DN thủy sản phản ứng thương nhân TQ cạnh tranh thiếu công bằng

15/06/2011 08:06
Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản trong nước đã bày tỏ bức xúc trước hành động cạnh tranh thiếu công bằng từ thương nhân Trung Quốc.

Tại Hội nghị toàn thể hội viên Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) chiều 14/6 tại TP.Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản bày tỏ bức xúc trước hành động cạnh tranh thiếu công bằng từ thương nhân Trung Quốc.

>> Sợ “quên” đóng dấu nhập cảnh, du khách né tour Trung Quốc?

>> Dồn dập thông tin thực phẩm bẩn, kinh doanh hàng nhập ế ẩm

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Phó Chủ tịch VASEP, trên biển, một mặt ngư dân Việt Nam chịu tác động từ việc ngăn cản từ phía Trung Quốc nên đánh bắt khó khăn; mặt khác khi đi đánh bắt về, tàu cá Việt Nam thường bị thương nhân Trung Quốc tìm mọi cách buộc phải bán nguyên liệu ngay trên biển. Trong khi đó, trên bờ, thương nhân nước này lại tìm mọi cách tranh giành nguyên liệu với doanh nghiệp Việt Nam.

Theo các DN chế biến hải sản, khi mua nguyên liệu từ ngư dân, họ phải xuất hóa đơn và chịu thuế. Trong khi, phía thương nhân Trung Quốc mua trực tiếp từ ngư dân trên biển hay trong bờ đều không phải chịu bất cứ thuế nào, do đó chỉ cần nâng giá mua cao hơn một chút là họ có thể mua bao nhiêu tùy thích.

Nguyên liệu hải sản có dấu hiệu cạn kiệt dẫn đến cạnh tranh khốc liệt.

Nguyên liệu hải sản có dấu hiệu cạn kiệt dẫn đến cạnh tranh
khốc liệt.

Thêm vào đó, việc mua bán qua đường tiểu ngạch được thanh toán chủ yếu bằng đồng Việt Nam hay Nhân Dân tệ và không thể thống kê được giá trị mua bán cụ thể.

Ông Phạm Xuân Nam - Công ty cổ phần Đại Thuận (Nha Trang) cho rằng, giá trị từ hình thức mua bán này rất lớn mà không thể đưa vào thống kê giá trị xuất khẩu của ngành. Nó còn làm mất cân đối cán cân thương mại, tăng tỷ lệ nhập siêu với Trung Quốc. Trong điều kiện nguyên liệu hải sản có dấu hiệu cạn kiệt, mùa đánh bắt gián đoạn như vậy dẫn đến tình trạng cạnh tranh nguyên liệu hải sản khốc liệt.

Ông Nguyễn Điểm, Giám đốc Công ty cổ phần Procimex (Đà Nẵng) cho biết, để cạnh tranh nguyên liệu, công ty này phải nâng giá cao hơn mức giá phía thương nhân Trung Quốc đưa ra nhưng vẫn không mua đủ nguyên liệu. Ông Phạm Xuân Nam cũng xác nhận điều này, đồng thời cho biết, lượng nguyên liệu mà công ty của ông thu mua được chỉ đáp ứng khoảng 30% công suất chế biến.

Bà Sắc cho rằng, khó khăn trong việc cạnh tranh nguyên liệu, cộng với chi phí đầu vào (xăng dầu, điện nước, lương lao động...) tăng nhanh khiến từ đầu năm 2011 đến nay có khoảng 147 DN quay lưng với hoạt động chế biến, xuất khẩu hải sản. Đó cũng là một nguyên nhân khiến từ đầu năm đến nay DN Việt Nam bị mất tới 14 thị trường cũ.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Sắc, Indonesia đã thực hiện lệnh cấm xuất khẩu nguyên liệu hải sản trong nước, VN nên nghĩ tới phương án này để giữ nguồn nguyên liệu trong nước. Ông Nguyễn Điểm cho rằng, chính quyền các địa phương có vai trò quan trọng trong việc tác động tới ngư dân bán hải sản nguyên liệu, đồng thời ngành chức năng cần nghiên cứu chế tài áp thuế cho chính những ngư dân tham gia bán hàng cho thương lái nước ngoài.

>> Sợ “quên” đóng dấu nhập cảnh, du khách né tour Trung Quốc?

>> Dồn dập thông tin thực phẩm bẩn, kinh doanh hàng nhập ế ẩm

Theo Tiền Phong