Chưa cắt điện luân phiên, hàng tích điện đã tăng giá đến 40%

19/04/2011 15:30
(GDVN) – Thời tiết những ngày này vẫn chưa thực sự nóng, lịch cắt điện luân phiên cũng chưa diễn nhưng thị trường máy phát điện và thiết bị tích điện tại Hà Nội đã "sốt xình xịch".

(GDVN) – Thời tiết những ngày này vẫn chưa thực sự nóng, lịch cắt điện luân phiên cũng chưa diễn nhưng thị trường máy phát điện và thiết bị tích điện tại Hà Nội đã "sốt xình xịch" bởi sức mua của người tiêu dùng. 

>> Phát hoảng với giá điện 12.000 đồng/Kwh

>> Xe máy chính hãng “second hand” đắt hàng thời bão giá

Đắt hàng máy phát điện có thương hiệu

Trên các tuyến phố: Phùng Hưng, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Văn Cừ… các loại đèn sạc, quạt sạc, máy tích điện, máy phát điện hiện đang được bày bán la liệt với mẫu mã đa dạng, chủng loại phong phú. Nắm bắt được tâm lý lo sợ lịch cắt điện do thiếu điện của Tổng Công ty điện lực Hà Nội, các cửa hàng, đại lý đồ điện đã chuẩn bị từ trước mùa nóng vài tháng trước.

Theo các chủ cửa hàng, năm nay các thiết bị tích điện tăng giá từ 10-40% so với năm ngoái. Mặt hàng bán chạy nhất là đèn sạc điện, chủ yếu là bóng đèn Led có thời gian sử dụng từ 7 – 15 giờ. Theo đó, hàng Trung Quốc có giá từ 200.000 – hơn 500.000 đồng/bộ. Loại đèn sạc cao cấp nhất hiện có trên thị trường là hàng Việt Nam chất lượng cao của Lioa và Rạng Đông, có giá hơn 900.000 đồng/bộ. Theo chị Hoàng Yến, chủ cửa hàng đồ điện trên phố Phùng Hưng, đèn sạc của Trung Quốc đã tăng giá 10-20%, riêng hàng Việt Nam tăng từ 15 – 30% so với năm ngoái.

Lịch cắt điện luân phiên chưa thực sự diễn ra nhưng thị trường máy phát điện và thiết bị tích điện tại Hà Nội đã sốt xình xịbởi sức mua của người tiêu dùng.
Lịch cắt điện luân phiên chưa thực sự diễn ra nhưng thị trường
máy phát điện tại Hà Nội đã sốt xình xịch. Ảnh minh họa.

Quạt sạc năm nay cũng đã rất đông người mua, đa số là những gia đình có thu nhập thấp bởi giá cả phải chăng, phù hợp với túi tiền người lao động.  Bình dân nhất hiện nay là quạt Kenede có giá từ 450.000 – 550.000 đồng/chiếc trong khi đắt nhất là quạt Hikito (950.000 đồng/chiếc), quạt Sunca giá 900.000 đồng/chiéc.

Theo chị Hà, chủ cửa hàng bán đồ điện trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), hút hàng và tăng giá mạnh nhất trong mùa hè năm nay là bộ tích điện. Dù công suất lớn hay nhỏ đều tăng 1 triệu đồng/bộ, theo đó, bộ tích điện hiện có giá từ 3 triệu đến hơn 10 triệu đồng/bộ. Cũng theo chị Hà, bộ tích điện này được nhập toàn bộ từ Trung Quốc.

Cùng với giá các thiết bị tích điện là chất lượng tương ứng của sản phẩm. Trên thị trường đồ tích điện hiện nay, chỉ có hàng Việt Nam được bảo hành từ 6 – 12 tháng còn lại là hàng Trung Quốc không có bảo hành. Chị Thu ở Nguyễn Trãi than thở: năm ngoái, chị mua quạt sạc của Trung Quốc hơn 300.000 đồng/chiếc, chủ cửa hàng bảo đảm quạt này tích điện chạy được 7-8 tiếng, nhưng khi mang về, chỉ chạy được có 3 tiếng, mà dùng được vài lần máy đã hỏng, vì không được bảo hành nên giờ quạt không dùng được nữa. Nhà chị thu nhập thấp nên không đủ tiền mua máy phát điện, vì vậy, năm nay chị lại tiếp tục “nghiến răng” mua chiếc quạt của Nhật gần 1 triệu đồng, bảo hành 12 tháng cho yên tâm.


Cẩn thận với thiết bị tích điện không nguồn gốc


Cùng với sức nóng của thiết bị tích điện, thị trường máy phát điện cũng đang rất nhộn nhịp. Trên các tuyến phố Nguyễn Văn Cừ (Long Biên), phố Huế, Ngô Thì Nhậm, Trường Chinh… những ngày này đã có khá đông khách hàng vào xem, mua hàng. Theo nhận định chung của các chủ cửa hàng điện máy, loại máy phát điện dành cho gia đình được bán chạy nhất là dòng Honda Nhật hoặc liên doanh Nhật và Thái, công suất 2,5 KVA. Trong đó, dòng máy liên doanh của Nhật và Thái Lan có giá phải chăng, chất lượng khá ổn định nên được nhiều gia đình lựa chọn.

Theo khảo giá của chúng tôi, loại máy phát điện 2,5 KVA của Honda nếu là hàng nhập khẩu từ Nhật, giá là 22 triệu đồng/chiếc, hàng liên doanh giữa Nhật Bản và Thái Lan có giá hơn 17 triệu đồng/chiếc và hàng của Việt Nam có giá 12 triệu đồng/chiếc. Cũng cùng công suất, loại Yamaha có giá gần 30, Elemax có giá 22 triệu đồng/chiếc. Loại 5,5 KVA của hãng Honda, tùy theo là hàng của Nhật, hay liên doanh hoặc của Việt Nam mà giá giao động từ 22 đến 52 triệu đồng/chiếc. Máy phát điện của hãng Yamaha công suất 5,5 KVA có giá 35 triệu đồng/chiếc.

dòng Honda hiện đang bán chạy nhất trên thị trường bởi độ bền và tiết kiệm xăng
Máy phát điện của Honda hiện đang bán chạy trên thị trường bởi
độ bền và tiết kiệm xăng. Ảnh: K.T

Chị Trần Thị Thoa, phụ trách đại lý Tín Thịnh trên phố Ngô Thì Nhậm tư vấn: dòng Honda hiện đang bán chạy nhất trên thị trường bởi độ bền và tiết kiệm xăng (máy phát điện 2,5KVA của Honda chạy 1 tiếng hết 1,2 lít xăng, theo đó, công suất lớn hơn sẽ tốn nhiều xăng hơn). Đây là dòng máy có giá bình dân tiết kiệm xăng nhất trên thị trường hiện nay.

Theo khảo sát của chúng tôi, cùng một hãng Honda với cùng công suất, trong các đại lý lớn, giá của một chiếc máy phát điện từ 12 triệu đồng/chiếc trở lên. Nhưng trong một số cửa hàng nhỏ, giá lại chỉ từ 7,5 – 8,5 triệu đồng/chiếc. Thời gian bảo hành của máy phát điện cũng tỷ lệ thuận với giá của chiếc máy đó. Theo đó, giá của các loại máy đắt tiền được bảo hành khoảng từ 1 năm trở lên, trong khi những loại máy rẻ tiền chỉ được bảo hành 6 tháng.

Anh Cường, chủ cửa hàng Thiết bị điện máy Tiến Cường (Long Biên) cho biết: Hiện nay, có nhiều hàng Trung Quốc làm nhái trà trộn với hàng chính hãng, giá cả rẻ hơn. Rất nhiều khách hàng vì tham rẻ hoặc chưa đi khảo giá đã mua hàng dẫn đến mua phải loại hàng này. Cũng theo anh Cường, nếu dùng những máy phát điện của Trung Quốc, máy phát điện rẻ tiền, nguồn điện sẽ không ổn định, nên tuổi thọ các loại thiết bị điện sẽ nhanh hỏng. Một nhược điểm nữa là máy phát điện của Trung Quốc sẽ ngốn xăng hơn máy phát điện của các hãng tên tuổi trên thị trường máy phát điện.

Bằng mắt thường, những người không có kinh nghiệm không thể phân biệt được máy phát điện nào là hàng chính hãng, máy phát điện của là hàng nhái. Các chủ cửa hàng đều cho rằng, chỉ khi xem bên trong máy, mới có thể phát hiện ra máy có chất lượng cao.

Bởi vậy, khi mua hàng, người tiêu dùng nên lưu ý, mua hàng ở những đại lý tin tưởng, có uy tín, để tránh mua phải hàng kém chất lượng, hàng tồn kho, hàng Trung Quốc nhưng được gắn mác hàng chính hãng.

Khắc Trung

>> Phát hoảng với giá điện 12.000 đồng/Kwh

>> Xe máy chính hãng “second hand” đắt hàng thời bão giá

>> Người giàu vẫn phải "khóc" ở The Manor, Sky City...

>> Rùng mình xem tiêu hủy hàng trăm tấn thịt lợn “bẩn”