Điện thoại “khủng”, giá rẻ như cho: Coi chừng mua rồi bỏ!

18/06/2011 23:51
Xuất hiện nhiều dòng điện thoại di động giá cực rẻ, tính năng “khủng”, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi sử dụng.

Xuất hiện nhiều dòng điện thoại di động giá cực rẻ, tính năng “khủng”, người tiêu dùng nên cẩn trọng khi sử dụng

Hiện trên thị trường, điện thoại di động (ĐTDĐ) giá dưới 500.000 đồng/cái chiếm số lượng không ít. Các nhà sản xuất và phân phối ngày càng chú trọng phát triển sản phẩm giá rẻ để phục vụ đối tượng khách hàng bình dân.

Rẻ như… cho

Anh Minh Thanh, nhà ở quận 7 (TP.HCM) cho biết anh vừa mua chiếc điện thoại hiệu Samsung chính hãng, bảo hành 12 tháng với giá chỉ 350.000 đồng, tặng kèm sim Viettel có sẵn 320.000 đồng trong tài khoản. “Không ngờ ĐTDĐ của hãng lớn lại có giá rẻ vậy. Nếu tính cả tiền khuyến mãi trong tài khoản thì coi như điện thoại này tôi được… cho không” – anh Thanh nói. Cách đây không lâu, chị Lê, nhà ở quận 3, TP.HCM, cũng mua một chiếc điện thoại của VinaPhone với giá 320.000 đồng, tặng sim tài khoản tổng cộng trong 12 tháng bằng đúng giá trị chiếc điện thoại. Đến giờ, chị vẫn sử dụng chiếc điện thoại này, dù bàn phím hơi cứng nhưng khá bền và chưa bị hư hỏng gì.
 

Khách hàng chọn mua điện thoại Trung Quốc giá rẻ.
Khách hàng chọn mua điện thoại Trung Quốc giá rẻ.

Ưu điểm của những chiếc ĐTDĐ “bèo” chính hãng có giá dưới 500.000 đồng là được sản xuất, đặt hàng bởi một số thương hiệu uy tín. Tuy nhiên, điều kiện đi kèm của điện thoại “cho không” là khách hàng chỉ sử dụng sim của một nhà mạng liên kết với nhà sản xuất điện thoại. Công dụng của các dòng điện thoại này chỉ để nghe gọi là chính. Đây được xem là một trong những chiêu của các nhà mạng nhằm kích cầu để tăng số lượng thuê bao trong tình hình cạnh tranh gay gắt giữa các đơn vị viễn thông hiện nay.

Cẩn trọng với hàng “bèo” Trung Quốc

Song song với dòng ĐTDĐ giá “bèo” của các hãng có tên tuổi thì các loại ĐTDĐ Trung Quốc giá cực rẻ, tính năng “khủng” đang xuất hiện tràn ngập trên thị trường.

Ghi nhận của chúng tôi tại một số siêu thị điện thoại, điện máy lớn ở TP.HCM như Thế Giới Di Động, Viễn Thông A, Viettel, Điện máy Chợ Lớn…, hàng chục nhãn hiệu ĐTDĐ có xuất xứ từ Trung Quốc giá rẻ, đa tính năng được bày bán. Cả chục dòng sản phẩm có giá dưới 1 triệu đồng với đầy đủ tính năng như Malata, Bluefone, Maxfone, I-mobile, Gionee, Pphone, Mobistar, G-Tide…
 
Chẳng hạn, ĐTDĐ Bluefone U121 được rao bán với giá chỉ 499.000 đồng/chiếc nhưng có thể nghe nhạc, xem phim MP4, hỗ trợ 4 sim 2 sóng. Hay chiếc Maxfone C230 giá 650.000 đồng cũng xem phim MP4, nghe nhạc MP3 và hỗ trợ thẻ nhớ ngoài lên đến 4GB… Sản phẩm mới liên tục được nhập về khiến ngay cả người bán cũng mơ hồ. Chúng tôi hỏi về chiếc ĐTDĐ SH Mobile tại một siêu thị điện máy ở quận 3 – TP.HCM, nhân viên bán hàng cho biết “hàng Trung Quốc mới về nhưng… mới quá nên em cũng không biết chất lượng ra sao (?)”.
 
Theo giới chuyên môn, ĐTDĐ Trung Quốc giá “bèo” với tính năng “khủng” đánh vào tâm lý người tiêu dùng: giá “mềm” và thỏa mãn nhu cầu giải trí (nghe nhạc, xem phim, bluetooth, chụp hình, radio FM..). Nhiều mẫu điện thoại Trung Quốc có hình thức bắt mắt, đa năng và hỗ trợ tiếng Việt (ngoài tiếng Hoa) nên được người tiêu dùng chọn lựa. Tuy nhiên, chất lượng linh kiện điện tử bên trong thường không ổn định, độ bền thấp, đa số được lắp ráp bằng tay… nên sau thời gian bảo hành nếu máy hư, khách hàng chỉ có cách bỏ tiền mua máy mới.
 
Ngoài ra, không ít trường hợp ĐTDĐ chưa hết hạn bảo hành nhưng đã “trở chứng” như bàn phím bị cứng khó sử dụng, nghe nhạc bị “nhão” và không sử dụng được nhiều sim cùng lúc… “Linh kiện kém chất lượng (đặc biệt là pin) và không theo một tiêu chuẩn nào nên lâu ngày bức xạ điện thoại dễ gây tổn hại người sử dụng. Đặc biệt, các sản phẩm đa năng khi dùng lâu tỏa nhiệt rất lớn, rất dễ gây nổ pin”, một chuyên gia trong ngành phân tích.

Nhân viên kỹ thuật một siêu thị điện thoại có tiếng ở quận 3 cũng thừa nhận ĐTDĐ Trung Quốc giá “bèo” có tốc độ truy cập WiFi rất chậm và hay bị “đơ” so với hàng có thương hiệu. Nếu máy vô tình bị va đập sẽ hư hỏng ngay. Các chuyên gia trong ngành điện thoại cảnh báo người dùng nên cẩn thận hơn trong việc lựa chọn các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là mặt hàng ĐTDĐ. Tâm lý ham rẻ khiến người mua hàng dễ bị cuốn hút nhưng cũng rất dễ bị “tiền mất tật mang”.

Theo Người lao động