Cốm Vòng, thực phẩm nhiễm hóa chất, NTD khủng hoảng niềm tin

26/09/2011 13:27
(GDVN) - Trước quá nhiều thông tin về thực phẩm chứa chất độc hại, mập mờ nhãn mác, cụm từ "thực phẩm không an toàn" đang trở thành nỗi ám ảnh với NTD.
Vấn đề đặt ra ở đây là chính người tiêu dùng đang khủng hoảng niềm tin đối với sản phẩm. Từ hàng nhái đến thực phẩm tự sản xuất giá siêu rẻ thậm chí hàng hóa bày bán trong siêu thị mập mờ thông tin trên nhãn mác,… đến món ăn tưởng chừng tinh khiết như cốm Vòng cũng bị nhuộm phẩm màu khiến người tiêu dùng (NTD) thực sự hoang mang khi không biết đặt niềm tin nơi đâu.
Kinh hoàng tương ớt bẩn giá siêu rẻ 6.000đồng/lít

Trong thời buổi thực phẩm chế biến sẵn được sản xuất tràn lan, không theo bất cứ sự quản lý, tiêu chuẩn nào - cụm từ "thực phẩm không an toàn" đang trở thành nỗi ám ảnh đối với người tiêu dùng.
Chậu tương ớt như nồi cám lợn, ngoáy bằng đòn gánh và không cần che đậy.
Chậu tương ớt như nồi cám lợn, ngoáy bằng đòn gánh và không cần che đậy.

Mặc dù đã nghe nói nhiều nhưng nhìn những hình ảnh sản xuất tương ớt bẩn mới bị cơ quan chức năng phanh phui dưới đây, chắc chắn không còn khách hàng nào dám cho thứ gia vị này vào bát bún, phở mặc dù không khỏi cảm giác "thiếu thiếu thứ gì đó".

Theo đó, khi lực lượng chức năng tổ chức kiểm tra cơ sở sản xuất tương ớt của Dương Văn Đình tại tiểu khu Phú Mỹ (H.Phú Xuyên, TP. HN), những người có mặt tại đó  không khỏi rùng mình kinh sợ trước loại tương ớt được sản xuất tại cơ sở này.

Các trinh sát đã phát hiện một nồi tương ớt thành phẩm khá lớn (loại 50 lít), để lăn lóc ngay gần khu vực than củi đen sì, không hề được che đậy, mặc cho ruồi nhặng bu vào. Một loạt các can ớt với màu đỏ đậm, nhạt khác nhau để dưới nền nhà…  

Đặc biệt cơ quan công an đã tiến hành kiểm đếm và thu giữ 1 hộp nhựa đựng chất bảo quản (600g); 8 gói bột màu nghệ (900g); 1 gói bột màu đỏ (100g); 1 gói bột màu tím (100g) là những chất phụ gia mà vợ của Dương Văn Đình là Bùi Thị Chung thừa nhận dùng để trộn lẫn trong quá trình sản xuất tương ớt thành phẩm.
Một gói phụ gia màu đỏ để cho vào món tương ót siêu rẻ bị phát hiện.
Một gói phụ gia màu đỏ để cho vào món tương ót siêu rẻ bị phát hiện.

P.V đã thử cầm chai tương ớt loại 0,5 lít lên để chụp ảnh, và thấy thực sự kinh hãi khi hàng ngày chai tương ớt trông rất bắt mắt nhưng giá chỉ vỏn vẹn có…. 3.000 đồng này vẫn hiện diện trên mặt bàn các quán phở, bún, miến…của các nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Hà Nội.

Làng làm bánh nhái các thương hiệu lớn ở Hà Nội

Nhìn bề ngoài, bao bì mẫu mã các sản phẩm này không khác gì các thương hiệu bánh lớn đang được bày bán trên thị trường. Thậm chí, bánh bên trong cũng được làm nhái "y như thật". Nếu không để ý hoặc chỉ vì ham rẻ, "tặc lưỡi" mua cho xong, nhiều người tiêu dùng sẽ tiếp tay cho hàng nhái mà chưa biết chất lượng thế nào.
 
Trong vai nhân viên của một công ty phân phối bánh kẹo đến Cát Quế (Hoài Đức, Hà Nội) để tìm mối nhập hàng, phóng viên có dịp tận mắt chứng kiến cách làm nhái các loại bánh thương hiệu lớn tại một cơ sở sản xuất bánh kẹo tại đây.
Bánh Orion Goute (trái). Bánh Original Castie (phải). Nhìn hai mẫu bánh này người xem khó tránh khỏi một cảm giác đồng điệu

Bánh Orion Goute (trái). Bánh Original Castie (phải). Nhìn hai mẫu bánh này người xem khó tránh khỏi một cảm giác đồng điệu

Nhìn bằng mắt thì đúng là mẫu mã một số sản phẩm của công ty này không thua kém gì sản phẩm của các công ty lớn như ORION, Kinh Đô... nhưng khi tận miệng nếm thử thì phóng viên mới cảm nhận thấy loại hàng nơi đây sản xuất không thể sánh cùng loại hàng mà nó nhái mẫu.

Thêm vào đó, giá cả nhiều loại bánh chỉ rẻ cỡ ½ đến 1/3 giá các loại mà chúng làm “gần giống ấy”.

Câu hỏi đặt ra là: tại sao nơi đây lại sản xuất được nhiều loại bánh ở mức tinh xảo và giá lại rẻ như thế. Thực hư công nghệ sản xuất bánh kẹo nơi đây là thế nào vẫn còn là một câu hỏi. Trong khi, chỉ vì ham rẻ, người tiêu dùng vẫn vô tư "chuộng" các hộp bánh nhái này.


Hàng loạt sản phẩm tại siêu thị FiviMart mập mờ nhãn mác

Với những người dân có thu nhập trung bình khá, việc vào siêu thị mua sắm thực phẩm đang trở thành một thói quen. Theo đó, hầu hết mọi người đều tin tưởng thực phẩm mua ở siêu thị được có nguồn gốc, địa chỉ rõ ràng, khách hàng dễ dàng tìm đến tận cơ sở sản xuất, chế biến để mục sở thị - nếu muốn.
Nếu như câu chuyện chỉ dừng lại ở đây thì bài toán thực phẩm an toàn đã tìm ra được lời giải. Thế nhưng, thực tế lại không đơn giản như thế. 

Trong một lần kiểm tra các mặt hàng thực phẩm tại quầy thực phẩm lạnh của siêu thị Fivimart (27A Lê Thái Tổ - Hoàn Kiếm, Hà Nội), đoàn thanh tra phát hiện nhiều mặt hàng ghi sai nhãn mác, ghi không đúng ngày sản xuất, hạn dùng gây khó hiểu cho người tiêu dùng.
Phát hiện ruồi chết trên nắp sản phẩm đồ hộp
Phát hiện ruồi chết trên  nắp sản phẩm đồ hộp

Qua kiểm tra cụ thể, đoàn đã phát hiện sản phẩm bánh bao của Việt Quán ghi sai nhãn mác, cụ thể là sai hạn dùng. Trên bao bì sản phẩm ghi rõ “Hạn sử dụng xem trêm bao bì" nhưng trên mặt của sản phẩm chỉ thể hiện ngày sản xuất mà không ghi thời hạn sử dụng...
Sản phẩm đậu phụ tươi Hoa Thảo, ngày sản xuất 12/9, hạn sử dụng 3 ngày ở nhiệt độ thường, 15 ngày trong tủ lạnh. Người tiêu dùng phải cộng đổi để tìm ra hạn sử dụng. "Ghi như trên là sai, khó hiểu, không đúng thông tư", ông Tuấn cho rằng đậu phụ tươi không thể để 3 ngày ở nhiệt độ thường. 8 thông số trên nhãn mác không cụ thể, rõ ràng.

"Luật đã ghi rõ ràng quy định nghĩa vụ trách nhiệm của người sản xuất, người kinh doanh, nhưng người tiêu dùng cũng cần nắm vững kiến thức để sử dụng các sản phẩm khác thật an toàn", ông Lê Anh Tuấn (Giám đốc Sở Y tế Hà Nội) khuyến cáo.

Đau đớn cốm làng Vòng bị nhuộm hóa chất độc hại

Lâu nay, cốm Vòng vẫn được xem là món quà đặc sản thanh khiết, nhưng ít ai biết được màu xanh hấp dẫn của cốm được tạo nên bởi... hóa chất.
Ít ai biết rằng, màu xanh bắt mắt của chỗ cốm này là do phẩm màu công nghiệp tạo thành.
Ít ai biết rằng, màu xanh bắt mắt của chỗ cốm này là do phẩm màu công nghiệp tạo thành.

Tại nhiều xưởng sản xuất quy mô ở làng Vòng (Cầu Giấy, Hà Nội), công đoạn nhuộm cốm được thực hiện bằng máy phun sơn để cốm được đều màu. Còn ở những cơ sở nhỏ hơn, người làm dùng…. chổi để vẩy nước phẩm màu lên cốm.

Không những thế, cốm còn được sản xuất ở… nền nhà nhem nhuốc bẩn thỉu, để gom cốm vương vãi trên nền đất khi giã, người ta phải dùng đến… chổi để quét.

Trước thực tế đáng buồn ấy, nhiều người tiêu dùng bày tỏ nỗi lo sợ một ngày nào đó, món cốm Vòng - một mảnh hồn Hà Nội sẽ mất đi trong quá trình đô thị hóa ào ạt, cùng với những toan tính chạy theo lợi nhuận của một bộ phận những người làm ra sản phẩm này.
Phẩm màu người dân làng Vòng sử dụng để nhuộm cốm.
Phẩm màu người dân làng Vòng sử dụng để nhuộm cốm.
Và quan trọng hơn, niềm tin của họ vào một thứ đặc sản tưởng chừng thanh khiết nhất gần như sụp đổ. "Đến cốm Vòng còn nhuộm phẩm màu thì không biết nhiều món ăn, thức uống khác thế nào", không ít người bày tỏ.

Tố bánh Trung thu Anco mốc, hỏng... thực chất người tiêu dùng cần gì?

Vấn đề ở đây không phải là vì 1 hộp bánh Trung thu bị mốc vì theo lý giải của người tiêu dùng, họ hoàn toàn thông cảm với nhà sản xuất khi trong một mùa Trung thu, nhà sản xuất phải xuất xưởng hàng ngàn chiếc bánh, nên có thể không tránh khỏi sơ suất trong các khâu vận chuyển, bảo quản.

Nhưng điều khiến khách hàng mất niềm tin chính là thái độ và cách giải quyết  sự cố của nhà sản xuất, cách tránh né trách nhiệm của phía nhommua.com.vn trong vai trò là đại diện trung gian phân phối sản phẩm.

Trước đó, theo phản ánh của gia đình bà Nguyễn Thị D.K (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) đến báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, trước rằm Trung thu 2011, bà có mua một số bánh Trung thu hiệu Ancofood, loại bánh nướng 150 gam, của Công ty Cổ phần bánh kẹo Anco. Còn 10 ngày nữa mới hết hạn sử dụng nhưng trước khi mang hộp bánh Trung thu đi biếu khách, bà phát hiện bánh đã bị mốc...

Sau nhiều lần phản ánh lên nhommua (bà mua hàng qua kênh bán hàng này), bà D.K chỉ nhận được thông báo: “Chờ động thái từ nhà sản xuất”.
Bánh trung thu bị mốc của Công ty Anco.
Bánh trung thu bị mốc của Công ty Anco.

Nhiều nghi ngờ được đặt ra, sự việc xảy ra trước rằm tháng 8 nhưng phải đến qua rằm, Công ty Anco mới tiến hành tiếp xúc khách hàng và nhommua mới hỗ trợ bà. "Có phải nhà sản xuất và nhommua đã "ém" thông tin để đến qua rằm giải quyết? Khi đó, người tiêu dùng không còn nhiều quan tâm đến bánh Trung thu như trước rằm", bà D.K thắc mắc.
Thêm vào đó, khi bà tiếp tục phản ánh việc bánh Trung thu bị mốc, hỏng dù còn hạn sử dụng thì bị một người tự xưng là TGĐ Công ty Cổ phần Bánh kẹo Anco đe dọa...

Trong khi đó, trao đổi với phóng viên, đại diện phân phối của Anco -  người trực tiếp gặp bà D.K thừa nhận, anh ta có nói sẽ đi đến cùng vụ việc vì nhận thấy phía Anco không có lỗi. Việc bánh Trung thu bị mốc, Anco đã tiến hành đổi bánh cho khách nhưng khách hàng không chấp nhận..

Trước những hoang mang, lo lắng về nguy cơ thực phẩm bẩn hiện nay, người tiêu dùng chỉ mong muốn và đặt niềm tin vào nhà sản xuất, vì lương tâm với sức khỏe hàng triệu người tiêu dùng mà đặt chữ "an toàn" lên hàng đầu.

Trước khi hy vọng các cơ quan chức năng vì quyền lợi của người dân hãy thật quyết liệt trong "cuộc chiến" để xóa sổ những nguy cơ tiềm ẩn trên, không ít người tiêu dùng thừa nhận "không ai bảo vệ mình tốt hơn mình". Và chính trong cuộc "chiến" bảo vệ mình ấy, chắc hẳn vẫn còn nhiều nhận thức khách quan vênh nhau giữa khách hàng và nhà sản xuất. Do đó, những cuộc tranh cãi này khi chưa có những chế tài để xử lý, sẽ còn rất lâu nữa mới có thể chấm dứt được.



Hải Hà (tổng hợp)