi ở Sơn Tây, Trung Quốc sử dụng tới 15.000 tờ tiền 100 nhân dân tệ (tương đương hơn 230.000 USD) để làm thảm lót đường cho cô dâu chú rể. Một gia đình chi tới gần 1 triệu đôla để tổ chức đám tang...

Khi đoạn video quay lại cảnh này được đưa lên mạng, một làn sóng chỉ trích dữ dội đã bùng lên. Dư luận cho rằng việc này là quá sức xa xỉ và đặt câu hỏi vì sao con trai một chủ tịch xã lại có nhiều tiền đến như vậy. Dù rằng sau đó, cặp vợ chồng này đã lên tiếng giải thích rằng đó chỉ là tiền giả, thực chất là giấy được in giống tiền mà thôi, thì những người phản đối vẫn cho rằng hành động chà đạp lên tiền bạc đó là rất đáng kết tội.
Meimei lôi chiếc Maserati trắng ra chưng diện.
Meimei lôi chiếc Maserati trắng ra chưng diện.
Theo thống kê của tạp chí Hurun, người giàu ở Trung Quốc đang gia tăng nhanh chóng. Chỉ trong vòng hai năm, số tỷ phú đôla ở nước này đã tăng hơn gấp đôi từ 130 người năm 2009 lên 271 người năm 2011, và giờ họ là nước có số lượng tỷ phú nhiều thứ hai trên thế giới, sau Mỹ.

Tuy nhiên, kèm với đó là sự bất bình đẳng trong thu nhập khi khoảng cách giàu nghèo ở nước này ngày một gia tăng. Một bộ phận tầng lớp siêu giàu mới nổi lại chỉ thích khoe khoang của cải.

Đầu tiên là việc một cô gái Trung Quốc 20 tuổi tên Guo Meimei khoe những bức ảnh chụp đồ của mình lên mạng xã hội Weibo. Đó là căn biệt thự xa hoa, bộ sưu tập túi xách Hermes, Luis Vuiton cùng một chiếc xe thể thao trắng Maserati. Kể cả chiếc Lamborghini màu cam của bạn trai cũng được Meimei lôi ra chưng diện.

Việc này đã làm dấy lên một làn sóng chỉ trích trong cư dân mạng, nhất là khi họ biết rằng cô đang làm việc cho Hội chữ thập đỏ Trung Quốc. Meimei sau đó đã phải đóng cửa trang blog cá nhân của mình và thừa nhận chỉ có hai chiếc túi LV của cô là thật, còn lại đều là hàng nhái.
Đám cưới sử dụng xe siêu sang.
Đám cưới sử dụng xe siêu sang.
Sau đó là một chuỗi bảy đám cưới sử dụng toàn siêu xe chỉ tính riêng trong năm 2011. Khởi đầu là một đám cưới được tổ chức vào tháng 4/2011 ở Ôn Châu với 4 chiếc Lamborghini, 4chiếc Ferrari, 8 xe Rolls-Royce và 10 chiếc Bentley. Tất cả những chiếc xe này đều được trang trí bằng hoa hồng, có tổng trị giá lên tới hơn 100 triệu nhân dân tệ (tương đương 15,35 triệu USD) và đều là xe của bạn chú rể đang trên đường đi đón cô dâu.

Đám cưới thứ bảy là của một đại gia Bắc Kinh - vốn là thành viên một câu lạc bộ siêu xe - vào tháng 12/2011. Hàng loạt các xe siêu sàng như Rolls-Royce Phantom, vài chiếc Ghost, một nhóm Lamborghini, Porsche, siêu xe Ferrari 458, 599 GTB, Bentley, BMW và Mercedes G-class đã trình làng trong đám cưới này.

Rồi đến cả đám tang cũng là dịp cho nhà giàu phô trương gia sản. Đầu tháng 3/2011, báo chí Trung Quốc lại được dịp xôn xao khi một gia đình đại gia ở Chiết Giang chi ra tới 5 triệu nhân dân tệ (tương đương 770.000 USD) để tổ chức đám tang cho mẹ mình. Họ thuê hẳn sân vận động của một trường cấp 3 tại địa phương, sử dụng chín chiếc limousine Lincoln để chở người thân trong gia đình, thuê 20 ban nhạc với hơn 600 nhạc công để biểu diễn trong buổi lễ.

Chưa hết, toàn bộ sân vận động còn được trải thảm, tất cả cây cối đều được treo hoa trắng và cả một dàn đại bác sơn vàng sẵn sàng bắn hiệu khi quan tài được rước ngang qua. Số người đến tham dự lên tới hàng chục nghìn và thậm chí người tổ chức còn cho lắp đặt hai màn hình lớn cạnh lễ đài để tất cả mọi người đều được chứng kiến tang lễ. Toàn bộ chi phí do năm người con của người quá cố đóng góp, mỗi người 1 triệu nhân dân tệ, và chỉ riêng quan tài đã có giá 500.700 USD.
Đám tang là dịp cho giới nhà giàu phô trương.
Đám tang là dịp cho giới nhà giàu phô trương.
Tất cả những hành động trên được coi là “phụ phẩm” của việc tăng trưởng kinh tế ngoạn mục trong suốt một thập kỷ qua tại Trung Quốc. Chính phủ nước này cũng đang rất đau đầu trong việc giải quyết tình trạng khoe của và thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trong xã hội. Tuy nhiên, trong khi nền kinh tế toàn cầu còn đang suy thoái, và nước này lại đang hướng đến một mô hình kinh tế phát triển nhờ tiêu dùng, thì việc hạn chế chi tiêu của người giàu vào những mặt hàng xa xỉ lại là hành động không có lợi cho nền kinh tế.

Các chuyên gia xã hội học cho biết phô trương của cải là một hiện tượng rất phức tạp. Nguyên nhân sâu xa từ quá trình lâu dài đấu tranh với cái nghèo và quan niệm của cải càng xa xỉ thì càng chứng tỏ được địa vị xã hội. Giáo sư Hu Xingdou của Viện công nghệ Bắc Kinh nhận xét, khoe của chỉ chứng tỏ sự phát triển kinh tế của Trung Quốc vẫn chưa được lâu dài và tâm lý tiêu dùng của người dân vẫn chưa chín chắn.

"Ở đây, người ta coi của cải là thước đo duy nhất của địa vị xã hội. Đồ đắt tiền sẽ làm tăng sự tự tin cho bản thân, cái đó còn quan trọng và ý nghĩa hơn cả chứng minh thư nữa", ông nói.

Theo Vnexpress