Đại gia ngoại đua nhau "săn" vốn ngân hàng nội: Mừng hay lo?

04/10/2013 07:14
Hoàng Lực
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành khẳng định: “Theo Thủ tướng Chính phủ, trong tương lai gần, Việt Nam có thể tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng nội địa lên tới 49% là điều đáng mừng”.
Thông tin Tập đoàn tài chính United Oversea Bank (UOB) của Singapore có ý định mua lại 100% cổ phần tại Ngân hàng thương mại cổ phần Dầu Khí Toàn Cầu GPBank đang gây nhiều sự chú ý cho giới đầu tư tài chính. Bởi theo quy định tại Nghị định 69/2007/NĐ-CP hiện hành, nhà đầu tư ngoại chỉ được sở hữu tối đa 20% cổ phần của ngân hàng nội.

Tuy nhiên, mới đây Thủ tướng Chính phủ vừa khẳng định, Việt Nam có thể tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng nội địa lên tới 49% nếu như Nghị định mới (đang được lấy ý kiến sửa đổi bổ sung) thay thế Nghị định 69/2007/NĐ-CP được Chính phủ ban hành.
Ngoài ra, trong một số trường hợp đặc biệt, để phục vụ tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, Thủ tướng Chính phủ có thể nâng tỷ lệ này cao hơn.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách mua lại cổ phần tại ngân hàng Việt nam
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách mua lại cổ phần tại ngân hàng Việt nam
Việc nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang có ý định mua lại số lượng lớn các ngân hàng tại Việt Nam, đặc biệt tại các ngân hàng thuộc diện phải tái cấu trúc lúc này có phải là tín hiệu đáng mừng cho thị trường tài chính? Phân tích về vấn đề này, chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành cho rằng: Ông không lạ khi hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài đang tìm cách mua và sở hữu lượng lớn tỷ lệ cổ phần tại một số ngân hàng Việt Nam như GPBank.
“Chính trong lúc thị trường tài chính và các ngân hàng Việt Nam đang gặp khó sẽ là lúc thuận lợi nhất để các nhà đầu tư nước ngoài tìm đến. Khi đó việc mua lại cổ phần từ các nhà đầu tư trước đó rất dễ bởi hầu hết các ngân hàng này đang gặp khó khăn thuộc diện phải tái cấu trúc”, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho biết. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài ưu tiên mua cổ phần ngân hàng nội địa thay vì mở ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam là do thực tế có các ngân hàng 100% vốn nước ngoài đang hoạt động nhưng bị hạn chế hơn các ngân hàng trong nước.

Về quy định cho phép tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong các ngân hàng Việt Nam hiện nay, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng con số 20% là quá ít sẽ không thu hút được nhiều nhà nhà đầu tư. “Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ vừa khẳng định, trong tương lai gần, Việt Nam có thể tăng tỷ lệ sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng nội địa lên tới 49% là điều đáng mừng”, ông Thành cho biết.

Theo đó, khi nâng mức sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài lên 49% đồng nghĩa với việc quyền lợi của nhà đầu tư nước ngoài sẽ được tăng lên, nhà đầu tư sẽ quan tâm nhiều hơn tiếp tục được đầu tư thêm.

“Cái lợi là ngân hàng nội địa lúc đó sẽ được đầu tư thêm về mặt tài chính, chuyển giao công nghệ, đưa chuyên gia nước ngoài vào để hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực…”, chuyên gia Bùi Kiến Thành nhận định.

Cũng liên quan đến việc nâng tỷ lệ  sở hữu cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài lên 49% có thể sẽ khiến ngân hàng Việt bị thâu tóm thị trường tài chính trong nước có nguy cơ bị lũng đoạn, bị điều khiển bởi các nhà đầu tư nước ngoài, chuyên gia Bùi Kiến Thành cho rằng lo lắng trên là hoàn toàn không đúng. Trên thế giới nhiều nước như Mỹ còn quy định cho nhà đầu tư nước ngoài thỏa mái sở hữu tỷ lệ cổ phần tại các ngân hàng nước này nhưng thị trường tái chính Mỹ vấn ổn định.

Chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành.
Chuyên gia tài chính ngân hàng Bùi Kiến Thành.

“Việc so sánh các ngân hàng Việt Nam và các ngân hàng tại Mỹ là không tương xứng khi tổng tài sản của ngân hàng Việt Nam chỉ vài trăm triệu USD trong khi các ngân hàng Mỹ lên đến cả vài chục tỷ USD. Vì vậy việc cho phép nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tỷ lệ cổ phần 49% là hợp lý và cũng được nhiều nước áp dụng. Khi đó tỷ lệ vốn của nhà đầu tư trong nước vấn chiếm quá bán 51% nên việc thao túng lũng đoạn khó xảy ra”, Chuyên gia tài chính Bùi Kiến Thành nhấn mạnh.

Ở chiều ngược lại, nếu không quy định chặt chẽ tỷ lệ sở hữu cổ phần được phép của nhà đầu tư nước ngoài, các nhà tài chính nước ngoài sẽ dễ dàng sở hữu hợp nhất một ngân hàng Việt Nam. Khi đó vấn đề thao túng lũng đoạn thị trường tài chính trong nước sẽ diễn ra.
Được biết ngoài GPBank, Sacombank đang xúc tiến lựa chọn các đối tác nước ngoài phù hợp để thực hiện tăng vốn giai đoạn II, dự kiến hoàn tất trong quý IV này, với tỷ lệ cổ phần chào bán là 20%. Đánh giá về lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam, nhất là với dịch vụ tài chính bán lẻ, một chuyên gia tài chính nước ngoài cho biết, tiềm năng của lĩnh vực tài chính - ngân hàng Việt Nam hiện còn rất lớn, nhưng chưa khai thác hết.
Hoàng Lực