Chuyện 'khôn', 'dại' năm 2012 của doanh nhân Việt

09/02/2013 10:48
Theo Cafebiz
Thử tưởng tượng doanh nghiệp giống như một hòn bi, dù ngôi nhà có sụt đi nữa thì hòn bi không bẹp đâu. Vậy thì làm thế nào để mình vững chắc như một hòn bi?
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, 2012 quả là một năm khó khăn về kinh tế của Việt Nam. Số doanh nghiệp (DN) phá sản không ngừng gia tăng, số còn trụ lại cũng hoạt động cầm chừng theo kiểu chờ thời. Nhiều tập đoàn lớn cũng lâm vào cảnh nợ nần do hậu quả từ đầu tư đa ngành. Lĩnh vực sản xuất nội địa cũng tăng trưởng chậm, thất nghiệp gia tăng, hệ thống ngân hàng suy yếu… Sự thật khó chối cãi này như những đám mây xám che phủ bầu trời kinh tế năm 2012.
Các chuyên gia tại buổi tọa đàm.
Các chuyên gia tại buổi tọa đàm.
Từ “cười nhưng trong lòng rất đau đớn” Tại buổi tri ân các chuyên gia trước thềm năm mới của Câu lạc bộ Millionaire House (Ngôi nhà triệu phú), các vị khách mời của chương trình: Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu – thành viên HĐQT Ngân hàng An Bình, ông Trần Văn Nghĩa – chuyên gia đào tạo nhân sự, nguyên Giám đốc Marketing của Yamaha, Tiến sĩ Phan Tất Thứ - chuyên gia tư vấn chiến lược, Giám đốc Công ty KNV, ông Nguyễn Văn Tuấn – chuyên gia thương mại điện tử TMĐT, Giám đốc TMĐT Công ty Cổ phần Truyền thông Việt Nam – VC Corp, ông Hoàng Anh Tuấn – Giám đốc Hiệp hội Marketing miền Bắc, ông Phan Văn Minh – CEO Thiện Việt và nhiều doanh nhân khác đã có buổi trao đổi thân mật những trải nghiệm cá nhân và đưa ra góc nhìn chân thực về tình hình năm qua. Tiến sĩ Phan Tất Thứ, doanh nhân làm việc trong lĩnh vực đào tạo, tư vấn DN, chia sẻ: “Năm 2012, nhiều DN nhận ra mình làm việc quá lung tung, không có giá trị cốt lõi. Ngay cả trong lĩnh vực giáo dục, năm 2002 tôi đưa ra triết lý: muốn sống trong lĩnh vực đào tạo phải xây dựng mô hình riêng của người Việt Nam, đừng chạy sang nước ngoài trả tiền nhiều cho Tây rồi cuối cùng trả giá đắt. Thực tế, lĩnh vực của chúng tôi nhiều công ty chết kinh khủng. Hoặc là bây giờ cười nhưng trong lòng rất đau đớn. Bởi sự thực khi không có mô hình, không có giá trị cốt lõi người ta dùng một thời gian sẽ rất chán, bị phá giá nghiêm trọng”.
Ông Phan Tất Thứ: "Muốn sống trong lĩnh vực đào tạo phải xây dựng mô hình riêng của người Việt Nam, đừng chạy sang nước ngoài trả tiền nhiều cho Tây rồi cuối cùng trả giá đắt".
Ông Phan Tất Thứ: "Muốn sống trong lĩnh vực đào tạo phải xây dựng mô hình riêng của người Việt Nam, đừng chạy sang nước ngoài trả tiền nhiều cho Tây rồi cuối cùng trả giá đắt".
Ông Thứ tâm sự cái “được” lớn nhất trong năm vừa qua là ông nhận ra một DNVN muốn sống sót cần
những yếu tố gì. Khi tư vấn, nhiều DN nói rằng: Có lẽ nhờ khủng hoảng mới nhận ra được mình. “Giống như khi gặp khó khăn ta phát hiện đâu là bạn, những lúc khủng hoảng thế này ta chợt thấy rất nhiều DN làm ăn gian dối đã bộc lộ. Năm 2005-2006, chúng ta không nhận ra những DN làm ăn gian dối đâu. Bởi họ gian dối nhưng vẫn phát triển nên chúng ta cứ tưởng họ là đại gia, họ là những vĩ nhân nhưng sự thật không phải như vậy”, ông nói. “Năm 2013 chính là thời điểm để nhìn rõ DN nhất. Nếu nhận ra DN tốt, nếu đầu tư đúng cách ngay từ bây giờ, nhiều khả năng bạn sẽ thắng lớn vào những năm tiếp theo”, ông Thứ nói thêm.…đến “dịch chuyển nhanh Cùng chia sẻ về cái “được” trong năm 2012, ông Nguyễn Văn Tuấn – Giám đốc TMĐT VC Corp, thừa nhận năm vừa qua đi đâu cũng nghe DN kêu khó. Song với VC Corp, ban lãnh đạo công ty đã xác định rõ ngay từ đầu là có thể chiến thắng trong thời kỳ khủng hoảng nếu biết tận dụng thời cơ. “Ngay từ hồi thành lập công ty, chúng tôi đã có tư duy “dịch chuyển nhanh”. Trong năm 2012, đầu năm chúng tôi mới có hơn 800 nhân sự. Năm 2012 với tư duy thời buổi chúng ta không thể nắm chắc sẽ đánh tốt ở mảng nào, nên khi nhìn thấy cơ hội chúng tôi đều thử. Quả thực 2012 là thời điểm chúng tôi thử nghiệm các chiến lược mới, bài toán mới và ngay lập tức nhân sự tăng lên gần 1.600 người (gần gấp đôi), đồng thời mở rộng quy mô nhiều dự án, thử nghiệm hết các mảng về TMĐT, quảng cáo, game, media, nội dung số. Năm tài khóa kết thúc vào tháng 2 nhưng tính đến nay công ty đã đạt gần 90% mục tiêu đề ra”, ông Tuấn cho biết. Thực tế trên cho thấy, rõ ràng khủng hoảng không hẳn đã kéo tất cả các DN xuống. Nếu biết nhận định chiến lược DN vẫn có thể thành công. “Điều gì không dám chắc chúng ta cứ thử, nhưng nếu thấy tín hiệu không tốt ngay lập tức chúng ta đập bỏ và làm cái khác. Trường hợp thấy tín hiệu tốt, chúng ta tập trung nguồn lực đánh nhanh, đánh mạnh, trong khi các đối thủ còn đang lo sợ, hoang mang”, ông nói thêm. Ông Tuấn tiết lộ, đây là bài học lớn nhất mà VC Corp đã có được trong năm 2012. Tư duy biến khủng hoảng thành cơ hội cũng được ông Trần Văn Nghĩa, Giám đốc Marketing Yamaha toàn cầu minh họa bởi một câu chuyện thành công của mình. Ông từng gợi ý một học viện doanh nhân mở khóa học “Kỹ năng thu hồi công nợ”. Quả nhiên nguồn thu chủ yếu từ khóa học này đã giúp nuôi sống DN đến cuối năm. “Kinh tế khó khăn, nợ nần nên nhiều người có nhu cầu đi đòi nợ. Khóa học này chiêu sinh rất dễ, mà đắt, cứu được cả DN”, ông nói.Những cái “dại” trong cuộc sống Có nhiều con đường “đưa đẩy” mỗi người đi đến những lựa chọn khác nhau trong sự nghiệp. Với Bà Đoàn Thu Nga, một trong 5 luật sư tiêu biểu của Việt Nam năm 2010 chính là “nghề chọn người” sau khi nhìn lại những bước thăng trầm mang tính bước ngoặt trong cuộc sống của mình. Còn ông Tuấn, với bản tính thích có được những trải nghiệm khác biệt, sau những cú vấp trên thương trường, cho rằng những quyết định có thể khiến bản thân thất bại nhưng để lại những kinh nghiệm không trường lớp nào có được. Bất luận “người chọn nghề” hay “nghề chọn người” thì hẳn là những doanh nhân có mặt tại khán phòng ngày hôm đó phải là người dám nghĩ, dám làm, dám thất bại. “Tôi nghĩ cái chúng ta “được” là sự hiện diện của chúng ta ngày hôm nay. Nếu chúng ta không có sức mạnh, sức sống có lẽ chúng ta đã không ở đây. Chắc chắn có những doanh nhân thành công trong năm vừa rồi, nhưng cũng có nhiều anh chị gặp khó khăn rất lớn. Nhưng nếu vì những khó khăn trong doanh nghiệp, chúng ta thối chí, rút lui có lẽ là điều sầu thảm nhất trong cuộc đời: chúng ta đã bỏ cuộc”, tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu nói. Đồng tình với ông Hiếu, một doanh nhân phát biểu: “Đại tướng Võ Nguyên Giáp ba lần kéo pháo ra mới đánh thắng Điện Biên Phủ. Như vậy, phòng thủ là tiền đề cho thắng lợi. Doanh nhân giống con lật đật, khi đổ xuống lại lật lên thì chắc chắn cuối cùng sẽ thành công". “Khi gặp một số chủ DN vừa và nhỏ, đôi khi tôi phải nói với họ rằng: nhiều khi các anh cứ nghĩ mình to thành ra các anh mới cho rằng mình bị ảnh hưởng lớn bởi khủng hoảng. Anh cứ tưởng tượng mình giống như một hòn bi, dù ngôi nhà có sụt đi nữa thì hòn bi không bẹp đâu. Vậy thì làm thế nào để mình vững chắc như một hòn bi. Và để quản lý công ty cho tốt, bạn phải biết đâu là cốt lõi, cái gì là sự sống ở DN mình”, ông Thứ nói thêm. Bản thân ông Thứ cũng thú nhận vấp không ít sai lầm, ông cho đấy là “cái dại trong cuộc sống”. Cái dại lớn của một con người nhất theo ông là không biết mình dại chỗ nào, vì con người ta thường cho là mình đúng. Một cái dại nữa là để vuột mất cơ hội kinh doanh của mình. Tuy nhiên, nhận ra cái dại của mình cũng là lúc con người bắt đầu trưởng thành và tiến gần hơn đến những mục tiêu cao hơn.
Đôi nét về Câu lạc bộ Millionaire House

Tháng 11/2010, sau khi khóa học Millionaire Mind Intensive của diễn giả T. Harker tại Singapore kết thúc được hai tuần, Millionaire House được thành lập với 6 thành viên đầu tiên. Họ là những doanh nhân 8X trẻ tuổi nhưng đã sở hữu một hệ thống kiếm tiền đáng nể. Hiện nhóm đã có 22 thành viên được cấp chứng nhận, hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Chủ tịch câu lạc bộ là ông Đinh Khắc Tuấn (CEO Công ty Dịch thuật CNN).

Mục tiêu của nhóm là kết nối những người có hoài bão lớn, có khát vọng làm giàu, tạo thành cộng đồng tạo ra nhiều triệu phú đô la lớn nhất Việt Nam. Nhóm hướng đến việc lập một ngôi nhà triệu phú hạnh phúc, xây dựng bản sắc văn hoá cộng đồng triệu phú Việt Nam.

Tiêu chí kết nạp của nhóm: thành viên muốn tham gia phải làm chủ một hệ thống kiếm tiền, có thể là một doanh nghiệp, sản phẩm trí tuệ, hệ thống website,…; hiểu về văn hóa của nhóm; có khao khát làm giàu và được thành viên cũ giới thiệu. Hiện nhóm đang phấn đấu mỗi tháng đều kết nạp thêm hai thành viên mới. Dự định đến năm 2013, số lượng thành viên của nhóm là 46 người. Trong đó, có ít nhất 10 người trở thành triệu phú đô la.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Cafebiz