Doanh nghiệp lớn, nhỏ viện đủ "chiêu trò" để nợ lương nhân viên

09/10/2012 14:26
Theo VEF
Kinh tế khó khăn, nhiều lao động bị chậm hoặc nợ lương nhưng vẫn kiên trì bám trụ. Nắm bắt tâm lí ấy nên mặc người lao động lay lắt chờ lương từng ngày, nhiều DN tìm đủ chiêu trò để trì hoãn trả lương.
Thiếu hồ sơ: Không được trả lương
Làm việc tại một công ty truyền thông ở Láng Hạ, Hà Nội được 4 tháng nhưng 2 tháng nay, chị Nguyễn Thị Thủy không hề được trả lương do chưa bổ sung đủ giấy tờ, thiếu bằng gốc và sổ hộ khẩu photo công chứng trong hồ sơ. Lạ là, 1 ngày trước khi trả lương theo quy định, chị mới nhận được thông báo nên không kịp chuẩn bị. Đến khi chị bổ sung đầy đủ giấy tờ thì được trả lời rằng chị nộp muộn nên sẽ đổ vào lương lần tiếp theo. Theo lời chị Thủy, ngay từ lúc đầu vào làm ở công ty, chị đã nộp đủ các văn bằng, giấy tờ theo quy định của phòng hành chính. Trong yêu cầu ban đầu cũng không bắt buộc phải nộp sổ hộ khẩu công chứng và bằng gốc. Thế nên, không riêng chị mà 26 người còn lại cũng chịu chung cảnh chậm lương với lý do vô lý như trên. Không chỉ chậm lương mà 2 tháng vừa qua, chị cũng không nhận được định mức sản xuất các chương trình. Ngay bản thân chị, số tiền công ty chưa thanh toán khoảng 8 triệu, chưa kể toàn bộ các khoản phụ cấp được nhận trong 2 tháng trước đó là 1,2 triệu đồng/tháng đều đã bị thông báo cắt giảm. "Hai tháng đầu tiên, tôi vẫn nhận được lương đầy đủ mà không hề bị phàn nàn về việc thiếu giấy tờ vậy mà đến bây giờ lại lôi lí do này ra để trì hoãn. Tôi cũng đã làm nhiều nơi rồi nhưng chưa thấy ở đâu lại yêu cầu người lao động nộp bằng gốc để ràng buộc. Nếu không nộp bằng gốc thì  thay thế bằng kí quỹ, nộp sổ tiết kiệm trị giá 5 triệu vào công ty. Như vậy là bắt chẹt người lao động, không có điều khoản nào vô lý như thế", chị Thủy bức xúc. Chị kể, bình thường, với cách trả lương như ở đây, toàn bộ người lao động đã luôn ở trong tình trạng chậm lương 1 tháng. Bởi lương tháng trước thì tháng kế tiếp sau đó mới được nhận, không những thế còn bị chia làm 2 đợt nhận trong tháng.Thế nên đi làm hết tháng 8 vừa rồi, chị mới chỉ nhận được đủ lương của tháng 7. Chán nản và bức xúc trước những điều khoản vô lý, chị Thủy đã tính đến chuyện nghỉ việc, song khi đưa đơn chị lại gặp phải vô số rào cản từ công ty. "Khi bắt đầu vào làm, công ty cho đi học một khóa đào tạo nghiệp vụ ngắn hạn trong 5 ngày và bắt chúng tôi kí hợp đồng đào tạo, trong đó quy định người lao động phải làm việc cho công ty trong vòng 1 năm. Hợp đồng đó hai bên cùng kí, có dấu xác nhận của công ty và mỗi bên giữ một bản. Thực chất chỉ có chúng tôi kí, công ty cũng chưa hề đưa lại bản nào cho tôi. Hợp đồng chưa có dấu là vô giá trị, thế nhưng khi tôi nghỉ họ lại bảo là tôi phá hợp đồng, phải đền bù 5 triệu đồng phí đào tạo. Nếu không nộp phạt thì tôi khó lấy được lương tháng 8 và tháng 9, chưa kể còn bị gây khó dễ khi rút bằng gốc đã nộp. Trong khi ngày vào làm việc, tôi không hề biết những thủ tục này, nếu biết trước chắc tôi chẳng làm vì công ty luôn dồn người lao động vào tình thế sự đã rồi", chị kể.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo như tìm hiểu thì không chỉ riêng chị Thủy mà nhiều người lao động trong công ty cũng rất bức xúc vì cách làm việc "tiền trảm hậu tấu". Đây có lẽ cũng là một trong những chiêu thức mà doanh nghiệp này áp dụng khiến người lao động "đi cũng dở, ở cũng không xong".Chờ đến khi... thanh toán hợp đồng Đây có lẽ là lí do mà các công ty, doanh nghiệp đưa ra nhiều nhất để giải thích với người lao động về tình trạng nợ lương kéo dài. Anh Thành, làm việc tại một công ty trong lĩnh vực xây dựng ở Cổ Nhuế, Từ Liêm đã 2 năm nay cho biết tình trạng nợ lương 2-3 tháng ở công ty anh là "chuyện thường ngày ở huyện". Lần này đã 4 tháng, anh chưa được nhận lương. Vì là công ty nhỏ, vốn quay vòng chậm nên nếu khách hàng chưa trả tiền thì công ty cũng không có tiền trả cho người lao động. "Khi chúng tôi kêu quá, dọa bỏ việc thì lại được phía công ty ứng cho một khoản để tạm chi tiêu sinh hoạt và giải thích phải hợp đợi khách hàng thanh toán tiền hợp đồng. Một tháng tiền lương cứng của tôi chỉ được 3,5 triệu, còn lại là tiền làm thêm từ các dự án, nhưng nếu khách hàng chưa thanh toán thì cũng chả biết đến bao giờ mới nhận được tiền". Khi được hỏi sao không tìm cơ hội ở các công ty khác thì anh có vẻ ái ngại: "Bây giờ khó khăn, đi đâu cũng thế, bạn bè tôi nhiều người kêu thất nghiệp lắm nên có việc để làm là may lắm rồi". Tương tự như trường hợp của anh Thành, chị Ngô Thị Nguyệt làm việc tại Công ty xuất nhập khẩu B.M. ở Hoàng Mai (Hà Nội) cũng thường xuyên bị công ty chậm trả lương và không được công ty ứng cho khoản nào kể cả người lao động có kêu ca hay phàn nàn. Như tháng 6 vừa rồi chị mới nhận được lương mà công ty nợ từ tháng 3, với tổng số tiền là 20 triệu đồng; còn từ tháng 6 tới bây giờ công ty lại tiếp tục nợ lương. Tháng nào, người lao động cũng bị chậm lương và cũng được nghe giải thích rằng do phía đối tác chậm thanh toán hợp đồng và phải chờ. Nhưng chờ tới 3-4 tháng, lãnh đạo công ty cũng vẫn giải thích như thế. Chị Nguyệt cho hay, "đó là lương trả cho lao động làm việc tại công ty, chứ nếu xin nghỉ rồi thì khó lấy được lương cũ lắm. Công ty chỉ hứa là sẽ trả nhưng chẳng biết là bao giờ. Một vài người nghỉ việc cả năm nay rồi vẫn chưa đòi được lương với lý do cần có thời gian giải quyết thủ tục". Một điều dễ nhận ra, với các doanh nghiệp, tình hình nợ lương người lao động tuy không kéo dài hàng năm nhưng "ủ" một vài tháng là thực tế đang diễn ra. Thẳng thắn nhìn nhận thực trạng ấy mới hiểu rằng không chỉ người lao động đang khốn khổ vị bị nợ lương mà chính các doanh nghiệp cũng lao đao trong cơn bão táp.Không trả lương vẫn muốn giữ người Không đảm bảo tài chính chi trả cho lao động, song vì muốn giữ người để chuẩn bị sau này khi kinh tế thoát khó, nhiều doanh nghiệp đã có những kế sách "mềm" để giữ chân người lao động. Một công ty kinh doanh mặt hàng thể thao trên đường Quốc Tử Giám, trong lúc khó khăn đã phải thu hẹp 3 công ty con lại thành một cửa hàng nhỏ bán hàng. Tuy nhiên, để nuôi 3 nhân công bán hàng khi chậm lương, chủ doanh nghiệp đồng ý cho 2 người được ở nhờ cửa hàng, bao luôn tiền điện nước. Chủ cửa hàng chia sẻ: "Đây là những nhân viên chủ chốt gắn bó với công ty bao nhiêu năm. Các mối hàng, nhà dịch vụ họ đều quen hết, lại thạo việc. Kinh tế khó khăn mình phải thu hẹp, nhưng sau này đỡ hơn lại bung ra. Giữ người để chờ thời cơ". Hàng tháng chỉ được ứng 1/3 lương nhưng một công ty trên phố Bà Triệu vẫn cố gắng đảm bảo chính sách an sinh cho các đối tượng cho cơ quan. Ngày lễ, ngày Tết Trung thu... , công ty vẫn trích quỹ gần như cạn kiệt của mình cho con cán bộ, nhân viên 100.000-200.000 đồng. Chị Nguyễn Thị Thu, kế toán, nói rằng trước khi chậm lương, ban lãnh đạo cũng trình bày khó khăn với tất cả anh em. Công ty cũng tạo thời gian cho anh em làm thêm ngoài khi hết việc, ngày lễ cũng có quà bánh cho các cháu. Nhân viên thấy được động viên tinh thần. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài quá lâu cũng khó giữ chân người lao động. Theo một báo cáo mới đây, số doanh nghiệp đóng cửa và phá sản năm 2011 là 53.000, trong tám tháng đầu của năm 2012 là 35.500 (trong đó số phá sản rất ít, còn tuyệt đại đa số là ngưng hoạt động); hàng tồn kho tăng cao nhất là bất động sản... Cũng theo một chuyên gia của Bảo hiểm Việt Nam, số cơ quan nợ lương, nợ bảo hiểm đã tăng rất nhiều lần. Tình trạng này kéo dài sẽ làm người lao động thiệt thòi và không gánh nổi chi phí thực cho cuộc sống.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo VEF