Doanh nghiệp Việt từng phản ứng thế nào sau vụ bắt bầu Kiên?

17/03/2013 08:46
Theo Vnexpress
Trong năm 2012, VCCI cho rằng sự kiện này tác động lớn tới cảm nhận của doanh nghiệp FDI. Dù đa số tin rằng sự kiện không mang tính chính trị nhưng niềm tin của giới đầu tư đã giảm một nửa sau 20 ngày.
Thông tin trên được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố trong bản khảo sát các nhà đầu tư FDI ở Việt Nam về phản ứng tâm lý của doanh nghiệp trước sự kiện bắt giữ ông Nguyễn Đức Kiên (tức bầu Kiên). Ông Kiên nguyên là Phó chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng thương mại Á Châu (ACB) và bị bắt vào ngày 20/8/2012.
Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: M.H.
Ông Nguyễn Đức Kiên. Ảnh: M.H.
>> Toàn cảnh vụ bắt giữ bầu Kiên Cú sốc ngày 20/8 được các doanh nghiệp cho rằng là một tín hiệu mạnh mẽ thể hiện nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với những khó khăn nghiêm trọng. "Các phân tích cho thấy đây là cú sốc bất ngờ đối với cả thị trường chứng khoán và thị trường vàng. Trong vòng 20 ngày sau sự kiện, niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước sụt giảm một nửa", báo cáo phân tích của VCCI cho hay. Sự kiện này tác động không nhỏ tới cảm nhận của doanh nghiệp. Doanh nghiệp quy mô trung bình và lớn, tiềm năng tăng trưởng lớn của Việt Nam trong tương lai lại bị ảnh hưởng mạnh nhất. Ngành sản xuất, nguồn tăng trưởng và xuất khẩu chủ lực, cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Tuy nhiên, doanh nghiệp dịch vụ lại ít chịu ảnh hưởng nhất theo kết quả của VCCI. So sánh giai đoạn trước và sau mốc ngày 20/8 có thể thấy chỉ số niềm tin doanh nghiệp FDI giảm 22% trong 30 ngày sau sự kiện này. Theo VCCI, đây là khác biệt có ý nghĩa về mặt thống kê. Báo cáo của VCCI còn cho hay tỷ lệ chọn rủi ro kinh tế vĩ mô đã tăng từ 20% vào ngày trước sự kiện ACB lên đến 80% vào ngày cuối cùng của cuộc điều tra. Tuy nhiên, theo các nhà đầu tư FDI tại Việt Nam tham gia khảo sát, họ không cho rằng sự kiện này mang tính chính trị. Ngoài ra, sau sự kiện ngày 20/8, họ tỏ ra ít quan ngại hơn trước về tham nhũng. VCCI đưa ra hai lý giải có hàm ý đối lập về cảm nhận của nhà đầu tư với rủi ro tham nhũng. Một là nhà đầu tư coi vụ bắt giữ như tín hiệu cho thấy Chính phủ đang tăng cường xử lý tham nhũng. Ngược lại, khả năng thứ hai có thể là nhà đầu tư ngày càng e dè hơn khi trả lời về vấn đề tham nhũng.
Biến động thị trường chứng khoán mùa hè năm 2012.
Biến động thị trường chứng khoán mùa hè năm 2012.
Một trong những thay đổi lớn chính là việc các lãnh đạo doanh nghiệp đã có cách phản ứng cẩn trọng hơn trước những sự kiện xảy ra. "Họ phản ứng với sự kiện này thông qua sự thay đổi trong cách trả lời những câu hỏi nhạy cảm. Câu trả lời mang tính chất né tránh nhiều hơn và doanh nghiệp không trả lời các câu hỏi về chi phí không chính thức đã tăng lên đột biến sau ngày 20/8” – báo cáo phân tích của VCCI cho hay. Ngay sau khi bầu Kiên bị bắt, thị trường tài chính Việt Nam chao đảo. Sau sự kiện này, chứng khoán lao dốc và bốc hơi gần 50.000 tỷ đồng trong khi thị trường vàng cũng có đợt nhảy giá mạnh. Bản thân thị trường ngân hàng cũng chứng kiến hàng loạt những vụ bắt bớ liên quan các VIP trong ngành.
* Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo Vnexpress