Chuyên gia kinh tế: "Xăng lại tăng giá à?"

14/08/2012 11:27
Hà Nhi (Tổng hợp)
(GDVN) - Không ít các nhận định, đánh giá cũng như các giải pháp điều hành thị trường xăng dầu đã được các chuyên gia "mổ xẻ". Tuy nhiên, tới lần tăng giá lần này, họ chỉ còn biết "bó tay", ngạc nhiên thốt lên: Lại tăng giá à?!
Tính tổng thể từ đầu năm cho đến thời điểm hiện tại, giá xăng dầu trong nước đã có 9 lần điều chỉnh với 4 lần tăng và 5 lần giảm. Thực tế cho thấy tổng số 4 lần tăng, giá xăng tăng tới 4.300 đồng/ lít, trong khi sau 5 lần giảm, mức giá chỉ hạ xuống 3.200 đồng. Số lần giảm nhiều hơn nhưng cũng chỉ bằng 2/3 số tiền của các lần tăng giá.Xăng tăng giá, chuyên gia: “Lại tăng nữa à”? Giá xăng tăng, các chuyên gia kinh tế khá bất ngờ dù trước đó, một số doanh nghiệp đã rậm rịch lên kế hoạch xin điều chỉnh giá xăng dầu với lý do chênh lệch giữa giá cơ sở và giá bán lẻ lên tới 700 đồng -1.300 đồng mỗi lít. Khi được hỏi, các chuyên gia hỏi ngược: “Lại tăng nữa à?”.
Chuyện điều chỉnh giá của xăng dầu không còn xa lại với người dân Việt Nam.
Chuyện điều chỉnh giá của xăng dầu không còn xa lại với người dân Việt Nam.
Còn nhớ năm 2008, mức tăng kỷ lục của thị trường xăng lên tới 4.500 đồng mỗi lít. Giá xăng tháng 3 vừa qua cũng tăng gần gấp ba đợt điều chỉnh ngày hôm nay (1.100 đồng/lít). Chia sẻ với Đất Việt, TS Lê Duy Hiếu (Viện Kinh tế Việt Nam) nhận xét: nếu như trước đây, việc giá xăng tăng được coi như một "cú sốc" đối với nền kinh tế, thì dần dà, việc xăng, dầu tăng giá đã không còn là câu chuyện khiến người dân và doanh nghiệp quá quan tâm như trước nữa. Thậm chí, có những thời điểm xăng, dầu "tăng nhẹ" từ 500 - 550 đồng, người dân còn tỏ ra rất thờ ơ. Bởi lẽ, họ đã quá quen, quá nhàm chán với cái "điệp khúc" xăng dầu tăng giá.
Chính sách giật cục, thị trường xăng đánh mất niềm tin ở NTD

Chuyên gia Lê Trọng Nhi giải thích, việc tăng giá dồn dập điện, gas và xăng hiện nay thể hiện một chính sách "giật cục", thiếu tính ổn định càng làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn, còn người tiêu dùng thì mất niềm tin vào chính sách.

Và khả năng thời gian tới, chỉ số CPI khó có thể tăng lên, thậm chí vẫn âm vì sức mua sẽ tiếp tục suy yếu. Do đó, ông Nhi cho rằng vấn đề hiện nay không phải là chạy theo những con số chỉ tiêu "vô hồn" mà phải làm sao khôi phục lại niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp.
TS. Ngô Trí Long, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường Giá cả trao đổi với VTC, cho biết: việc các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu liên tục điều chỉnh giá xăng tăng như vậy là điều không nên. Hiện nay, các doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, ngân sách người tiêu dùng hạn chế, nền kinh tế giảm phát, việc tăng giá này ảnh hưởng rất lớn tới cuộc sống của người dân. Hầu hết các chuyên gia kinh tế đều đánh giá: chỉ trong một thời gian ngắn nhưng 3 mặt hàng thiết yếu liên tục tăng là điều bất hợp lý, nhất là trong bối cảnh sức mua người dân suy kiệt, hàng tồn kho cao. Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn: động thái điều chỉnh điện trước đó, nay là xăng và gas chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến giá cả nhiều mặt hàng trong thời gian tới. Bởi, giá xăng dầu, điện chính là nguyên liệu đầu vào tác động trực tiếp tới chi phí sản xuất của hầu hết các ngành. "Đầu vào tăng sẽ dẫn đến sự điều chỉnh tăng chi phí và giá cả các yếu tố cấu thành hàng hóa-dịch vụ 'sản phẩm đầu ra'", ông Sơn lo ngại bày tỏ với phóng viên VNE.Tăng nhiều, giảm ít, thị trường xăng dầu “bất bình đẳng" Từ đầu năm 2012, giá xăng tăng 4 lần và giảm 5 lần. Tổng cộng, xăng tăng giá 4.300 đồng và chỉ giảm 3.200 đồng. Với sự tăng đột biến và giảm nhỏ giọt này, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng: Trong điều kiện lạm phát đang diễn biến thuận lợi thì việc tăng giá xăng sẽ không tác động nhiều đến CPI và giúp ngân sách giảm bớt gánh nặng bù lỗ. Ủy ban này cũng cho biết: việc điều chỉnh giá giúp Chính phủ có thêm dư địa điều hành, để khi giá thế giới giảm có thể kết hợp việc hạ giá xăng dầu với tăng giá điện. Khi đó, tác động của việc điều chỉnh giá điện lên lạm phát sẽ được triệt tiêu.
Từ đầu năm 2012, giá xăng tăng 4 lần và giảm 5 lần khiến người tiêu dùng vô cùng thất vọng về cách điều hành, quản lý thị trường của Nhà nước.
Từ đầu năm 2012, giá xăng tăng 4 lần và giảm 5 lần khiến người tiêu dùng vô cùng thất vọng về cách điều hành, quản lý thị trường của Nhà nước.
Tuy nhiên, điều này lại khiến chuyên gia lo ngại về khả năng hình thành "thị trường xăng dầu bất bình đẳng". Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận trên VNE, việc giảm nhỏ giọt vài trăm trong khi tăng mạnh tới suýt soát 1.000 đồng, thậm chí lên tới 2.100 đồng vào thời điểm 7/3 là không công bằng. Khi mặt hàng xăng dầu được điều chỉnh theo giá thị trường, thì đương nhiên, giá trong nước sẽ căn cứ vào thế giới để biến động. Tuy nhiên, với mức "tăng nhiều, giảm ít" sẽ hình thành thị trường thiếu minh bạch. Do đó, theo ông Doanh, việc cần làm là điều chỉnh đúng quy luật. "Thế giới thế nào, trong nước điều chỉnh tương ứng, tránh hiện tượng các doanh nghiệp "bắt tay" câu kết tự định giá xăng dầu khiến người tiêu dùng bị thiệt", ông Doanh nêu quan điểm.
Nên rút ngắn thời gian tính giá xăng dầu + chấm dứt độc quyền

“Thế giới không có chuyện thích lên thì lên, thích xuống thì xuống, họ sẵn sàng cho một loạt công ty tư nhân ra đời, họ được trang bị tận răng, được vay vốn, cấp đất, được nhập khẩu tại gốc, cung cấp phương tiện nhập khẩu, chuyên chở và có thể ngay hôm sau có xăng dầu bán trên thị trường thì tập đoàn nào dám độc quyền? Họ phải có những chính sách để điều tiết thị trường chứ không phải tính bằng giá cơ sở như ở Việt Nam” - TS Lê Duy Hiếu chia sẻ trên Đất Việt.

Ông Hiếu cho rằng: muốn chấm dứt câu chuyện “xăng tăng giá” chỉ có cách duy nhất là chấm dứt độc quyền. Tuy nhiên, để kiểm soát độc quyền, phải có công cụ, có chính sách và rất nhiều những điều kiện kèm theo mà điều này chúng ta lại thiếu.

TSKH Nguyễn Thị Hiền cũng bất bình với công thức tính giá cơ sở đối với xăng dầu lấy bình quân 30 ngày. Trên báo Hải quan, bà giải thích: giá thế giới biến động hàng ngày, trong khi ở trong nước tính trung bình 30 ngày làm căn cứ để điều chỉnh là không phù hợp với thị trường.

Do đó, cơ quan quản lí Nhà nước cần rút ngắn thời gian đó lại để giá xăng dầu trong nước diễn biến sát với giá thế giới. Theo tôi, sửa công thức này với thời gian ngắn hơn, ví dụ rút xuống còn 10-15 ngày sẽ giúp tần suất điều chỉnh giá linh hoạt và dần bám sát giá thế giới.
Hà Nhi (Tổng hợp)