Chuyển hướng bán đồ gia dụng, ông chủ Nguyễn Kim đang gặp khó?

09/09/2013 11:56
Hồng Minh
(GDVN) - Chuyển hướng bày bán thêm nhiều mặt hàng tiêu dùng, đồ dùng nhà bếp, bột giặt, dầu gội đầu, nước xả vải… nhiều người trong giới kinh doanh điện máy cho rằng siêu thị điện máy Nguyễn Kim đang gặp khó khăn...
Nguyễn Kim được biết đến là nhà bán lẻ lớn nhất Việt Nam trong lĩnh vực điện tử, điện máy với hơn 21 cửa hàng điện máy trên toàn quốc. Tuy nhiên, những ngày qua thông tin Nguyễn Kim chuyển hướng kinh doanh thêm các gian bán hàng tiêu dùng trong cửa hàng điện máy khiến người trong giới khá bất ngờ. Việc chuyển hướng kinh doanh này được lý giải là do khó khăn của thị trường điện máy.  Chủ nhân thương hiệu Nguyễn Kim - ông Nguyễn Văn Kim được xem là vị doanh nhân Việt khá kín tiếng. Sinh năm 1969, ông Nguyễn Văn Kim là con út trong gia đình có 5 anh chị em. Hiện tại người chị của ông Kim là Nguyễn Thị Ánh cũng đang nắm giữ 3,4% cổ phần của Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim (đơn vị quản lý kinh doanh chuỗi hệ thống bán lẻ điện máy). Ông Kim lấy vợ là bà Nguyễn Thị Tuyết Minh và có 4 người con.
Bên cạnh gian hàng điện máy, Nguyễn Kim sẽ kinh doanh sản phẩm hàng tiêu dùng.
Bên cạnh gian hàng điện máy, Nguyễn Kim sẽ kinh doanh sản phẩm hàng tiêu dùng.
Ông Nguyễn Văn Kim hiện là chủ nhân hai thương hiệu cùng lấy tên Nguyễn Kim bao gồm: Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim, quản lý chuỗi cửa hàng điện máy Nguyễn Kim và đầu tư vào một số công ty dược cùng Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim chủ yếu được biết đến với những khoản đầu tư vào các công ty lương thực (kinh doanh gạo). Cả hai công ty đều có vốn điều lệ 800 tỷ đồng.
Trong đó tỷ lệ nắm giữ cổ phần của ông Nguyễn Văn Kim và vợ tại Công ty CP Thương mại Nguyễn Kim là 46,4%, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim là 46,6%. Năm 2013, ông Nguyễn Văn Kim bắt đầu tham gia Hội đồng quản trị một loạt công ty mà Nguyễn Kim đầu tư vào như Công ty CP Docimexco (FDG), Công ty CP Xuất nhập An Giang - Angimex (AGM); Công ty CP Lương thực Vĩnh Long (VLF); Công ty CP Hoàn Mỹ và Công ty CP Sài Gòn Lương thực. Tỷ lệ bỏ vốn của Nguyễn Kim vào các đơn vị này khá lớn, cụ thể Nguyễn Kim đang nắm giữ 48,34% cổ phần Docimexco; 50.33% cổ phần của Angimex; 23,35% Công ty CP Lương thực Vĩnh Long (VLF). Với việc bỏ vốn vào một loạt công ty lương thực, ông Nguyễn Văn Kim đang xây dựng một đế chế các công ty dưới trướng Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim để chuyên kinh doanh xuất nhập khẩu lương thực (kinh doanh gạo). Trong con sốt gạo những năm 2008, các công lương thực dưới trướng của Nguyễn Kim đều lãi đậm, trong đó Angimex lãi đến gần 200 tỷ. Tuy nhiên, sau đó lợi nhuận giảm và ổn định trong 3 năm 2009-2011. Đến năm 2012, lợi nhuận lại sụt giảm rất mạnh so với giai đoạn trước. Đáng chú ý, Docimexco hiện đang lỗ nặng do việc đầu tư vào một số lĩnh vực như thủy sản và vật tư nông nghiệp.

Ngoài việc đầu tư vào các công ty lương thực, Nguyễn Kim còn là cổ đông lớn của 2 công ty dược là Dược phẩm 3/2 (FT Pharma) và Dược Lâm Đồng. Với tỷ lệ cổ phần tại FT Pharma là 37,68% và Dược Lâm Đồng 36,44%, Nguyễn Kim đang thể hiện tham vọng đầu tư kinh doanh mặt hàng dược phẩm.

Riêng về chuỗi cửa hàng siêu thị bán lẻ điện máy những năm qua việc kinh doanh của Nguyễn Kim vẫn ổn định phát triển. Vừa qua Nguyễn Kim được Tạp chí Retail Asia xếp đứng thứ 3 trong top 10 nhà bán lẻ hàng đầu Việt Nam, đứng sau Saigon Co.op và SJC, với doanh thu năm 2012 đạt khoảng 9.000 tỷ đồng. Trước đó năm 2011, doanh thu của CTCP Thương mại Nguyễn Kim đạt 6.400 tỷ đồng, với lợi nhuận sau thuế đạt 320 tỷ đồng, bỏ xa những doanh nghiệp kinh doanh điện máy khác.

Theo nhiều ý kiến, việc các công ty lương thực dưới trướng Nguyễn Kim làm ăn thua lỗ cộng với tình hình cạnh tranh của thương hiệu điện máy trên thị trường khiến việc kinh doanh của Nguyễn Kim ngày một khó khăn. Cụ thể, Nguyễn Kim đã đóng cửa chuỗi cửa hàng điện máy Thế giới số 24G tại TP.HCM. Đây là nguyên nhân lý giải tại sao Nguyễn Kim đã phải tính đến việc mở rộng kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng.

Nói về việc chuyển hướng này, ông chủ Nguyễn Kim cho biết đây là chiến lược kinh doanh mới. Trước mắt, các mặt hàng bày bán nhằm thăm dò thị trường. Năm 2012, Nguyễn Kim cũng đã đưa vào khai thác trung tâm kinh doanh ở Q.Thủ Đức TP.HCM theo mô hình mới với khu ẩm thực, rạp chiếu phim, khu trò chơi…

Trong khi đó theo nhận định thị trường điện máy năm 2013 sẽ tiếp tục khó khăn, thậm chí tiếp tục sụt giảm 10% so với năm 2012. 
Hồng Minh